Từ nhiều nỗ lực, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng đang được triển khai hiệu quả ở Ban Quản lý rừng Tân Thượng (huyện Di Linh).
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận trao đổi một số nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng Tân Thượng |
Ban Quản lý rừng Tân Thượng là đơn vị sự nghiệp, được giao quản lý rừng và đất lâm nghiệp tại 4 xã Tân Châu, Tân Thượng, Tân Lâm và Đinh Trang Thượng của huyện Di Linh, với tổng diện tích là 5.328,1 ha. Trong đó, diện tích quy hoạch phòng hộ xung yếu là 3.504,4 ha và diện tích quy hoạch sản xuất là 1.823,7 ha.
Ông Trần Văn Lương - Trưởng Ban Quản lý rừng Tân Thượng cho biết: Nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác quản lý, bảo vệ rừng của Ban đã đạt được nhiều hiệu quả. Cụ thể, năm 2022, trên diện tích rừng do đơn vị này quản lý đã xảy ra 3 vụ vi phạm lấn chiếm đất lâm nghiệp, diện tích 443 m2. Con số này đã giảm so với năm 2021 là 7 vụ. Ban Quản lý rừng Tân Thượng cũng thường xuyên kiểm tra, rà soát diện tích bị lấn chiếm, tái lấn chiếm và tổ chức lực lượng giải tỏa cây trồng trái phép trên diện tích 52.673 m2. Đồng thời, tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng với 286 hộ sống gần rừng và canh tác nương rẫy ven rừng.
Mùa khô năm 2021 - 2022, Ban Quản lý rừng Tân Thượng đã phân công lực lượng quản lý, bảo vệ rừng và các hộ nhận khoán tăng cường công tác trực tuần tra tại các khu vực rừng trồng, rừng tự nhiên có nguy cơ cháy cao nhằm phát hiện, dập tắp kịp thời các điểm phát sinh lửa. Vì vậy mùa khô cao điểm năm 2021-2022, trên toàn lâm phần đơn vị quản lý vẫn có một số vụ cháy rừng nhưng không làm thiệt hại đến chất lượng rừng, chủ yếu do các đối tượng xấu đốt phá hoại, cháy thảm cỏ, cháy dưới tán rừng.
Thời gian qua, công tác giao khoán bảo vệ rừng cũng được Ban Quản lý rừng Tân Thượng triển khai đúng quy định. Đơn vị đã thực hiện nhiệm vụ giao khoán dịch vụ môi trường rừng với diện tích 3.350,83 ha, cho 136 hộ dân địa phương; chia làm 5 tổ cùng với các Trạm thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Bình quân mỗi hộ nhận 22 ha, thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/tháng/hộ.
Năm 2022, đơn vị thực hiện trồng rừng tập trung trên diện tích đất lâm nghiệp đã tổ chức giải tỏa là 5 ha, chăm sóc rừng trồng sau giải tỏa các năm trước là 12 ha, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch; ngoài ra, đơn vị tự tổ chức trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm nhỏ lẻ, manh mún nhằm chống lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.
Tuy nhiên, theo ông Lương, công tác quản lý, bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng Tân Thượng hiện vẫn còn nhiều khó khăn do diện tích rừng và đất lâm nghiệp đơn vị quản lý trải dài trên nhiều xã, nằm đan xen với khu vực sản xuất nông nghiệp, tiếp giáp với các khu dân cư, đất đai thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng, đường giao thông thuận tiện; dân cư địa phương và dân cư tự do vào sinh sống, sản xuất trong và ven rừng làm cho công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Đời sống của người dân trong vùng chưa được cải thiện; dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập thấp; bên cạnh đó, công tác bảo vệ rừng luôn đối mặt với những đối tượng vi phạm có thái độ ngang bướng, thách thức, hăm dọa... Điều kiện đời sống, sinh hoạt, áp lực công việc cao song thu nhập của lực lượng bảo vệ rừng còn nhiều khó khăn nên trong thời gian qua có một số viên chức, người lao động xin nghỉ việc, chuyển công tác khác phần nào cũng ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng.
Trực tiếp kiểm tra diện tích quản lý của Ban Quản lý rừng Tân Thượng tại khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 3, đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đánh giá cao những nỗ lực của Ban Quản lý rừng Tân Thượng. Đồng thời, nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó có việc tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô 2023.
Trưởng Ban Quản lý rừng Tân Thượng, ông Trần Văn Lương khẳng định thêm: Xác định tinh thần vượt lên khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý rừng Tân Thượng cũng đã xác định những nhiệm vụ cụ thể trong năm 2023. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với các ban, ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các xã có rừng để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng, đất rừng hiện có. Phấn đấu giảm 30% về số vụ vi phạm, diện tích rừng, khối lượng lâm sản thiệt so với năm 2022, không có vụ vi phạm vắng chủ; quản lý chặt chẽ và chống tái lấn chiếm đất lâm nghiệp sau cưỡng chế giải tỏa. Thực hiện tốt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, không để xảy ra cháy rừng gây thiệt hại trong mùa khô 2022 - 2023. Thực hiện tốt chỉ tiêu trồng rừng tập trung thông 3 lá trên diện tích đất lâm nghiệp sau giải tỏa là 4,08 ha, chăm sóc rừng trồng các năm 17,0 ha.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin