Từ sự nỗ lực phát triển kinh tế với thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/năm, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với bà con, đồng thời, tích cực vận động người dân trong vùng tham gia Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới...; đảng viên K’Să Ha Ze luôn được người dân và chính quyền xã Đạ Tông (Đam Rông) tin yêu, đánh giá cao về sự vượt khó, tận tụy với công việc và cộng đồng.
Mô hình VAC của gia đình ông K’Să Ha Ze từng bước mang lại hiệu quả kinh tế ổn định |
Ông K’Să Ha Ze là người dân tộc K’Ho (nhánh Cil), năm nay đã 66 tuổi, trước đây ông từng giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Đạ Tông, cán bộ Văn phòng HĐND - UBND huyện và được giao phụ trách công tác dân tộc huyện Đam Rông. Trong phát triển kinh tế, tuy gia đình ông có đất sản xuất khá ổn định, nhưng do phương thức sản xuất, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế dẫn đến hiệu quả mang lại chưa cao, nên cuộc sống của gia đình ông Ha Ze vẫn còn nhiều khó khăn nhất định và chưa thể vươn lên làm giàu. Sau khi nghỉ hưu (năm 2016), ông Ha Ze đã dành nhiều thời gian tập trung cải tạo vườn tạp, dựng nhà ở, làm hệ thống nước tự chảy từ khe núi, đào ao, làm chuồng trại để xây dựng mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng (VAC) tại thôn Chiêng Cao-Cil Múp, xã Đạ Tông. Nhờ tính cần cù, chịu khó và chăm chỉ lao động sản xuất, tiết kiệm, tích góp trong chi tiêu để mở rộng diện tích đất canh tác, nên đến nay, gia đình ông đã có trên 2 ha đất trồng cây cà phê và các loại cây ăn trái.
Ông Ha Ze chia sẻ: “Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống... Với vai trò của một đảng viên tại thôn Liêng Trang 2, xã Đạ Tông, tôi luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Ngoài việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, tôi còn chú trọng trồng xen cây sầu riêng, xoài, mít, bơ, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá để vừa cải thiện cuộc sống gia đình, vừa nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đồng thời, nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cho bà con, làng xóm cùng làm theo”.
Đảng viên K’Să Ha Ze cho biết thêm, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bà con trên địa bàn xã không chỉ đầu tư thâm canh cà phê, mà còn tích cực chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm, sử dụng giống lúa lai cho năng suất cao... Nhờ đó, nhiều hộ dân đã thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn và có cuộc sống ổn định hơn. Về thực hiện Chương trình Nông thôn mới, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai rộng rãi, cụ thể trong từng khu dân cư, nên ý thức của người dân tham gia chương trình đã có nhiều chuyển biến rõ nét, nhất là phương thức trong sản xuất nông nghiệp, hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của Nhân dân...
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, đảng viên K’Să Ha Ze luôn gần gũi, sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức khoa học - kỹ thuật sản xuất với bà con trong vùng; vận động bà con tích cực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, có ý thức vượt khó vươn lên và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Theo ông Kră Jăn Ha Siêng - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Tông: “Ông K’Să Ha Ze là người chí thú làm ăn, có uy tín trong cộng đồng dân cư; đồng thời cũng là tấm gương tiêu biểu, gương mẫu ở địa phương. Thời gian qua, không chỉ Chi bộ thôn Liêng Trang 2 tổ chức cho đảng viên và đoàn thể của thôn đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, mà bà con xung quanh cũng đến tìm hiểu về mô hình sản xuất của ông K’Să Ha Ze”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin