UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành cùng các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm nội dung văn bản chỉ đạo của Bộ Tư pháp về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng.
Hoạt động công chứng góp phần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp |
Theo đó, nội dung văn bản của UBND tỉnh yêu cầu giám đốc và thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Cục Thuế tỉnh, Hội Công chứng viên tỉnh Lâm Đồng thực hiện Văn bản số 1246/BTP-BTTP ngày 4/4/2023 của Bộ Tư pháp về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng.
UBND tỉnh giao giám đốc/thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng để người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức pháp luật công chứng, từ đó thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng trên địa bàn; tạo điều kiện cho các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn hoạt động theo đúng quy định.
Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc UBND cấp xã phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc thực hiện công chứng theo đề nghị của các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên theo đúng quy định của Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Về phía Sở Tư pháp, tổ chức kiểm tra, rà soát các quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành quy định tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng; và việc phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý nhà nước và phát triển các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Từ đó, đối chiếu với quy định tại các điều luật của Luật Công chứng và nghị quyết, nghị định của Chính phủ cũng như các quy định của pháp luật khác có liên quan để tham mưu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các quy định nêu trên cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn. Trong đó, cần lưu ý về tính minh bạch, khách quan; tính khả thi, tính ổn định; chất lượng nhân sự dự kiến; điều kiện cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin…
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng; khẩn trương thực hiện, đưa vào khai thác, sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng - chứng thực và tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu tại địa phương theo quy định của Luật Công chứng. Từng bước thực hiện liên thông cơ sở dữ liệu công chứng với cơ sở dữ liệu về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác có liên quan, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước tại địa phương.
Chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế và các sở, ngành liên quan tích hợp dữ liệu công chứng với dữ liệu đăng ký đất đai, thuế…, đảm bảo chia sẻ, kết nối thông tin công chứng với các ngành, lĩnh vực khác nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Và, phối hợp với Thanh tra tỉnh cùng các sở, ngành liên quan thường xuyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công chứng. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh, kiên quyết tạm đình chỉ hành nghề, miễn nhiệm công chứng viên, chấm dứt các hoạt động hoặc các hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng.
Cùng với đó, tổ chức rà soát toàn bộ các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh để tham mưu, đề xuất điều chỉnh, sắp xếp lại hoặc phát triển thêm các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn theo đúng quy hoạch, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...
UBND tỉnh giao Sở Tài chính tham mưu, đề xuất UBND tỉnh cân đối kinh phí để Sở Tư pháp thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp nói chung và công chứng nói riêng theo quy định. Giao Thanh tra tỉnh tích cực phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với tổ chức và hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kịp thời tham mưu đề xuất UBND tỉnh chấn chỉnh, xử lý nghiêm những vi phạm, sai phạm đối với tổ chức và hoạt động công chứng ở địa phương.
Giao Cục Thuế tỉnh, trong quá trình hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan mình, trường hợp phát hiện hành vi công chứng khống, hành vi thông đồng với khách hàng để công chứng không đúng giá mua bán, chuyển nhượng, nhất là đối với các hợp đồng mua bán phương tiện giao thông, đất đai, nhà ở của các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên thì thông báo kịp thời đến Sở Tư pháp để có biện pháp xử lý theo thẩm quyền, hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
UBND tỉnh đề nghị Hội Công chứng viên tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát huy vai trò tự quản, tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát hội viên trong việc tuân thủ quy định pháp luật, quy tắc hành nghề công chứng trong hoạt động công chứng. Trường hợp phát hiện tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên vi phạm pháp luật, kịp thời báo cáo Sở Tư pháp để xem xét, xử lý theo quy định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin