UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Mục tiêu tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính….
Lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà Tết Nhân ái cho người bệnh đang được chăm sóc giảm nhẹ tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng |
Ước tính mỗi năm tại Việt Nam số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 77% tổng số tử vong, chủ yếu là do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Đồng thời, số liệu cũng cho thấy trên thế giới cũng như tại Việt Nam đa số những người tử vong do bệnh dịch COVID-19 đều có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường hoặc các bệnh mạn tính khác. Các bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện, gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội do bệnh phải điều trị suốt đời làm tăng chi phí y tế, giảm năng suất lao động và sản phẩm xã hội, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe cộng đồng.
Tại Lâm Đồng, ngành Y tế ghi nhận tổng số bệnh nhân tăng huyết áp toàn tỉnh được quản lý 45.864 người. Trong năm 2022, khám sàng lọc tăng huyết áp cho 402.166 người từ 40 tuổi trở lên, phát hiện 2.125 bệnh nhân mới. Có 6.330 bệnh nhân tăng huyết áp có biến cố (tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim). Số bệnh nhân điều trị đạt huyết áp mục tiêu là 28.000 người; có 262 bệnh nhân tử vong (bệnh nhân được chẩn đoán tăng huyết áp tử vong do mọi nguyên nhân). Hiện, toàn tỉnh có 66 xã triển khai phòng, chống tăng huyết áp 66 xã, có 20 trạm y tế nhận hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2022.
Năm 2022, ngành Y tế tỉnh khám, điều trị cho 58.849 lượt bệnh nhân đái tháo đường và tiền đái tháo đường. Tỉnh cũng triển khai các hoạt động phòng, chống các rối loạn do thiếu I ốt theo quy định của chương trình, khám, tư vấn và điều trị cho 4.551 lượt bệnh nhân basedow và 1.143 lượt bệnh nhân bướu cổ đơn thuần.
Có 142/142 trạm y tế quản lý và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản; điều trị quản lý cho 745 bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 941 bệnh nhân hen phế quản.
Hiện, 100% các huyện, thành phố triển khai thực hiện truyền thông giáo dục sức sức khỏe phòng, chống ung thư đến xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao nhận thức đúng của cộng đồng về phòng, chống và phát hiện sớm bệnh ung thư; từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư. Trong năm 2022, toàn tỉnh phát hiện 780 trường hợp ung thư mới, quản lý 2.922 trường hợp và có 503 trường hợp tử vong liên quan đến ung thư; tiếp tục thực hiện công tác chăm sóc giảm nhẹ tích cực cho 4.736 lượt bệnh nhân; tổ chức khám sàng lọc phát hiện ung thư 4.554 lượt người.
Triển khai kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh Lâm Đồng. Đẩy mạnh công tác truyền thông và đào tạo, tập huấn, giám sát chương trình tại các khách sạn, trường học và trung tâm y tế...
Để thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2025, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện kịp thời và đạt hiệu quả. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, chính quyền, các sở, ban, ngành, tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần. Giảm thiểu các hành vi nguy cơ chính để dự phòng mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần. Tăng tỷ lệ phát hiện, quản lý điều trị, chăm sóc người mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần. Phát triển, nâng cao năng lực hệ thống để bảo đảm cung cấp dịch vụ phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần. Phát triển hệ thống giám sát, quản lý thông tin, thống kê báo cáo bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần và các yếu tố nguy cơ.
Các giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu bao gồm: Tăng cường công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo và hoàn thiện các chính sách liên ngành. Truyền thông và nâng cao sức khỏe để giảm thiểu các hành vi nguy cơ, dự phòng mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần. Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý, điều trị, chăm sóc người bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần. Phát triển, nâng cao năng lực hệ thống cung cấp dịch vụ phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần. Phát triển hệ thống giám sát, quản lý thông tin bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần và yếu tố nguy cơ gây bệnh...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin