Với lợi thế về đất đai và khí hậu, gần đây, một số nông hộ ở Đơn Dương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đồng thời, chủ động liên kết, hợp đồng với các công ty để trồng hoa cúc xuất khẩu. Việc chuyển đổi từ các cây trồng truyền thống sang trồng hoa xuất khẩu đã mở ra một hướng đi mới cho bà con nông dân.
Lãnh đạo huyện thăm cơ sở trồng lan xuất khẩu tại địa phương |
Ông Dương Đức Đại - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết: Quan điểm về xu hướng liên kết sản xuất hoa xuất khẩu hoàn toàn phù hợp với định hướng của huyện. Tuy nhiên, việc liên kết với các công ty trồng hoa cúc xuất khẩu đòi hỏi bà con nông dân phải mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu về ứng dụng công nghệ theo hướng thông minh, áp dụng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của doanh nghiệp thì mới đáp ứng yêu cầu sản xuất và ký hợp đồng với các doanh nghiệp.
Gia đình anh Khổng Linh Phúc ở thôn Nghĩa Hiệp 2, xã Ka Đô có 5 sào đất chuyên trồng các loại rau trong nhà lưới, năm 2021, anh đầu tư vốn làm nhà kính và chuyển sang trồng hoa. Đến nay, gia đình anh Khổng Linh Phúc đã trồng được 5 lứa hoa cúc trắng xuất khẩu, cho thu nhập ổn định. Một số nông dân trồng hoa cho biết, trồng loại hoa cúc trắng BoKoTo có mật độ 55 ngàn cây/sào, sau thời gian 3 tháng cho thu hoạch. Người nông dân không phải lo giá cả, điều quan trọng là phải nắm bắt kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa đạt chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu để xuất khẩu. Bên cạnh đó, trồng hoa xuất khẩu đòi hỏi vốn đầu tư cao hơn, bình quân 40 triệu/sào. Đến thời kỳ thu hoạch công ty thu mua theo giá hợp đồng với từng cấp loại A, B, C. Qua thực tế mỗi sào hoa cúc trắng được chăm sóc tốt đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu sẽ mang lại nguồn thu khoảng trên 120 triệu/sào, trừ chi phí đầu tư, nông dân có lãi khoảng trên 70 triệu đồng/sào.
Hiện nay, mô hình trồng hoa xuất khẩu đã phát triển ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đơn Dương. Riêng ở thôn Nghĩa Hiệp, xã Ka Đô đã có 10 hộ trồng với diện tích gần 10 ha. Và ở xã Lạc Lâm cũng đã hình thành nhóm hộ trồng hoa xuất khẩu. Qua hoạt động của nhóm hộ trồng hoa, các nông dân được trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa xuất khẩu và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Nhằm tránh tình trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh mang tính tự phát... chính quyền và các cơ quan chuyên môn ở địa phương đã và đang vào cuộc để đồng hành với nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để khuyến khích bà con nông dân liên kết với các doanh nghiệp mở rộng diện tích trồng hoa xuất khẩu sang thị trường các nước, huyện Đơn Dương đã và đang có những giải pháp và tạo điều kiện cho bà con nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu và xúc tiến đầu tư… Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết thêm: Về giải pháp và định hướng phát triển diện tích hoa, thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh triển khai kế hoạch phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân sản xuất hoa xuất khẩu có liên kết với các doanh nghiệp; phát triển vùng trồng đạt chất lượng, đăng ký mã số vùng trồng, ứng dụng các công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm tuân thủ các quy định mang tính toàn cầu; phối hợp với các ngân hàng để kịp thời hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ sản xuất; khuyến khích người dân đăng ký nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”; đồng thời, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch của tỉnh đẩy mạnh quảng bá nông sản của huyện; chỉ đạo các ngành chuyên môn nghiên cứu triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để hỗ trợ cho bà con nông dân về giống, khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình, hỗ trợ một số công nghệ cao áp dụng vào sản xuất hoa theo yêu cầu kỹ thuật của công ty liên kết tiêu thụ sản phẩm; phối hợp các công ty mở rộng diện tích thử nghiệm, đánh giá hiệu quả, chuyển giao kỹ thuật và thực hiện nhân rộng mô hình sản xuất tiến đến liên kết bao tiêu sản phẩm trong thời gian tới...
Với sự quan tâm định hướng, tạo điều kiện về nhiều mặt của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng với sự tích cực học hỏi, mạnh dạn đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để có sản phẩm hoa đạt năng suất chất lượng cao, vươn ra thị trường thế giới sẽ tạo ra một hướng đi mới cho bà con nông dân. Qua đó, giúp cho bà con nông dân nâng cao nguồn thu nhập ổn định, đồng thời, góp phần phát triển nền nông nghiệp huyện Đơn Dương hiện đại và bền vững, để sớm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin