Lâm Đồng là tỉnh với lợi thế diện tích đất nông nghiệp rộng, mật độ dân cư tương đối thưa nên việc đầu tư, phát triển điện mặt trời đã giải quyết được bài toán phát triển kinh tế trên những vùng đất canh tác kém hiệu quả.
Đoàn ĐBQH giám sát về phát triển năng lượng tại Thủy điện Yan Tann Sien |
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nguồn điện mặt trời đã giúp giảm tổn thất điện năng trên đường dây trung áp, hạ áp; hạn chế quá tải trong giờ cao điểm ban ngày, san bằng biểu đồ phụ tải của hệ thống điện tại tỉnh Lâm Đồng; đồng thời, hệ thống điện mặt trời đã lắp đặt mang lại hiệu quả kinh tế gia đình, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như: giảm tiền điện sử dụng hàng tháng, tạo công ăn việc làm cho một số lao động, tăng thu nhập cho hộ gia đình, tăng thêm giá trị sản xuất công nghiệp và tăng phần thuế VAT đóng góp vào ngân sách của địa phương, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên.
Thực hiện theo chương trình kế hoạch giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua giám sát, khảo sát thực tế tại một số địa phương, doanh nghiệp, nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh vừa qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là những vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động. Theo đó, Đoàn sẽ kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan sớm sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, ban hành Luật Năng lượng tái tạo cho phù hợp với thực tế quản lý hiện nay. Kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách giá điện đối với các dự án đầu tư phát triển năng lượng tái tạo đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Đối với Chính phủ, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ kiến nghị xem xét việc ban hành giá sàn, giá trần trong mua bán điện đối với các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực năng lượng để đảm bảo tạo một cơ chế bình đẳng, hài hòa giữa các doanh nghiệp đầu tư chung một lĩnh vực về năng lượng. Sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII (quy hoạch chậm phê duyệt sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng lưới điện không kịp thời gây quá tải, mất an toàn hệ thống).
Đề nghị Chính phủ tiếp tục ban hành cơ chế cụ thể hóa về việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với thủ tục đầu tư các công trình năng lượng như: điều chỉnh quy hoạch các dự án thủy điện, quy trình cấp phép sử dụng nước mặt, đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện vừa và nhỏ để các địa phương áp dụng, thực hiện.
Một số thủ tục hành chính hiện do các bộ, ngành Trung ương thực hiện (như điều chỉnh, bổ sung quy hoạch năng lượng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng...), đề nghị Chính phủ xem xét, rà soát phân cấp cho địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư dự án.
Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo xử lý dứt điểm các công trình năng lượng có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên để chủ dự án đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa công trình vào vận hành khai thác.
Đối với các dự án năng lượng tái tạo trên cả nước, cụ thể là 84 dự án chậm tiến độ dẫn đến không kịp hưởng giá điện cố định (FIT), trong đó Dự án Điện gió Cầu Đất tại tỉnh Lâm Đồng có công suất 68,9 MW được xây dựng hoàn thành vào tháng 12/2021, đến nay, dự án chưa được đóng điện hòa vào lưới điện quốc gia; đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trước mắt để tránh lãng phí tài nguyên và tổn thất cho doanh nghiệp, tổn thất về các khoản thu thuế, phí của Nhà nước. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có chỉ đạo cho dự án điện gió nêu trên được phát điện và ghi nhận sản lượng điện đến thời gian có giá điện thống nhất theo khung giá mới.
Đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế xây dựng các công trình: thủy điện, điện gió và điện mặt trời. Đối với khung giá điện theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công thương, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương xem xét lại để đảm bảo tính khách quan khi ban hành như: thực hiện thuê đơn vị tư vấn độc lập, tham vấn với Hội đồng tư vấn và Bộ Tài chính để khắc phục những điểm chưa phù hợp; khắc phục những bất cập về giá mua bán điện giữa điện năng lượng mặt trời và điện gió.
Đối với Bộ Công thương, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị sửa đổi, thay thế Thông tư số 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 của Bộ Công thương quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện vì không còn phù hợp với Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng. Sửa đổi, ban hành quy định, đơn giản thủ tục đấu nối mua bán điện của các dự án nguồn điện với các Tổng Công ty Điện lực miền, khu vực; hiện nay thủ tục đấu nối, mua bán điện đối với các đơn vị đầu tư nguồn điện còn nhiều phức tạp. Tiếp tục ủy quyền cho UBND cấp tỉnh hoặc Sở Công thương cấp giấy phép hoạt động điện lực một số lĩnh vực đối với các hoạt động điện lực thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Công thương.
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đoàn ĐBQH đề nghị phối hợp với Bộ Công thương để sớm ban hành quy định hướng dẫn việc xử lý rác thải từ các dự án năng lượng tái tạo như các tấm quang điện mặt trời khi hết tuổi thọ hoặc kết thúc vòng đời dự án.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất các hình thức xử lý đối với trường hợp vi phạm đối với điện mặt trời trang trại không đúng mô hình kinh tế trang trại.
Với UBND tỉnh Lâm Đồng, qua giám sát thực tế, Đoàn đã có buổi làm việc cụ thể và riêng đối với việc quản lý, phát triển các dự án điện mặt trời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý phát triển hệ thống điện mặt trời. Cụ thể, đối với các công ty điện lực trước khi thỏa thuận đấu nối và ký kết hợp đồng mua bán điện phải phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện việc thỏa thuận đảm bảo quy hoạch sử dụng đất, tăng cường công tác báo cáo về việc đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời tại các địa phương; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra việc đầu tư trang trại kết hợp điện mặt trời phải đảm bảo đúng mục đích kinh tế của trang trại.
Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, thực hiện các nội dung đã được Kiểm toán Nhà nước kết luận liên quan quá trình vận hành các dự án năng lượng tái tạo còn trường hợp đóng điện, nối lưới chưa được cấp có thẩm quyền ban hành thông báo nghiệm thu; một số doanh nghiệp kê khai ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư; một số trường hợp giao đất, cho thuê đất chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vượt hạn mức, chồng lấn với quy hoạch 3 loại rừng; một số trường hợp tại thời điểm đấu nối chưa chuyển mục đích sử dụng/đăng ký biến động sang đất nông nghiệp khác…
Căn cứ khoản 1, Điều 15, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai đối với các trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng đất của dự án đầu tư để xem xét miễn giảm các khoản phí, thuế, tiền phạt vì lý do chậm đưa đất vào sử dụng như Dự án Điện gió Cầu Đất của Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Đại Dương vì lý do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến chậm triển khai thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai.
Nghiên cứu, xem xét nội dung kiến nghị về thu tiền thuê đất đối với trường hợp doanh nghiệp chưa thực hiện thủ tục miễn giảm nhưng dự án còn nằm trong giai đoạn xây dựng, cụ thể tại Dự án Thủy điện Đồng Nai 1.
Đoàn ĐBQH đề nghị UBND tỉnh nên tăng cường chỉ đạo xem xét, rà soát về nội dung thuê đất lòng hồ thủy điện để tạo điều kiện hỗ trợ các dự án thủy điện; hướng dẫn cụ thể đối với kiến nghị xử lý khối lượng khoáng sản thu hồi được trong quá trình nạo vét lòng hồ thủy điện như kiến nghị của Nhà máy Thủy điện Yan Tann Sien, tại huyện Lạc Dương. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý Khu công nghiệp tăng cường kiểm tra các đơn vị trong khu công nghiệp cho thuê mái nhà để các đơn vị thứ 3 hoạt động dự án năng lượng mặt trời phải đảm bảo các điều kiện về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy và đánh giá tác động môi trường theo quy định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin