Trải qua nhiều năm theo đuổi đầy khó khăn, không ngừng nỗ lực, đến thời điểm này, có thể nói rằng tuyến cao tốc Tân Phú - Liên Khương đang dần đi đến giai đoạn cuối của chặng đường hoàn tất thủ tục hành chính để tiến tới tổ chức lễ khởi công. Sau 48 năm non sông thống nhất về một dải, con đường cao tốc nối tỉnh miền núi Tây Nguyên với hệ thống cao tốc quốc gia Bắc - Nam đang dần được hiện thực hóa. Người dân Lâm Đồng đang kỳ vọng rất lớn vào một đại lộ rộng mở thênh thang, đánh dấu chặng đường phát triển mới của địa phương.
Lâm Đồng hiện mới chỉ có được một đoạn cao tốc Liên Khương - Prenn |
Dự án Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là dự án giao thông nằm trong quy hoạch phát triển chung của mạng lưới đường cao tốc Việt Nam với 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế lên đến 100 km/giờ. Dự án được chia thành 3 giai đoạn đầu tư và xây dựng: Dầu Giây - Tân Phú; Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Lâm Đồng sau nhiều năm nỗ lực thuyết phục, kêu gọi đầu tư, mạnh dạn tìm giải pháp thu ngân sách, cuối cùng đã đạt được mục tiêu sẽ khởi công xây dựng 2 dự án đi qua địa bàn tỉnh là Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương vào quý IV/2023.
Sự kiện này đánh dấu tầm mức mới của một cuộc cách mạng về hạ tầng giao thông nhằm tăng khả năng kết nối, hướng đến thúc đẩy phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực của chính quyền Lâm Đồng. Giá trị hạ tầng kết nối là rất quan trọng, được xem là cánh cửa để mở rộng phát triển mọi mặt về kinh tế của địa phương. Đây là câu chuyện của hầu hết các thành phố, địa phương phát triển trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng cũng đang nỗ lực để “định vị” giá trị của mình trên bản đồ đầu tư, mở đường kết nối giao thông nhằm khơi dòng chảy cho đầu tư và phát triển.
Bày tỏ mong muốn tuyến cao tốc sớm được khởi công, đưa vào sử dụng và niềm tin vào sự phát triển mà tuyến cao tốc này có thể mang lại cho người dân và địa phương, ông Nguyễn Duy Lạng, một cán bộ ngành Giao thông Vận tải đã nghỉ hưu chia sẻ: “Chuyển động chính là tiền. Khi thị trường càng rộng, cơ hội mở rộng kinh doanh càng lớn và sẽ giúp “bơm” thêm tiền vào nền kinh tế địa phương. Sự cô lập về địa lý sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế và cản trở cả động lực đổi mới trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy mà đối với những tỉnh miền núi, khơi thông và tăng khả năng chuyển động, kết nối giao thông lại càng quan trọng. Một mạng lưới đường bộ tốt sẽ giúp cộng đồng người làm nông nghiệp có thị trường mới để mua và bán; việc đi lại dễ dàng cũng giúp tăng sản lượng và giảm chi phí vận chuyển; và sự kết nối của con người cũng sẽ giúp tăng việc làm tại địa phương và khả năng sinh lời sẽ làm tăng mức sống của người dân... Vì vậy, theo tôi, đường cao tốc có khả năng mở khóa giá trị thị trường rộng lớn và sâu sắc. Không chỉ vậy, còn tạo điều kiện cho tăng trưởng và sức khỏe, tri thức và bình đẳng, tất cả các yếu tố nền tảng của xã hội dân sự mà nhân loại hướng tới.”.
Bà Hà Thị Hồng, một người dân Đà Lạt làm nghề kinh doanh buôn bán lẻ thì chia sẻ: “Đối với các nhà đầu tư, các chủ cửa hàng kinh doanh như tôi thì nếu Lâm Đồng có tuyến cao tốc nối vào cao tốc Dầu Giây đi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển và từ đó cũng sẽ giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng địa phương. Những người làm nghề kinh doanh buôn bán như chúng tôi cũng có không gian mới cho hoạt động đổi mới kinh doanh. Và theo tôi, đối với người dân, cũng sẽ có động lực để bắt đầu mua những sản phẩm chất lượng tốt hơn...”.
Chính quyền và người dân tỉnh Lâm Đồng đang đặt kỳ vọng rất lớn vào tuyến cao tốc này. Hầu hết tin rằng, khi hoàn thiện, tuyến cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt sẽ trở thành tuyến đường có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ mang ý nghĩa giảm tải cho Quốc lộ 20, mà đồng thời mang ý nghĩa to lớn hơn, đó là kết nối hoàn chỉnh, đồng bộ với hệ thống mạng lưới đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, và Lâm Đồng từ đó sẽ hoà nhập vào mạng lưới đường cao tốc Việt Nam, hình thành tuyến đường tạo lực đẩy cho phát triển kinh tế giữa 2 vùng kinh tế Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, tạo lợi thế phát triển cho ngành Du lịch địa phương, thúc đẩy trao đổi kinh tế với các thành phố lớn như Nha Trang - Đà Lạt - TP Hồ Chí Minh, kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ.
Dự kiến khi cao tốc này hoàn thành và kết nối với nhau, thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh lên Đà Lạt cũng được rút ngắn đáng kể, giảm khoảng một nửa thời gian so với di chuyển trên Quốc lộ 20 như hiện nay. Và từ đó, mở ra rất nhiều cơ hội giao thương, phát triển trên nhiều lĩnh vực đối với mọi tầng lớp Nhân dân ở mọi vùng, khu vực trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin