Phải ghi nhận rằng, những năm qua, huyện Đơn Dương đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt thể hiện quyết tâm lớn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ đó, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Phút nghỉ ngơi của những người làm nghề giữ rừng |
• TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, TRUY QUÉT CÁC ĐIỂM NÓNG
Những ngày tháng 3, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở huyện Đơn Dương càng trở nên nóng hơn bao giờ hết bởi ngoài việc tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát quản lý, bảo vệ rừng; lực lượng kiểm lâm còn phải kiêm luôn cả việc trực chiến phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24.
Ranh giới giữa khu vực Ya Hoa với huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận và khu vực xã Tu Tra, xã Đạ Ròn giáp ranh với huyện Đức Trọng chính là những điểm nóng về phá rừng. Đây cũng là những nơi mà nhiều năm qua huyện luôn đặc biệt quan tâm, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng hiện vẫn là nơi khiến các cán bộ kiểm lâm đau đầu và mất sức.
Mặc dù thời gian qua, hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận cũng đã ký kết quy chế phối hợp để quản lý, bảo vệ khu vực rừng giáp ranh, 2 bên cũng đã xây dựng các chốt bảo vệ rừng tại khu vực này và thường xuyên tăng cường tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm; tuy nhiên, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn còn xảy ra tại khu vực Ya Hoa mà chưa thể xử lý triệt để. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ý thức người dân còn nhiều hạn chế. Thôn Ya Hoa chỉ có khoảng hơn 150 hộ, gồm có 610 nhân khẩu, người dân sống chủ yếu làm nông, điều kiện đất đai, khí hậu khắc nghiệt vì vậy cuộc sống của bà con nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, dẫn đến việc dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, xúi giục thực hiện các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, đặc biệt là vùng giáp ranh, lực lượng kiểm lâm thời gian qua là nòng cốt cùng với sự phối hợp của Ban Lâm nghiệp xã, lực lượng công an, dân quân tự vệ… tổ chức tuần tra rừng. Đặc biệt, để nâng cao nhận thức của bà con, lực lượng kiểm lâm phối hợp với địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về lâm nghiệp qua nhiều hình thức, trong đó chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng nòng cốt, đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, già làng, người có uy tín để thu hút người dân tham gia bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy và trồng rừng. Đồng thời, thực hiện tốt các nội dung trong quy chế phối hợp của các cấp, ngành đã ký kết, tăng cường công tác phối hợp với UBND xã nắm chắc địa bàn, đối tượng; gặp gỡ, hỗ trợ, trao đổi thông tin thường xuyên với các lực lượng của xã để có thể làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Với nhiều nỗ lực và công tác phối hợp ngày càng chặt chẽ, công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng đã đem lại hiệu quả đáng kể. Các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng vùng giáp ranh đang có dấu hiệu giảm dần.
• PHỐI HỢP VỚI CÁC NGÀNH CHỨC NĂNG TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ RỪNG
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đặng Quốc Thái Bình - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy và phát triển rừng đã có sự chuyển biến tích cực. Ngoài công tác tuần tra, kiểm tra rừng được triển khai định kỳ và đột xuất, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng cũng được đơn vị đặc biệt quan tâm và tổ chức, phối hợp thực hiện bằng nhiều hình thức. Hạt đã chủ động tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về lâm nghiệp, công tác tuần tra rừng. Công tác bảo vệ rừng cũng đã có sự phối hợp khá chặt chẽ giữa các ngành chức năng như: công an, quân đội, kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương. Ở các địa bàn giáp ranh như huyện Ninh Sơn, Đức Trọng, Đà Lạt, Lạc Dương, thường xuyên mở các đợt tuần tra, truy quét các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng để ngăn chặn, xử lý kịp thời, góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác bảo vệ rừng, PCCCR.
Đặc biệt, trong năm 2022 vừa qua, công tác rà soát diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, tái lấn chiếm, đất trống chưa có rừng; tháo dỡ các công trình, nhà kính, nhà lưới trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn thành. Bên cạnh đó, công tác giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp để thực hiện dự án sản xuất nông lâm kết hợp, kinh doanh du lịch sinh thái dưới tán rừng..., công tác giao khoán bảo vệ rừng từ nguồn vốn chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng đã được các đơn vị chủ rừng tiếp tục thực hiện theo đúng kế hoạch…; qua đó góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống người dân sống gần rừng, từng bước hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép.
Với nhiều nỗ lực, năm 2022, tổng số vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện giảm đáng kể. Năm 2022, số vụ vi phạm 12 vụ, giảm 29,4% so cùng kỳ năm 2021 (12/17 vụ); diện tích thiệt hại do phá rừng cũng giảm 90% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù vẫn còn một số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp xảy ra trong năm 2022, tuy nhiên phải ghi nhận rằng, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Và trong năm 2023 này, với nhiều giải pháp, huyện đặt mục tiêu tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, phấn đấu giảm 10% số vụ vi phạm, giảm 10% mức độ thiệt hại về diện tích rừng và khối lượng lâm sản so với năm 2022, phấn đấu nâng độ che phủ rừng năm 2023 lên 59,6% và đến năm 2025, độ che phủ rừng sẽ đạt tỷ lệ 60%.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin