Cần lộ trình, giải pháp giảm thiểu nhà kính nội ô Đà Lạt

VĂN VIỆT 05:43, 09/06/2023

Tại cuộc tọa đàm với đông đảo thành viên Hiệp hội Hoa Đà Lạt mới đây, ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, giai đoạn năm 2023 - 2025 và 2025 - 2030, tập trung tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của người dân về giảm thiểu và tiến đến không còn nhà kính sản xuất nông nghiệp nội ô Đà Lạt. Tuy nhiên, nếu tiếp tục phát sinh những khó khăn, vướng mắc chưa dự liệu, Sở sẽ đề xuất UBND tỉnh gia hạn thời gian thực hiện; đồng thời, có giải pháp tổ chức sản xuất phù hợp.

Khu vực nhà kính nội ô Đà Lạt chiếm tỷ lệ khá cao trên tổng diện tích đất canh tác
Khu vực nhà kính nội ô Đà Lạt chiếm tỷ lệ khá cao trên tổng diện tích đất canh tác

Theo ông Nguyễn Đình Thiện - Phó Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, tổng diện tích đất canh tác TP Đà Lạt khoảng 10.500 ha, trong đó hơn 2.554 ha diện tích nhà kính (rau 757 ha; hoa 1.702 ha; cây khác gần 95 ha). Qua khảo sát, tỷ lệ nhà kính tại các Phường 12 (83,7%); Phường 5, 7 và 8 (hơn 60%); Phường 3 và Phường 6 hiện chỉ còn lần lượt 23,4 ha và 9,4 ha... “Bên cạnh nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản, tăng thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích, canh tác trong nhà kính đã tạo hiệu ứng, ảnh hưởng đến tầng nước ngầm, gây ngập úng cục bộ vào mùa mưa, mất mỹ quan đô thị Đà Lạt...”, ông Thiện nói. Bởi vậy giải pháp trọng tâm của Phòng Kinh tế Đà Lạt trong lộ trình đến năm 2030 xây dựng các mô hình trình diễn từng chủng loại cây trồng canh tác ngoài trời như: cây rau (cải bắp, súp lơ, cải thảo, cà rốt, khoai tây, đậu cove, hành tây, xà lách, rau gia vị, bí...); hoa các loại (hoa thạch thảo, lavender, hoa lay ơn, hoa hồng, hoa cúc, hoa hướng dương); cây dược liệu atiso, dâu tây... Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn nghiên cứu khảo nghiệm, xây dựng bộ giống cây rau, hoa, cây đặc sản phù hợp với quy trình ứng dụng công nghệ cao canh tác ngoài trời gắn với tổ chức hội thảo đầu bờ để chuyển giao, nhân rộng trên địa bàn.

Ông Lại Thế Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt nhận định, với diện tích hơn 1.700 ha nhà kính trồng hoa, hàng năm toàn TP Đà Lạt đạt tổng sản lượng 1,5 tỷ cành, doanh thu trung bình 8 - 10 tỷ đồng/ha. Trong khi trồng hoa lay ơn ngoài trời với doanh thu cao nhất hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. Khi dỡ bỏ nhà kính, người sản xuất hoa phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là chưa tổ chức nghiên cứu, quy hoạch, định hướng để dịch chuyển đến vùng sản xuất mới với nguồn giống, quy trình canh tác hoa thích ứng với điều kiện khí hậu, thời tiết ngoài trời gắn với xu thế thị trường, đạt giá trị tương đương với sản xuất hoa nhà kính nội ô Đà Lạt. Còn nếu di dời nhà kính đến khu vực sản xuất ở các huyện phụ cận với độ cao trung bình so với mặt biển khoảng 800 - 1.000 m, thấp hơn 500 - 700 m so với Đà Lạt thì cần có quy định tỷ lệ diện tích nhà kính thiết kế bên cạnh các công trình cây xanh, hệ thống thoát nước, đường giao thông nội bộ…, đồng thời, hoàn thiện quy trình sản xuất phù hợp với từng loại giống hoa đã được khảo nghiệm, đánh giá đạt giá trị tối ưu nhất.

Đáng kể, tính theo giá thị trường hiện nay, trên đơn vị 1.000 m2 diện tích đất canh tác hoa nội ô Đà Lạt, mức đầu tư lắp đặt nhà kính đi vào sản xuất từ 250 - 300 triệu đồng, chưa kể hệ thống thiết bị tưới nước, điều hòa ánh sáng, nhiệt độ… Khi tháo dỡ bán phế liệu sắt, thép từ 4 - 6 tấn (6.000 đồng/kg) thì người sản xuất chỉ tận thu thu hồi được 24 - 36 triệu đồng/1.000 m2… Như vậy, đến năm 2030, người sản xuất hoa Đà Lạt với 1.700 ha diện tích nhà kính, trong đó chiếm phần lớn khu vực nội ô phải tháo dỡ hoàn toàn, dẫn đến thiệt hại số tài sản lớn này.

“Trong lộ trình giảm thiểu nhà kính nội ô Đà Lạt, trước hết cần giải pháp điều chỉnh quy hoạch đất đai làm căn cứ xây dựng, triển khai kế hoạch hàng năm trên từng địa bàn phường. Tiếp theo, cần tập trung nghiên cứu, chọn tạo những giống hoa chủ lực ở địa phương bên cạnh các giống hoa bản quyền nhập khẩu về trồng ngoài trời đạt hiệu quả kinh tế cao để chuyển giao, mở rộng chuỗi liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ giữa doanh nghiệp với hộ nông dân trên địa bàn. Ngoài ra, có cơ chế, chính sách hỗ trợ mức kinh phí tương xứng giá trị tài sản nhà kính thiệt hại khi tháo dỡ, di dời…”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt Lại Thế Hưng đề xuất.