Giữa vùng sâu Lộc Ngãi, một trại nuôi hươu lấy nhung đã cho ra đời những cặp nhung bổ dưỡng. Và trại hươu cũng mang lại thu nhập tốt cho người nông dân vùng xa.
Anh Tài bên chuồng hươu của gia đình |
Anh Nguyễn Lương Tài, chủ Trang trại nuôi huơu Chi Tài, Thôn 2, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm vừa đưa khách vào thăm chuồng hươu vừa chia sẻ, với anh cũng như hầu hết người nông dân Lộc Ngãi, hươu là vật nuôi còn xa lạ. Giống như nhiều bà con trong vùng, anh Tài trồng cà phê, trồng chè làm nguồn kinh tế chính. Rồi năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, anh Tài lại có cơ duyên làm quen với con huơu nuôi lấy lộc nhung. Anh cho biết: “Kỹ thuật nuôi hươu tôi đã tìm hiểu ở một số trại nuôi, thấy con hươu cũng không khó nuôi, thức ăn lại đơn giản, ít tốn kém, có thể nuôi được. Vấn đề quan trọng nhất là vốn ban đầu mua hươu và đầu ra cho lộc nhung”. Về vốn chăn nuôi, anh Tài và vợ - chị Huỳnh Thị Chi gom góp từ tiền tiết kiệm của gia đình để mua 12 con và xây dựng chuồng nuôi với tổng chi phí 300 triệu đồng tiền giống và chuồng nuôi 70 triệu đồng. Còn đầu ra, anh Tài chia sẻ, gia đình đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Hươu sao Trường Sinh, đơn vị cung cấp giống hươu với giá 18 triệu đồng/kg lộc nhung.
Anh Nguyễn Lương Tài mua bầy hươu 12 con, gồm 10 con đực và 2 con cái bắt đầu tuổi sinh sản. Theo anh Tài cho biết, hươu cho lộc là hươu đực, với tần suất cho lộc là 8 tháng/lần cắt. Hươu tơ như nhà anh Tài, sản lượng lộc khoảng 5-7 lạng/cặp. Nhà anh Tài, sau 3 năm đã được 5 lần hái lộc, với sản lượng 3 kg lộc nhung/con. Còn 2 hươu cái cũng đã sinh sản được 2 lứa, hươu con cũng đang tuổi lớn. Sau 3 năm nuôi hươu, anh Tài cho biết, hươu cái mang thai 8 tháng, sinh ra và cho con bú tầm 2 tháng là cai sữa, tách hươu con ra riêng, chuẩn bị cho mẹ phối giống. Trung bình, mỗi năm hươu mẹ sinh sản 1 lần. Hươu đực phát triển tầm 18 - 20 tháng bắt đầu thu hoạch lộc nhung và tương tự, hươu cái có thể phối giống.
Hiện tại, trại hươu Chi Tài đang cung cấp lộc nhung hươu tươi với giá bán lẻ là 21 triệu đồng/kg, bán sỉ cho công ty là 18 triệu đồng/kg. Theo anh Tài, tới mùa thu lộc, lộc tươi cắt ra tới đâu là có người mua tới đó. Sau 3 năm nuôi hươu và 5 mùa thu lộc, tổng sản lượng lộc nhung của trại xấp xỉ 30 kg. Với giá bán trung bình 20 triệu đồng/kg, trừ hết chi phí làm chuồng trại, thức ăn, chăm sóc thuốc men cho hươu, anh thu được khoảng 400 triệu đồng, đủ chi phí cho đầu tư ban đầu. Anh Tài nhận xét: “Sau 3 năm, gia đình mới thu lại được chi phí đầu tư và có chút thu nhập nhưng với tôi, nuôi hươu lấy lộc nhung vẫn hiệu quả vì con hươu được thu lâu dài. Hươu đực có thể cho lộc tới 18 năm, hươu cái cũng có thể sinh sản từ 12-15 con. Từ năm nay, nhà tôi thu lộc hoàn toàn là lợi nhuận, chưa kể còn bán hươu con, hươu sinh sản từ hươu của trại”.
Theo anh Nguyễn Lương Tài, hươu là giống vật nuôi rất dễ tính. Chúng ăn củ, quả, lá mít, trái mít, thân mía, thân bắp…, tất cả cây lá quanh vườn hươu đều ăn. Và lượng ăn không nhiều, không tốn cỏ, chất xanh như bò. Vào mùa lên lộc, anh Tài bổ sung thêm tinh bột như cám, bắp, thời gian còn lại hoàn toàn ăn cỏ. Tương tự, hươu cái mang thai sắp sinh và khoảng thời gian cho hươu non bú, anh Tài cho ăn thêm tinh bột để hươu mẹ khỏe. Theo anh, đây là vật nuôi dễ ăn, lớn nhanh và hầu như không bệnh tật. Anh chia sẻ, dù mức đầu tư ban đầu hơi cao nhưng nông dân có thể nuôi hươu vì thu nhập khá tốt. Chú trọng nhất là cần tìm đối tác cung cấp giống chuẩn và bao tiêu sản phẩm để người nông dân yên tâm đầu tư.
Ông Hồ Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm cho biết, hộ anh Nguyễn Lương Tài là hộ nông dân sản xuất giỏi của địa phương. Mô hình chăn nuôi hươu lấy lộc nhung theo hợp đồng bao tiêu của anh Tài là mô hình chăn nuôi hiệu quả, được ngành Nông nghiệp ủng hộ và cho vay vốn ưu đãi để mở rộng mô hình, cung cấp hươu giống và lộc nhung cho thị trường, mang lại thu nhập tốt cho người nông dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin