Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030

DIỄM THƯƠNG 06:08, 11/04/2023

Lâm Đồng đang hướng đến mục tiêu hoàn thiện hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, bảo đảm tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng giữa thuế gián thu và thuế trực thu ở mức hợp lý, khai thác có hiệu quả số thuế, phí và lệ phí thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước.

Lâm Đồng triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030
Lâm Đồng triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030

Để đạt được mục tiêu đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã có chỉ thị, giao nhiệm vụ đến từng giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm trong công tác quản lý thuế, phí và lệ phí giai đoạn 2021-2030 đạt kết quả tốt.

CẢI CÁCH HỆ THỐNG THUẾ ĐẾN NĂM 2030

Ông Trần Phương - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng nhận định: Tỉnh xác định, xây dựng ngành Thuế hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp. Trọng tâm của công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và ba trụ cột cơ bản: thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số.

Theo đó, các nhiệm vụ cụ thể mà Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng sẽ triển khai gồm: Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, tổ chức tốt hoạt động của Ban Chỉ đạo nhằm triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, nội dung cải cách hiện đại hóa ngành Thuế theo lộ trình đã đề ra.

Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 theo đúng lộ trình của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, phù hợp với chương trình cải cách hành chính và tình hình thực tế của tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương trong việc triển khai thực hiện các chương trình cải cách, hiện đại hóa ngành Thuế, chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế.

Thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm 100% thủ tục hành chính được công bố, công khai đầy đủ, đúng hạn và 100% các hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận, giải quyết tại các cơ quan, đơn vị được theo dõi trạng thái xử lý trên Cổng thông tin điện tử ngành Thuế, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp có thể bám sát, đánh giá quá trình thực hiện. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; hướng dẫn, tổ chức triển khai số hóa đến tất cả công chức tham gia việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thuộc lĩnh vực thuế. 100% hồ sơ thủ tục hành chính xử lý không đúng thời gian quy định đều phải có báo cáo giải trình lý do với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và thực hiện xin lỗi người dân. Tiếp tục thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. 

Phối hợp với các ngành, các cấp và các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật thuế, tuyên truyền sâu rộng Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 đến các tổ chức và Nhân dân, nhằm nâng cao tính tuân thủ, tự giác chấp hành pháp luật thuế. 

Chú trọng tổ chức tốt hoạt động của Bộ phận Một cửa trong việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính về thuế. Đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính điện tử liên thông giữa Cục Thuế tỉnh và các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm rút ngắn thời gian giải quyết cho người nộp thuế… 

PHỐI HỢP TOÀN HỆ THỐNG

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cũng yêu cầu: Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Chi cục Hải quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc thực hiện chiến lược cải cách hành chính thuế trên các lĩnh vực liên quan: hiện đại hóa thu ngân sách và ủy nhiệm thu qua ngân hàng; nộp thuế điện tử; xây dựng và tổ chức thực hiện dự toán thu ngân sách, hóa đơn điện tử… trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao, tạo điều kiện tốt nhất cho người nộp thuế khi thực hiện nghĩa vụ thuế.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường, Bảo hiểm xã hội… có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế đảm bảo chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, người dân và đúng quy định với đặc thù mỗi ngành.

Công an tỉnh tăng cường phối hợp, chia sẻ với cơ quan thuế trong việc khai thác cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; phối hợp với cơ quan thuế trong việc kiểm tra, thanh tra chống gian lận thuế.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc tổ chức quản lý thuế trên địa bàn trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu dùng chung; tăng cường tuyên truyền các chính sách pháp luật thuế đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh, các cơ quan, đoàn thể và Nhân dân trên địa bàn; rà soát, thống kê, quản lý thuế đầy đủ các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng không chấp hành việc kê khai, nộp thuế để đưa vào quản lý thuế theo quy định; đôn đốc, vận động cá nhân kinh doanh thực hiện kê khai, nộp thuế đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước.

Việc thực hiện thành công Chiến lược này có vai trò rất quan trọng trong củng cố nguồn lực cho ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, việc triển khai thực hiện Chiến lược đòi hỏi cần phải có lộ trình và bước đi phù hợp.