Đức Trọng và định hướng phát triển cây dược liệu

NGỌC NGÀ 06:14, 12/04/2023

Trong kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp địa phương, huyện Đức Trọng đã xác định những nhiệm vụ cụ thể để phát triển sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ cây dược liệu trên địa bàn.

Một số nông hộ ở Đức Trọng đã trồng nấm linh chi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Võ Lan
Một số nông hộ ở Đức Trọng đã trồng nấm linh chi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Võ Lan

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp huyện Đức Trọng, cây dược liệu trên địa bàn huyện gồm hai nhóm: dược liệu dưới tán rừng và dược liệu trồng trên đất nông nghiệp.

Kết quả khảo sát, đánh giá mới nhất của ngành Nông nghiệp huyện Đức Trọng cho thấy, huyện có hệ sinh thái rừng tự nhiên rất đa dạng và phong phú, đặc biệt có nhiều loài dược liệu quý như: thông đỏ, hoàng liên ô rô, mật nhân, thành ngạnh đỏ, linh chi, đảng sâm... Người dân bản địa thường thu hái các loại dược liệu này để chế biến thành các bài thuốc dân gian sử dụng trong gia đình.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng nguồn dược liệu tự nhiên cung cấp cho công nghiệp dược và y dược cổ truyền ngày càng tăng, trong khi nguồn dược liệu có sẵn trong tự nhiên ngày càng cạn kiệt, trữ lượng ngày càng giảm do không có kế hoạch nuôi trồng, khai thác và bảo tồn hợp lý. Đến nay, trên địa bàn huyện có một số doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng, hộ nhận khoán theo các Nghị định 01, 135 (nay là Nghị định 168/NĐ-CP) đã đầu tư trồng xen một số loài cây dược liệu trên diện tích được giao nhận khoán như: đương quy, đảng sâm, sâm bố chính... nhằm tăng hiệu quả sử dụng rừng và đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc trồng dược liệu này chủ yếu theo hình thức tự phát với quy mô nhỏ lẻ và mức độ nhân rộng còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển dược liệu dưới tán rừng của huyện.

Bên cạnh các lợi thế về tài nguyên rừng nói trên, huyện Đức Trọng còn có 8 ha cây dược liệu trồng trên đất nông nghiệp (trồng thuần 6 ha và trồng xen là 2 ha) với các chủng loại chính như: đương quy, đinh lăng, atiso, bồ công anh, nấm linh chi, gừng, sả, nghệ... Trong đó, nhiều nhất là cây đinh lăng với khoảng 3 ha, nấm linh chi khoảng 1 ha và atiso khoảng 1 ha. Diện tích này còn thấp so với tiềm năng của huyện và chủ yếu do một số hộ dân trồng tự phát.

Trong định hướng phát triển nông nghiệp chung của địa phương, huyện Đức Trọng cũng đã xây dựng đề án cụ thể để phát triển cây dược liệu trên địa bàn giai đoạn 2023-2025.

Huyện Đức Trọng xác định mục tiêu khai thác tối đa về điều kiện tự nhiên, khí hậu, lao động, truyền thống của huyện để phát triển ngành dược liệu bền vững, giá trị cao, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương theo từng tiểu vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện, hướng tới nền nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về giống, quy trình kỹ thuật, chế biến và thị trường tiêu thụ, đưa các giống cây dược liệu quý có năng suất, chất lượng cao phù hợp điều kiện tự nhiên, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Địa phương phấn đấu đến năm 2025, phát triển khoảng 250 ha diện tích sản xuất đối với một số loài dược liệu có giá trị kinh tế và sức tiêu thụ mạnh trên thị trường (như bồ công anh, đương quy, đảng sâm, nghệ đỏ, atiso, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo...). Trong đó, trồng dưới tán rừng là 200 ha, trồng trên đất nông nghiệp là 50 ha. Thu hút đầu tư, hình thành ít nhất 3 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu. Có trên 60% sản lượng sản phẩm dược liệu của huyện đảm bảo đầu ra ổn định, có thị trường tiêu thụ bền vững thông qua việc ký kết hợp đồng hoặc tham gia các chuỗi giá trị sản xuất.

Theo đó, việc phát triển dược liệu dưới tán rừng sẽ được thực hiện bằng các hình thức trồng dưới tán rừng, trồng xen kẽ tại các quỹ đất trống nhỏ lẻ, manh mún trong rừng với các loại cây dược liệu phù hợp như: thông đỏ, đinh lăng, đảng sâm, chè dây, các loại nấm dược liệu... Đối tượng rừng để phát triển dược liệu gồm rừng sản xuất và rừng phòng hộ.

Việc phát triển diện tích cây dược liệu được thực hiện đồng thời với công tác đẩy mạnh sơ chế, chế biến và xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Kế hoạch phát triển cây dược liệu được huyện Đức Trọng lồng ghép trong kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp hàng năm. Địa phương chủ trương sử dụng nguồn ngân sách huyện thực hiện chương trình khuyến nông thường xuyên hàng năm, đề án nâng cao tỷ lệ liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… và lồng ghép nguồn vốn đầu tư công từ các chương trình mục tiêu quốc gia, Dự án ODA để thực hiện kế hoạch. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực từ các doanh nghiệp. Triển khai các chương trình hỗ trợ vốn phù hợp để phát triển dược liệu, đặc biệt đối với đối tượng người đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sống gần rừng.

Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, hiện, huyện Đức Trọng đang đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, truyền thông về định hướng phát triển dược liệu của tỉnh, huyện đến cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân, người sản xuất nông nghiệp. Nâng cao nhận thức của người dân về khai thác bền vững các nguồn dược liệu tự nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn các loại cây thuốc quý hiếm; thông tin, tuyên truyền về việc sử dụng dược liệu, thuốc, các sản phẩm từ dược liệu, y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh; chú trọng công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu dược liệu và y dược cổ truyền, nhất là các sản phẩm dược liệu đặc trưng, lợi thế của Lâm Đồng nói chung và của huyện Đức Trọng nói riêng.