Thực bì vẫn cháy ở nhiều nơi

NGUYỄN NGHĨA 06:17, 10/04/2023

Đầu năm 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chỉ đạo hỏa tốc dừng việc xử lý thực bì mùa khô 2022 - 2023 trên địa bàn toàn tỉnh nhằm bảo vệ cảnh quan môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển rừng bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay ở một số cánh rừng trên địa bàn toàn tỉnh, vẫn còn xuất hiện tình trạng thực bì bị cháy nham nhở.

Lực lượng kiểm lâm diễn tập PCCCR
Lực lượng kiểm lâm diễn tập PCCCR

DỌN THỰC BÌ THAY CHO ĐỐT THỰC BÌ

Suốt nhiều năm qua, việc xử lý thực bì bằng cách đốt thực bì có kiểm soát (khoanh vùng và thực hiện châm lửa đốt cháy lớp cỏ, cây bụi tầng thấp có kiểm soát) ở Lâm Đồng được xem là cách làm hiệu quả nhằm phòng ngừa, hạn chế cháy rừng ở Lâm Đồng. Phương pháp này được sử dụng nhiều vì tiện lợi, ít tốn công, tuy nhiên, lại gây nguy cơ cháy rừng và do bị đốt hoàn toàn cây bụi tầng thấp, thậm chí xua đuổi cả một số loài động vật, do đó gây phá vỡ cấu trúc đất, ảnh hưởng hệ sinh thái động thực vật trong đất và gây ô nhiễm môi trường không khí... Bên cạnh đó, việc không tuân thủ quy trình kỹ thuật cũng đã gây ra nhiều hệ lụy, gây ra những vụ cháy rừng ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, sinh thái và khả năng tái sinh của các hệ sinh thái rừng. Chính vì những lý do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo ngừng ngay việc xử lý thực bì vào mùa khô 2022 - 2023 trên địa bàn toàn tỉnh. 

Và để phòng, chống cháy rừng vào mùa khô, thay vì thực hiện đốt thực bì, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã phải chuyển đổi sang phương pháp xử lý thực bì an toàn hơn, xử lý thực bì bằng cách phát dọn, thu gom, vệ sinh, chăm sóc rừng trồng; đưa vật liệu dễ cháy ra khỏi phạm vi rừng và nghiêm cấm việc đốt lửa trong rừng, ven rừng trong những ngày nắng nóng cao điểm... Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống cháy rừng mùa khô, yêu cầu cắt cử lực lượng túc trực 24/24 để chủ động phát hiện, kịp thời triển khai lực lượng dập tắt đám cháy khi mới xảy ra, đặc biệt là ở các tuyến đường dẫn vào TP Đà Lạt, Bảo Lộc như đèo Prenn, Mimosa, Tà Nung, D'ran, Quốc lộc 27C và đèo Bảo Lộc… Cùng với đó là tăng cường việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng, chống cháy rừng.

Chia sẻ với chúng tôi về chủ trương cấm đốt thực bì của UBND tỉnh, một cán bộ kiểm lâm huyện Đơn Dương cho biết: Việc không cho đốt thực bì để phòng, chống cháy rừng tuy sẽ khiến lực lượng quản lý, bảo vệ rừng vất vả và cực hơn vì phải mất nhiều công sức để tổ chức thu gom, phát dọn cây bụi ở những khu vực dễ cháy vào mùa khô và lỡ như có xảy ra cháy thì việc chữa cháy cũng khó khống chế hơn vì lớp thực bì sẽ dễ gây cháy lan trên diện rộng; nhưng ngược lại đây là biện pháp để bảo vệ hệ sinh thái động, thực vật có lợi trong đất. Việc đốt thực bì nhiều lần sẽ làm giảm khả năng thấm nước, giữ nước và tơi xốp đất, mất lớp đất mặt, lớp mùn khi gặp mưa và gây ra những tác động xấu đến môi trường đất, nước, không khí... 

NHIỀU CÁNH RỪNG VẪN BỊ CHÁY THỰC BÌ

Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế, tại một số cánh rừng ở nhiều địa phương vẫn còn xuất hiện tình trạng thực bì bị cháy nham nhở, có những nơi bị cháy trên diện tích khá lớn. Trao đổi với chúng tôi, hầu hết lực lượng chức năng đều cho rằng, nguyên nhân của việc cháy những thảm thực bì này là không phải do lực lượng quản lý, bảo vệ rừng đốt mà do một số người dân đốt rác trong rừng gây cháy, do người dân đốt rẫy gây cháy lan, do một số người dân đi rừng săn bắt, tìm cây, tìm củi hút thuốc hoặc đốt lửa gây cháy...

Các đám cháy này để lại những vết loang lổ có thể nhìn thấy rất rõ ở khu vực rừng dọc đèo Tà Nung, hồ Tuyền Lâm, cao tốc Liên Khương - Prenn, Trại Mát. Chỉ cần đi dọc các tuyến đường này những ngày qua  rất dễ dàng nhìn thấy nhiều vạt rừng bị cháy nham nhở do thực bì bị cháy. Và hầu hết các vụ cháy thực bì chỉ được khống chế, dập tắt khi thực bì đã cháy hết. Rất nhiều vụ cháy thực bì được phóng viên chúng tôi ghi nhận xảy ra ở Đà Lạt, Đức Trọng, Lạc Dương.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ thuộc Ban Quản lý rừng Lâm Viên cho biết, trong giai đoạn mùa khô, nắng nóng này; hầu như mỗi ngày lực lượng của Ban đều nhận được tin báo cháy và liên tục phải chạy đi dập lửa do người dân và du khách vào rừng hoặc ngồi chơi ở bìa rừng vô ý vứt tàn thuốc, đốt rác... gây cháy.

Xử lý thực bì bằng các biện pháp không đốt đã được các nước tiên tiến trên thế giới triển khai vì đây được xem là giải pháp bảo vệ, phát triển rừng phù hợp, đáp ứng mục tiêu phát triển rừng bền vững, mang lại lợi ích về môi trường sống. Để hình thành thói quen, tư duy bảo vệ rừng bền vững, cũng cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện dọn thực bì không đốt và phòng, chống cháy rừng phù hợp thực tế và hiệu quả hơn.