Bến xe… ''đói'' xe (bài 2)

T.TRANG - N.NGHĨA 06:14, 03/04/2023

Chủ trương xã hội hóa bến xe đã được triển khai từ lâu tại Lâm Đồng. Đây là chủ trương lớn, có tác động không nhỏ đến đời sống dân sinh. Song, việc đảm bảo công bằng cho nhà đầu tư trong thực hiện “xã hội hóa” vẫn còn nhiều bất cập. Đầu tư lĩnh vực này, thoạt nhìn có vẻ là “miếng bánh ngon”, nhưng thực tế chẳng hề dễ ăn, vì “bỏ tiền tấn, thu tiền lẻ”. Đồng thời, còn vấp thêm tình trạng “xe dù, bến cóc” biến tướng ngày càng tinh vi.

 

NGỒI ĐÂU CŨNG “BẮT” ĐƯỢC XE

Ngày nay, thói quen đi lại đã thay đổi, người dân ít sử dụng phương tiện công cộng mà thường di chuyển bằng xe cá nhân, hoặc xe nhỏ. Từ đó, loại hình xe ghép, xe hợp đồng có sức chứa nhỏ (từ 5-16 chỗ) xuất hiện và được hành khách lựa chọn.

Tâm lý chung của hành khách là ai cũng muốn được rút ngắn thời gian và chi phí di chuyển đến xe. Ai cũng thích lên xe tại những địa điểm thuận tiện nhất với nơi cư trú. Gọi điện trước đặt xe "quen", có thể được xe trung chuyển đón tận nhà hoặc gần đến giờ chỉ việc ra điểm hẹn. Điểm hẹn có thể là cây xăng, mảnh đất trống, một trạm xe buýt... và khách cứ ung dung lên xe theo số ghế đã được chọn từ trước. Đi xa về, có khi được đưa về tận nhà, không cần chờ người thân đi đón. Những tiện lợi đã thu hút nhiều khách chọn cách này… Ở đâu cũng “bắt” được xe, và bến xe mới đìu hiu là lẽ thường!

Việc để mặc các bến xe khách tự thân vận động tìm khách là bất khả thi, vì các bến xe này không có thẩm quyền để xử lý việc nhà xe bỏ bến. Họ chỉ có thể đưa ra các chương trình, chính sách giảm giá, đầu tư nâng cấp bến bãi, nhà chờ… Nhưng ngay cả khi đầu tư hàng chục tỷ đồng thì các nhà xe vẫn cố ý lách luật để không vào bến. Thực tế này đã diễn ra ở các bến xe Đơn Dương, Di Linh, Đức Long… Hành khách đôi khi chưa hiểu hết quy trình hoạt động của các loại xe khách, họ chỉ nghĩ đến sự tiện lợi mà thôi. 

Nhằm loại bỏ “xe dù, bến cóc”, để các bến xe khách tấp nập “người đi, kẻ ở”, trước hết, các bến xe cần tổ chức khu vực dành riêng cho từng loại hình xe chở khách. Cùng với đó, cần ứng dụng hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động kinh doanh vận tải. Đồng thời, cần quyết liệt tập trung các nhà xe về bến hợp pháp, tổ chức hệ thống xe trung chuyển bài bản, chuyên nghiệp phục vụ đưa, đón khách. Một chuyến xe chở người ra bến hoặc ngược lại, kết hợp bao gồm khách của nhiều nhà xe có nơi ở và giờ khởi hành gần nhau. Không bến bãi tự phát, sẽ không còn xe đón khách tùy tiện, trái phép, sẽ giúp các bến xe náo nhiệt trở lại, vừa tạo thuận lợi cho hành khách và đảm bảo quyền lợi của các hãng xe hợp pháp.

Theo quy định, hoạt động vận tải khách đường bộ có 5 loại hình, gồm vận tải khách tuyến cố định, xe buýt, taxi, hợp đồng và du lịch. Một cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, việc phân loại này hiện không còn phù hợp thực tế, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình tương tự nhau. 

CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ CHƯA ĐỦ CỨNG RẮN?

Như đã nói, thời này ngồi đâu cũng “bắt” được xe khách, chỉ cần gọi điện sẽ có xe đến đón tận nơi. Hiện tượng này khá phổ biến và lâu dần cổng nhà, lề đường, thậm chí cả các quán cà phê cũng trở thành những "bến cóc". Các nhà xe cứ thế ghé ngang, tạt dọc; nhà xe nào có mặt bằng diện tích kha khá thì lập hẳn “bến cóc” ngay tại nhà để đón đưa và nhận khách, bất chấp quy định. 

Thực tế này đang gây ra hàng loạt hệ lụy, như mất trật tự an toàn giao thông, thất thu thuế của Nhà nước. Nhất là tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, gián tiếp "giết chết" không ít nhà xe trong bến, còn người đầu tư bến xe thì khóc ròng vì “bến xe không… xe”. 

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý nhiều lần, nhưng tình trạng “xe dù, bến cóc” không hề giảm, nếu không muốn nói ngày càng bành trướng hơn, nhất là ở các đô thị du lịch nổi tiếng như Đà Lạt. Đội liên ngành cứ dẹp chỗ này "mọc" chỗ khác, phạt lần này tái phạm lần khác. Dư luận ví công cuộc dẹp loạn "xe dù, bến cóc" như “bắt cóc bỏ dĩa” và vẫn chưa có hồi kết. Kết quả rà soát gần đây của ngành Giao thông cho thấy, có đến 76 vị trí đón, trả khách không đúng nơi quy định. Trong đó, nổi cộm là ở một số điểm trên đường Trần Quốc Toản, công viên Yersin (TP Đà Lạt). 

Khi một hiện tượng vi phạm trở thành "chuyện thường ngày" sẽ dấy lên hoài nghi về chính sách quản lý "xe dù, bến cóc" phải chăng có bất cập, hay các biện pháp xử lý chưa đủ cứng rắn?!.