Theo thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc “Hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người”, danh mục các bệnh lây truyền từ động vật sang người được ưu tiên phối hợp 2 ngành để phòng, chống gồm: bệnh cúm A(H5N1), bệnh dại, bệnh liên cầu khuẩn lợn, bệnh than (nhiệt thán) và bệnh xoắn khuẩn vàng da.
Củng cố mạng lưới giám sát dịch, bệnh lây truyền từ động vật sang người (trong đó có bệnh liên cầu khuẩn lợn) từ tuyến tỉnh đến cơ sở |
Hiện nay, trên thế giới ghi nhận hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người, mức độ lây lan ngày càng tăng. Việt Nam cũng được coi là "điểm nóng" của các bệnh truyền nhiễm mới nổi lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao, có nguồn gốc từ động vật sang người như: SARS, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), MERS-CoV, Ebola. Nguyên nhân bởi tập quán người dân sống gần gia cầm, vật nuôi, thói quen sinh hoạt, ăn uống…
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ghi nhận vẫn còn có bệnh mắc từ động vật sang người và tử vong. Năm 2016, có 1 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại (ở Cát Tiên), 2 ca mắc xoắn khuẩn vàng da (ở Đam Rông, Cát Tiên); năm 2018, có 2 ca nhiễm liên cầu lợn (ở Đạ Tẻh); từ năm 2019 - 2022 không ghi nhận trường hợp mắc.
Để chủ động trong công tác phối kết hợp thực hiện nhiệm vụ chung, Sở Y tế Lâm Đồng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch liên ngành phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2023. Mục tiêu chung giảm tỷ lệ mắc và tử vong bệnh lây truyền từ động vật sang người; khống chế kịp thời không để dịch lớn xảy ra, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường năng lực hệ thống giám sát, chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch trên động vật. Thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người, khoanh vùng bao vây ổ dịch không để dịch lây lan ra diện rộng. Giảm người mắc bệnh và tử vong do các bệnh nêu trên. Tuyên truyền, hướng dẫn để người dân chủ động phòng ngừa; tăng cường sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện và phối hợp có hiệu quả với các cấp, các ban, ngành, đoàn thể để cùng tham gia phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Đảm bảo 100% ca bệnh lây truyền từ động vật sang người được giám sát phát hiện, theo dõi và điều trị; 100% ổ dịch lây truyền từ động vật sang người được điều tra, khoanh vùng khống chế, xử lý kịp thời không để dịch lan rộng; giảm đến mức thấp nhất trường hợp tử vong do bệnh lây truyền từ động vật sang người gây ra; triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Các giải pháp chủ yếu bao gồm: Kiện toàn Ban Chăm sóc sức khỏe Nhân dân các cấp để tham gia chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong ban chỉ đạo và triển khai các biện pháp phòng, chống trước, trong và sau khi dịch xảy ra. Củng cố và duy trì hoạt động của đội cơ động phòng, chống dịch, bệnh lây truyền từ động vật sang người, sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra.
Củng cố giám sát dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người từ tuyến tỉnh đến cơ sở, phát hiện sớm ca bệnh, triển khai các biện pháp phòng, chống không để dịch xảy ra và lan rộng. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ngay tại cộng đồng. Phối hợp đoàn thanh tra liên ngành về an toàn thực phẩm, giám sát các điểm giết mổ gia súc, gia cầm. Chú trọng đến gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc chết đem giết mổ và đưa ra thị trường tiêu thụ.
Chuẩn bị đầy đủ môi trường bảo quản, nuôi cấy và vận chuyển mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hoặc vận chuyển đến Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh. Thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức, hướng dẫn cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Các hoạt động dự phòng khi chưa có dịch xảy ra: Hàng năm, Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người trên địa bàn. Kiện toàn Ban Chăm sóc sức khỏe Nhân dân các cấp, duy trì các đội cơ động và tổ chức tập huấn các biện pháp ứng phó khi dịch bệnh xảy ra. Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành. Duy trì và nâng cao năng lực hoạt động của mạng lưới giám sát dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Tập huấn nâng cao kiến thức và năng lực giám sát, phát hiện ca bệnh, điều tra và xử lý ổ dịch. Nâng cao kỹ năng chẩn đoán, điều trị và kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế làm công tác dự phòng và công tác điều trị tại các tuyến huyện và thành phố. Đảm bảo nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị để đáp ứng nhanh khi có dịch xảy ra. Ngành y tế phối hợp với ngành nông nghiệp duy trì hoạt động phun hóa chất định kỳ khử khuẩn chuồng trại tập trung, nhỏ lẻ.
Khi có dịch xảy ra: Nắm rõ thông tin dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, tổ chức họp Ban chăm sóc sức khỏe Nhân dân các cấp. Tham mưu và chỉ đạo kịp thời biện pháp ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Điều tra, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca mắc bệnh lây truyền từ động vật sang người đầu tiên, tổ chức khoanh vùng và xử lý ổ dịch theo quy định, không để dịch lan rộng, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong do dịch bệnh gây ra. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh từ các địa phương lân cận. Thiết lập đường dây nóng tại địa phương, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Công bố dịch trên phạm vi theo quy mô: xã, huyện, tỉnh đúng theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Tổ chức thường trực 24/24h, dự báo khả năng và mức độ nguy hiểm của dịch tại địa phương. Các đội cơ động sẵn sàng ứng phó tất cả mọi tình huống có thể xảy ra. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố; phòng khám đa khoa khu vực tổ chức khám phân loại bệnh nhân, bố trí khu điều trị cách ly, xử lý các phương tiện vận chuyển bệnh nhân. Cung cấp trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất để điều trị cho bệnh nhân và đảm bảo an toàn cho cán bộ y tế và người dân. Thu thập mẫu bệnh phẩm tất cả các trường hợp mắc bệnh nghi ngờ có liên quan đến gia súc, gia cầm.
Khi hết dịch: Ngành y tế phối hợp với ngành nông nghiệp tiếp tục các hoạt động tiêu độc khử trùng các chuồng trại, xử lý triệt để các mầm bệnh trên người và môi trường. Đảm bảo không còn ca mắc mới tại ổ dịch, tránh bùng phát dịch trở lại. Tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống dịch. Công bố kết thúc dịch theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin