Lâm Đồng đang đẩy mạnh thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phòng, chống gian lận thương mại, thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, liên ngành gồm Thuế, Quản lý thị trường, Công an và Chi cục Đo lường chất lượng đã tiến hành làm việc tại các chốt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh.
Đoàn liên ngành kiểm tra các xe vận chuyển xăng, dầu vào Lâm Đồng |
Ngày 14/3/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành trên khâu lưu thông đối với hoạt động vận chuyển, tiêu thụ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Đoàn kiểm tra được phép dừng phương tiện đang vận chuyển xăng, dầu trên các tuyến đường nội tỉnh và các cửa ngõ vào địa bàn tỉnh Lâm Đồng để tiến hành kiểm tra đối với phương tiện và hàng hóa. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện hoặc nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Đoàn kiểm tra được phép yêu cầu người điều khiển phương tiện đưa phương tiện về Chi cục Thuế gần nhất để tiến hành các biện pháp nghiệp vụ có liên quan và lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định.
Theo thống kê, đến 31/12/2022, ngành Thuế tỉnh Lâm Đồng đang quản lý 220 doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu có trụ sở và chi nhánh trên địa bàn (bao gồm 331 cửa hàng bán lẻ với số lượng 1.472 trụ bơm), trong đó, có 10 doanh nghiệp đầu mối có trụ sở đã mở chi nhánh trong tỉnh để kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường (BVMT), đang cung cấp khoảng 80% số lượng xăng, dầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Bên cạnh đó, còn có 1 thương nhân phân phối và 209 doanh nghiệp bán lẻ gồm: 66 doanh nghiệp đã ký hợp đồng mua xăng, dầu của doanh nghiệp đầu mối có trụ sở và chi nhánh trong tỉnh mang lại nguồn thu từ thuế BVMT cho ngân sách nhà nước tỉnh. Đáng lưu ý, toàn tỉnh hiện có 143 doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ đang ký hợp đồng mua xăng, dầu của doanh nghiệp đầu mối và doanh nhân phân phối có trụ sở ngoài tỉnh dẫn đến số xăng, dầu do những doanh nghiệp này tiêu thụ chưa được kê khai nộp thuế BVMT tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Kết quả tổng hợp số thuế nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xăng, dầu (bao gồm cả nhiên liệu bay) trên địa bàn tỉnh cho thấy: Trong năm 2021, tổng số nộp là 686 tỷ đồng, trong đó, thuế BVMT là 604 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 88%; năm 2022, tổng số nộp là 537 tỷ đồng (giảm so năm trước do giảm về thuế BVMT), trong đó, thuế BVMT là 465 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 86,6%, số còn lại là thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp...
Ngành Thuế cũng phân tích: Thị trường xăng, dầu trong thời gian qua có nhiều bất ổn, tuy đa dạng về nguồn cung nhưng đồng thời gắn liền với hành vi buôn lậu xăng dầu tinh vi, khó phát hiện trong công tác kiểm tra, kiểm soát. Các cơ quan chức năng chưa quản lý được một số xe bồn vận chuyển xăng, dầu ngoài tỉnh cung cấp hàng trực tiếp cho các công trình có nhu cầu xăng, dầu lớn. Qua kết quả quản lý thuế vẫn tồn tại một số những hạn chế đối với hoạt động kinh doanh và tiêu thụ xăng, dầu trên địa bàn toàn tỉnh, hàng năm, số tiền thuế nộp vào ngân sách tỉnh chưa tương xứng đối với sản lượng xăng, dầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Bên cạnh đó, một số cửa hàng bán lẻ qua kiểm tra phát hiện kẹp chì và tem dán niêm phong bị hư hỏng nhưng không kịp thời thông báo cho cơ quan thuế quản lý và cơ quan chức năng để kịp thời khắc phục; chưa có chế tài xử lý kịp thời đối với các hành vi làm rách tem, đứt kẹp chì; chưa thể kiểm soát triệt để sản lượng xăng, dầu nhập vào và lượng xăng, dầu được các doanh nghiệp có hoạt động mua bán xăng, dầu không thông qua nhập kho, bán thẳng cho người mua (không thực hiện bơm xăng, dầu vào bồn chứa sau đó bán thông qua các cột đo xăng, dầu).
Vì vậy, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Đề án, từng ngành chức năng và UBND huyện, thành phố đã căn cứ nhiệm vụ được giao cụ thể trong đề án, xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện đến từng bộ phận trong đơn vị từ cấp tỉnh đến địa phương.
Từ khi triển khai Đề án, đã góp phần thực hiện quản lý chặt chẽ sản lượng bán ra của các cửa hàng xăng, dầu làm căn cứ kê khai nộp thuế, góp phần chống thất thu thuế; kiểm tra, kiểm soát số lượng, chất lượng xăng, dầu để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Qua đó, công tác chống tiêu cực trong việc mua, bán hóa đơn của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu và quản lý đầu vào đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, chất lượng xăng, dầu không phù hợp với quy định, tiêu chuẩn được đẩy mạnh.
Các ngành chức năng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm đã từng bước hạn chế việc kinh doanh xăng, dầu trôi nổi không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ… Từ đó từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của từng doanh nghiệp, đến từng cửa hàng bán lẻ trong việc chấp hành đúng quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh xăng, dầu; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với ngân sách nhà nước.
Các ngành chức năng trong tỉnh đã phối hợp, tổ chức dán tem, kẹp chì đến từng trụ bơm của 325 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu thuộc 187 doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Qua kết quả dán tem, kẹp chì đã khắc phục được tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn và phản ánh trung thực hơn đối với sản lượng xăng, dầu tiêu thụ trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời, cũng nâng cao hiệu quả quản lý thu thuế trong thời gian qua.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin