Lạc Dương: Phát huy nội lực của nông dân trong xây dựng nông thôn mới

NHẬT QUỲNH 03:22, 25/04/2023

Với gần 70% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Lạc Dương luôn quan tâm, thúc đẩy người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong đời sống lẫn tổ chức sản xuất. Nhờ đó, người dân ngày một nỗ lực phấn đấu và chủ động trong sản xuất, kinh doanh để nâng cao đời sống kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới giàu đẹp.

Nông dân Lạc Dương không chỉ nỗ lực sản xuất giỏi mà còn đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới
Nông dân Lạc Dương không chỉ nỗ lực sản xuất giỏi mà còn đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới

Theo ông Nguyễn Hồng Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lạc Dương, Hội hiện có hơn 3.900 hội viên, trong đó có tới hơn 3.200 hội viên là đồng bào DTTS, phần lớn sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, để phát huy vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới, Hội luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào các phong trào phát triển, kinh tế, xã hội địa phương. Việc làm này không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, con cái được học tập đầy đủ mà còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong đó, ông Thủy nhấn mạnh, nâng cao thu nhập người dân là tiền đề để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới khác. Do vậy, thời gian qua, Hội luôn tập trung nguồn lực vào tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân tham gia và thực hiện các phong trào phát triển kinh tế ở nông thôn như “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững”. Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở địa phương cũng như xu hướng, nhu cầu thị trường, Hội xác định chuyển đổi cây trồng - tập trung vào các loại cây có giá trị kinh tế cao, áp dụng khoa học kỹ thuật - để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn sản phẩm, và tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi như Quỹ Hỗ trợ nông dân, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội... là hướng đi đúng đắn, giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Những nội dung này được Hội lồng ghép trong các hoạt động tuyên truyền, các chương trình hành động, các phong trào thi đua khác nhau; qua đó, giúp nông dân nắm vững quy trình sản xuất, yêu cầu thị trường, sử dụng nguồn vốn hiệu quả; từng bước giúp bà con làm chủ sản xuất, kinh doanh, phát huy chính nội lực của bản thân và gia đình trong phát triển kinh tế. 

Các hoạt động này luôn được Hội duy trì và phát triển suốt thời gian qua. Cụ thể, Hội đã phối hợp với các ban, ngành liên quan hỗ trợ giống, vốn, vật tư, phân bón… cũng như phổ biến kiến thức ươm trồng, chăm sóc, thu hoạch, áp dụng khoa học kỹ thuật... vào sản xuất. “Trong năm 2022, Hội đã phối hợp tổ chức 42 buổi tập huấn, lượt hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 1.650 lượt nông dân tham gia”, ông Thủy nêu chi tiết. Nhờ vậy, nhiều hộ trên địa bàn mạnh dạn chuyển đổi từ các cây trồng hiệu quả kinh tế thấp, sang rau, hoa, dâu tây, chanh dây… cho thu nhập cao hơn nhiều lần. Ngoài ra, Hội cũng tích cực hỗ trợ hội viên tìm kiếm đối tác và liên kết sản xuất, tiêu thụ để chuyên môn hóa và hỗ trợ lẫn nhau. Kết quả, trong năm qua, có hơn 78% hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Thu nhập của nông dân ngày càng được cải thiện rõ, đời sống xã hội cũng được nâng lên. 

Khi đời sống kinh tế đã được cải thiện, nhận thức người dân cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, những năm qua, nhiều bà con DTTS hiến đất làm đường, đóng góp ngày công, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, và tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động văn hóa xã hội ở địa phương. Đơn cử, như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã thu hút rất nhiều gia đình hội viên nông dân đăng ký tham gia. Qua đó, các hội viên chủ động thay đổi nhiều hủ tục, thực hành tiết kiệm trong việc tổ chức cưới hỏi, tang lễ; tích cực phòng, chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự, thực hiện các chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ chăm sóc trẻ em, chống bạo lực gia đình… Nông dân ở các thôn, tổ dân phố còn thi đua thực hiện tốt các quy ước xây dựng gia đình nông dân văn hóa, thôn văn hóa, khu phố văn hóa… Ngoài ra, nông dân cũng tự nguyện đóng góp ngày công, gạo, tiền, hỗ trợ xây nhà… cho hội viên nghèo, người gặp hoạn nạn, mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau với số tiền hơn 30 triệu đồng. Chỉ riêng trong năm 2022, đã có hơn 3.400 hộ hội viên nông dân đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa. 

Với những thành quả như đã nêu trên, nông dân Lạc Dương ngày càng tự chủ trong phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống gia đình, đóng góp ngày một lớn hơn vào quá trình xây dựng nông thôn mới giàu đẹp. Theo ông Thủy, thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục duy trì các hoạt động hiện có và tập trung nâng cao hiệu quả, nhất là việc chuyển đổi cây trồng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi và tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động ở địa phương.