Tại địa bàn xã Tu Tra (xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thuộc huyện Đơn Dương), thời gian qua, nhiều con đường liên thôn đã xuống cấp nặng khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển, sinh hoạt thường nhật. Cơ quan chức năng địa phương trước mắt đang khẩn trương dặm vá, khắc phục một phần các điểm xuống cấp nặng trước mùa mưa 2023.
Cơ quan chức năng dặm vá, khắc phục tạm thời các đoạn xuống cấp nặng tuyến đường từ trung tâm xã Tu Tra đi các thôn Kinh tế mới, R’Lơm và K’Lót. (Ảnh chụp ngày 12/6) |
Con đường liên thôn chạy từ trung tâm xã Tu Tra đi thôn Kinh tế mới, R’Lơm và K’Lót khoảng hơn 2 năm nay đã xuống cấp trầm trọng. Nắng thì bụi bặm, mưa thì lầy lội khiến cho người dân, đặc biệt các em học sinh đi lại rất vất vả. Ông K’Hào, có nhà nằm ngay đoạn đường xuống cấp tại thôn R’Lơm, cho biết, hàng ngày con đường dân sinh này phải “cõng” rất nhiều lượt xe tải chở vật liệu xây dựng đi qua khiến cho mặt đường ngày càng hư hỏng nặng hơn. Mặt đường nhiều đoạn bị bong tróc thành từng mảng lớn, ổ voi, ổ gà xuất hiện khiến người dân luôn cảm thấy bất an mỗi khi đi qua. “Những ngày trời mưa, con đường trơn trượt, nhất là tại những đoạn sụt lún, xuống cấp, xe máy, xe đạp phải di chuyển rất chậm. Tôi thường xuyên thấy người dân bị té ngã, nhất là các em học sinh Trường Tiểu học Tu Tra đi học về hàng ngày qua đoạn đường này”, ông K’Hào cho biết.
Theo ghi nhận, tuyến đường chạy qua 3 thôn nêu trên dài 4,5 km có khoảng hơn 800 hộ dân, trong đó có 600 hộ người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dọc tuyến đường. Diện tích đất sản xuất của người dân liên quan đến tuyến đường khá lớn với hàng trăm hecta đất nông nghiệp. Do đó, hàng ngày, xe máy, xe máy cày, xe tải chở cát, vật liệu… qua lại tương đối lớn.
Không xuống cấp nặng như con đường liên thôn nêu trên nhưng tại các con đường nhựa, bê tông chạy qua các thôn trên địa bàn xã Tu Tra một số vị trí có dấu hiệu xuống cấp, xuất hiện ổ gà, mặt đường sụt lún với các mức độ khác nhau. Nhiều người dân sinh sống tại các tuyến đường liên thôn cho hay, trước đây trên các tuyến trục liên thôn, sau khi được nâng cấp thành đường nhựa, bê tông hóa khoảng 2 - 3 năm, các xe tải lớn, có trọng tải trên 10 tấn lưu thông thường xuyên nên một số đoạn xuống cấp là chuyện rất khó tránh khỏi. Đây là vấn đề không chỉ chính quyền địa phương xã Tu Tra “đau đầu” tìm giải pháp khắc phục để làm sao vừa bảo vệ các con đường không xuống cấp mà vẫn đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế của người dân.
Ông Trương Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Tu Tra cho biết, trước thực trạng xuống cấp của con đường chính, đoạn trung tâm xã đi thôn Kinh tế mới, R’Lơm và K’Lót, liên tục 5 ngày qua, chính quyền địa phương đã vận động các công ty, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân đóng chân trên địa bàn đóng góp, huy động 8 xe máy múc, 2 xe lu gấp rút gia cố lại các điểm xuống cấp nặng. Đây chỉ là các biện pháp trước mắt để người dân tạm an tâm đi lại trong mùa mưa 2023 trong khi chờ dự án sửa chữa, nâng cấp từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.
Theo UBND huyện Đơn Dương, ngày 6/6 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chấp thuận phạm vi ranh giới, diện tích đất để thực hiện Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng (giai đoạn 1) sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Riêng trên địa bàn huyện Đơn Dương, chương trình được triển khai với 3 tiểu dự án xây dựng, nâng cấp đường, nâng cấp hồ chứa có tổng nguồn vốn gần 282 tỷ đồng. Tại địa bàn xã Tu Tra có tiểu dự án sử dụng vốn vay ODA xây dựng đường nối vào cầu Ông Thiều với vùng nông nghiệp công nghệ cao tại thị trấn Thạnh Mỹ và vùng rau, hoa, bò sữa xã Tu Tra. Trong đó, tiểu dự án trên sẽ có hạng mục nâng cấp tuyến đường từ trung tâm xã Tu Tra đi các thôn Kinh tế mới, R’Lơm và K’Lót. Ngoài ra, tại địa bàn xã Tu Tra, UBND huyện Đơn Dương đã có quyết định phê duyệt báo cáo kỹ thuật đầu tư, nâng cấp con đường đoạn từ Công ty Apollo đi trung tâm xã Tu Tra đã xuống cấp thời gian qua với tổng vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin