Ông Phạm Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, những đổi mới trong bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP sẽ tăng tính trách nhiệm của UBND các cấp, đồng thời, khuyến khích các địa phương phát triển các sản phẩm phù hợp với thực tế.
Những thay đổi trong tiêu chí đánh giá sẽ tăng cường trách nhiệm của các địa phương trong quá trình xây dựng thương hiệu các sản phẩm OCOP |
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 148/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Trong đó điều chỉnh, bổ sung những yêu cầu nhằm phù hợp với mục tiêu phát triển Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 và phù hợp với thực tiễn ở các địa phương. Quyết định này thay thế Quyết định số 1048/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2018-2020 mà các địa phương vẫn đang áp dụng trước đó.
Theo đó, từ nay về sau, sản phẩm OCOP phân thành 6 nhóm sản phẩm: Thực phẩm; đồ uống; hàng thủ công mỹ nghệ; sinh vật cảnh; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm bán hàng.
Về quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, ngoài các hồ sơ bắt buộc như phiếu đăng ký sản phẩm tham gia chương trình, báo cáo tự đánh giá về sản phẩm thì phải có đánh giá của UBND cấp xã đối với một số nội dung của sản phẩm tham gia chương trình OCOP như về sử dụng nguyên liệu, sử dụng lao động địa phương, ý tưởng sản phẩm, sản phẩm mang bản sắc/ trí tuệ địa phương… Đồng thời quy định rõ đối với từng loại hồ sơ minh chứng chủ thể cần phải có để được chứng nhận sản phẩm OCOP tương ứng với hạng 3 sao, 4 sao, 5 sao.
Cấu trúc các nội dung đánh giá sản phẩm OCOP cũng điều chỉnh lại cơ cấu điểm giữa 3 phần, thành 40-25-35 điểm, thay vì là 35-25-40 điểm như trước đây. Cụ thể: Sản phẩm và sức mạnh cộng đồng 40 điểm; khả năng tiếp thị 25 điểm, và chất lượng sản phẩm 35 điểm.
Về phân cấp đánh giá, phân hạng sản phẩm, UBND cấp huyện sẽ dựa trên kết quả đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao. UBND cấp tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 4 sao. Đối với các sản phẩm đạt chứng nhận 5 sao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ra quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và cấp giấy chứng nhận.
Bên cạnh đó, Bộ tiêu chí mới bổ sung quy định tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khai thác các giá trị văn hóa của sản phẩm OCOP; khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số như: sở hữu trí tuệ; tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm; điểm khuyến khích cho chủ thể là nữ/đồng bào dân tộc thiểu số…
Theo ông Phạm Hưng, qua thời gian triển khai, Chương trình OCOP đã bắt đầu tiếp cận với nhiều người dân, doanh nghiệp. Thông qua công tác tuyên truyền, các hoạt động xúc tiến thương mại cùng với sự thành công của các chủ thể đi trước đã tạo động lực mạnh mẽ cho các chủ thể mới tham gia chương trình. Người dân đã cơ bản hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP. Nhiều địa phương đã thấy được tiềm năng, thế mạnh của mình để có những giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP góp phần nâng cao thu nhập, thực hiện tốt tiêu chí tổ chức sản xuất của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.
Chương trình OCOP cũng đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, từng bước mang lại những kết quả khả quan, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Các sản phẩm được chứng nhận, không ngừng cải tiến mẫu mã. Từ đó thu nhập của doanh nghiệp, hộ dân đã được tăng lên thông qua Chương trình OCOP.
Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng đã tạo điều kiện, nguồn lực cho các chủ thể tham gia chương trình, qua đó đã góp phần quảng bá, sản phẩm của các doanh nghiệp, cũng như hình ảnh của sản phẩm OCOP Lâm Đồng đến người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin