Để chợ Đà Lạt mang nét thanh lịch của người Đà Lạt

GIA KHÁNH 05:25, 04/05/2023

Thành phố hoa đang mở cuộc vận động gìn giữ, phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách” trong cộng đồng tiểu thương đang kinh doanh, mua bán tại chợ Đà Lạt.

Các quầy kinh doanh đặc sản chợ Đà Lạt đang sắp sếp thu gọn việc trưng bày hàng để dành lối đi thông thoáng, đảm bảo an toàn PCCC
Các quầy kinh doanh đặc sản chợ Đà Lạt đang sắp sếp thu gọn việc trưng bày hàng để dành lối đi thông thoáng, đảm bảo an toàn PCCC

Theo Ban Quản lý chợ Đà Lạt, tính đến thời điểm tháng 3/2023, chợ trung tâm Đà Lạt (hay chợ Đà Lạt) có 868 quầy đang hoạt động trong tổng số 1068 quầy hiện có.

Thực hiện Quyết định 1027/QĐ-UBND ngày 4/4/2022 của UBND TP Đà Lạt về quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt và văn minh thương mại, Ban Quản lý chợ trong năm 2022 đã tổ chức cho toàn bộ tiểu thương kinh doanh tại chợ ký cam kết thực hiện các quy định về kinh doanh hàng hóa, văn minh thương mại, thực hiện quy tắc ứng xử phong cách người Đà Lạt “ Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách” cũng như các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Cho đến thời điểm này, theo ông Nguyễn Minh Thiện - Trưởng Ban Quản lý chợ Đà Lạt, các quầy hàng trong chợ hầu hết đã tuân thủ việc bố trí, sắp xếp hàng hóa, tạo lối đi thông thoáng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn PCCC và an ninh trật tự. Hàng hóa kinh doanh được trưng bày theo từng ngành hàng, mặt hàng.

Ban Quản lý chợ yêu cầu các quầy sạp buôn bán cần giữ gìn vệ sinh trong khuôn viên chợ, không xả rác bừa bãi, không đổ nước thải ra lối đi, đảm bảo thoát nước, không để ứ đọng nước bẩn; mỗi quầy hàng phải có túi ni lông đựng rác thải riêng, không treo bảng quảng cáo làm mất mỹ quan tại chợ. Ban Quản lý chợ cũng làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực chợ; đảm bảo an toàn PCCC, an toàn tài sản của người kinh doanh và an toàn cho khách đến chợ. Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trộm cắp, móc túi; bán hàng rong, ăn xin, tệ nạn xã hội gây mất trật tự tại chợ.

Tại chợ, Ban Quản lý cũng bố trí người hướng dẫn đậu xe an toàn, đi đúng hướng đã phân luồng; bố trí lực lượng trực an ninh trật tự và PCCC 24/24 giờ hằng ngày. Ngành chức năng thành phố cũng tổ chức định kỳ các lớp tập huấn về PCCC, trong đó chú trọng đến các kỹ năng, các thao tác sử dụng trang thiết bị dụng cụ trong lĩnh vực này cho các hộ kinh doanh tại chợ. 

Đặc biệt với các quầy hàng đặc sản của chợ, từ năm 2020 thành phố đã thí điểm Mô hình kinh doanh “Quầy hàng phong cách người Đà Lạt”, trong đó đề cao chữ tín, không nói thách, cư xử nhã nhặn với khách, cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ và giá cả. Trong năm 2022 vừa qua, mô hình thí điểm này được mở rộng sang ngành hàng hoa, tập trung vào các tiêu chí cụ thể như đảm an toàn PCCC, an ninh trật tự, văn minh thương mại, kinh doanh hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, không buôn bán hàng lậu, trang phục lịch sự và thực hiện tốt quy tắc ứng xử của người bán hàng, niêm yết và bán đúng giá niêm yết, cân đúng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, thực hiện nghĩa vụ thuế và các loại phí. 

Cùng với việc thí điểm, Ban Quản lý chợ cũng thành lập tổ bình xét, trong cuối năm 2022 vừa qua đã có 77/79 quầy hàng đặc sản, 23/25 quầy hàng hoa đạt chuẩn quầy hàng theo phong cách người Đà Lạt. 

Ngoài việc vận động, Ban Quản lý chợ cũng phối hợp với ngành chức năng thành phố kiểm tra và đôn đốc tiểu thương chấp hành các quy định kinh doanh, tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ cũng như tại khu chợ đêm; xử lý nghiêm khắc các vi phạm.

Trong năm 2022 vừa qua, Ban Quản lý chợ đã phối hợp với VNPT Lâm Đồng hướng dẫn, hỗ trợ vận động tiểu thương trong chợ thực hiện mô hình hạn chế sử dụng tiền mặt tại chợ. Có tổng cộng 505 hộ kinh doanh đã được tạo ví, kết nối ngân hàng, thanh toán thông qua chuyển khoản ngân hàng. Đến nay, việc không sử dụng tiền mặt đã dần phổ biến tại chợ. 

Tuy nhiên, như ông Thiện cho biết, việc vận động chợ không sử dụng tiền mặt đang có những khó khăn nhất định khi khu vực chợ đến nay chưa phủ sóng bằng mạng không dây.

Cùng đó, vẫn có những than phiền về công tác vệ sinh, thu gom rác thải chưa kịp thời của chợ Đà Lạt. Như ông Thiện đánh giá, để xây dựng chợ văn minh, sạch đẹp, ngoài nỗ lực của Ban Quản lý chợ, của Hội Phụ nữ chợ cùng toàn thể những người kinh doanh mua bán tại đây thì sự góp sức của người dân khi đến đây là rất lớn. Rất cần người đến chợ bỏ rác đúng chỗ, không xả rác bừa bãi để chợ sạch đẹp.

Rõ ràng, mô hình bán hàng theo phong cách người Đà Lạt đang thực hiện tại chợ đã có những tác động nhất định trong cộng đồng tiểu thương đang kinh doanh, mua bán tại đây. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng Mô hình kinh doanh “Quầy hàng phong cách người Đà Lạt” từ ngành hàng đặc sản, ngành hàng hoa sang các ngành hàng khác trong thời gian đến. Đồng thời, phối hợp với Phường 1 để triển khai Mô hình tự quản về An toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và PCCC tại khu chợ đêm Đà Lạt”, ông Thiện cho biết.