Là một cử nhân kinh tế Trường Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh, Nguyễn Đình Phước (23 tuổi, trú tại Thôn 4, xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh) đứng trước nhiều cơ hội việc làm với mức lương cao, nhưng Phước vẫn quyết định rời phố thị để trở về quê nhà khởi nghiệp từ Mô hình Nuôi ốc bươu đen.
Nguyễn Đình Phước giới thiệu Mô hình Nuôi ốc bươu đen |
Trong cái nắng của một ngày cuối tháng 3, chúng tôi bắt gặp Nguyễn Đình Phước với đôi bàn tay vẫn còn ướt nước đang kiểm tra sức khỏe đàn ốc bươu đen của gia đình. “Đây là lứa ốc trưởng thành đầu tiên và sắp cho thu hoạch của gia đình, phải nuôi và chăm sóc đàn ốc trong khoảng thời gian 5 - 6 tháng với điều kiện thích hợp thì đàn ốc mới có trọng lượng đạt chuẩn để xuất bán” - Nguyễn Đình Phước hào hứng nói.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh, Nguyễn Đình Phước đã ngay lập tức trở về quê nhà và cải tạo diện tích 1.500 m2 ao sẵn có của gia đình để bắt đầu nuôi ốc. Phước chia sẻ, với mong muốn có thể lập nghiệp trên chính mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, nên ngay từ khi vẫn còn ngồi trên giảng đường Đại học, Phước đã luôn quyết tâm với ý định này của mình.
Nguyễn Đình Phước kể, nằm trong Chương trình Phát triển nông thôn của địa phương, Hội Nông dân xã An Nhơn đã không những tích cực khuyến khích, tư vấn và ủng hộ bà con Nhân dân trên địa bàn phát triển mô hình kinh tế mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn mời đoàn tư vấn kỹ thuật về tận nhà tư vấn, hướng dẫn những hộ dân có đủ điều kiện để phát triển mô hình kinh tế mới. Trong đó, hộ gia đình của Nguyễn Đình Phước đã được lựa chọn làm Mô hình điểm về Nuôi ốc bươu đen.
“Thời gian đầu, do chưa nắm chắc kĩ thuật nuôi ốc bươu đen nên vào mùa mưa, ao nước bị ô nhiễm khiến cho đàn ốc bị lạ môi trường và chết khoảng 30% trên tổng số đàn. Tuy nhiên, số lượng ốc sống sót, tồn tại còn lại đã thích nghi được với môi trường và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi bắt đầu nhân giống số ốc này, sau 4 - 5 tháng đàn ốc đạt trọng lượng từ 25 - 30 con/kg sẽ đủ điều kiện để xuất bán” - Nguyễn Đình Phước nói.
Tuy không thành công ngay từ lần đầu tiên, nhưng với sức trẻ và sự đam mê, Nguyễn Đình Phước đã tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu qua sách, báo và chủ động tham gia các lớp tập huấn tại cơ sở. Cùng với sự hỗ trợ kĩ thuật chăn nuôi, con giống của Hội Nông dân xã, đến tháng 4/2022, lứa trứng ốc đầu tiên của gia đình Nguyễn Đình Phước đã được nhập về và thả xuống ao bắt đầu quá trình sinh trưởng. Nhờ những nỗ lực và sự kiên trì đó, vụ nuôi ốc tiếp theo của nhà nông trẻ đã bắt đầu thu về những “trái ngọt” đầu tiên. Đàn ốc sinh trưởng khỏe mạnh và tăng nhanh về số lượng. Ngoài việc đang tiếp tục nhân giống để nuôi thành ốc thương phẩm, Phước còn kết hợp với việc ấp trứng nở. Bởi lẽ, ốc bươu đen đẻ trứng với tần suất và số lượng dày, nhiều. Mỗi ngày, gia đình đều có 2 - 3 lạng trứng để thu, với giá bán ra là 500 ngàn đồng/kg cho các hộ nông dân trên địa bàn xã và một vài huyện, thành lân cận.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ốc bươu đen, Phước cho biết: “Trước khi nuôi ốc bươu đen cần phải có một môi trường lý tưởng để ốc có thể sinh trưởng mạnh mẽ. Chính vì vậy, việc xử lí ao nước là việc làm ưu tiên nhất khi muốn bắt tay vào nuôi ốc bươu đen. Đầu tiên, phải cắt sạch nước trong ao trong vòng 6 tháng, xử lí vôi 3 đến 4 lần, cấy men vi sinh để phân hủy các chất hữu cơ còn tồn đọng trong ao. Sau đó, mới có thể cho nước vào ao, tuy nhiên, ở giai đoạn này cần phải liên tục kiểm tra đo nước trong 2 tháng để đảm bảo và đáp ứng được những tiêu chuẩn nuôi ốc bươu đen. Để tạo ra một môi trường thủy sinh tự nhiên hơn nữa, cần thả thêm rong, rêu, bèo, bồng và trồng các loại súng, sen, rau muống nhằm tạo độ che phủ mặt nước giúp làm mát nước vì ốc bươu đen là loài ưa thích những nơi nước trong, mát mẻ, sạch sẽ.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn, nuôi ốc bươu đen là một trong những mô hình triển vọng mà xã An Nhơn đang quan tâm đẩy mạnh và hỗ trợ cho bà con Nhân dân phát triển kinh tế. Với những bước đi đầu nhưng đã mang lại nhiều tín hiệu đáng mừng của nhà nông trẻ Nguyễn Đình Phước đã góp phần mở ra một hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế tại địa phương. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục khuyến khích và vận động bà con Nhân dân tham quan, học hỏi mô hình của nông dân Nguyễn Đình Phước để có thể nhân rộng và phát triển hơn nữa mô hình này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin