Giá kén tằm luôn ổn định ở mức cao trong mấy năm gần đây, đem lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ trồng dâu, nuôi tằm, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các xã vùng khó khăn huyện Đam Rông. Để nghề trồng dâu, nuôi tằm phát triển bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao, Đam Rông đã và đang tổ chức liên kết sản xuất gắn với nâng cao chuỗi giá trị…
Nhờ trồng dâu, nuôi tằm, nhiều hộ đồng bào DTTS ở Đam Rông đã có cuộc sống ổn định |
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá thuận lợi nên huyện Đam Rông có điều kiện phát triển cây công nghiệp, cây ăn trái các loại và nghề trồng dâu, nuôi tằm. Theo Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Trương Hữu Đồng, huyện Đam Rông có nhiều diện tích đất ven sông, suối rất phù hợp với nghề trồng dâu, nuôi tằm; hơn nữa, giá kén tằm ổn định ở mức cao chính là tín hiệu vui cho nghề trồng dâu, nuôi tằm. Vì vậy, trong thời gian qua, UBND huyện đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển diện tích trồng dâu, nuôi tằm. Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện có hơn 600 ha dâu, trong đó có 152 ha trồng mới, với trên 2.000 hộ nuôi tằm. Trồng dâu, nuôi tằm chi phí thấp, vòng quay vốn nhanh, giá kén tằm ổn định đã tạo sinh kế, giúp nhiều nông hộ thoát nghèo và làm giàu.
Có thể khẳng định rằng, so với nhiều loại cây trồng và ngành nghề khác thì trồng dâu, nuôi tằm đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ R’sal cho biết: “Trước đây, bà con trong vùng trồng cây cà phê và một số cây trồng khác nhưng hiệu quả kinh tế đạt thấp, sau khi chuyển đổi sang trồng dâu, nuôi tằm thì thu nhập hàng tháng được cải thiện và nâng cao, nên nhiều hộ đồng bào DTTS đã có động lực tận dụng diện tích đất bồi, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả để trồng dâu, nuôi tằm, giờ ai cũng ăn nên làm ra”.
Từng canh tác cà phê, mít nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao, nên vài năm trở lại đây gia đình ông Nguyễn Đình Nguyên ở xã Đạ R’sal đã chuyển sang trồng dâu; đồng thời, đầu tư mua thêm đất mở rộng diện tích canh tác lên 1,5 ha và trở thành một trong những nông hộ có diện tích dâu cao nhất của xã. Trước khi bắt tay với nghề nuôi tằm, gia đình ông Nguyên cũng chịu khó tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm những người đi trước về cách nuôi, đặc tính sinh trưởng và phát triển của con tằm nên trong quá trình nuôi, gia đình ông Nguyên không gặp phải những trở ngại, khó khăn. Ông Nguyễn Đình Nguyên chia sẻ: “Với 1,5 ha dâu, bình quân gia đình tôi nuôi trên 40 hộp tằm con/năm. So với canh tác cà phê, mít thì từ khi theo nghề trồng dâu, nuôi tằm cho thu nhập rất ổn định và lợi nhuận cao hơn nhiều. Thị trường và giá cả ổn định đã tạo động lực lớn giúp gia đình tôi và bà con trong vùng gắn bó với nghề này”.
Do nhu cầu thị trường xuất khẩu về tơ lụa là rất lớn, để giúp cho những người làm nghề trồng dâu, nuôi tằm ổn định và tiếp tục phát triển, thời gian qua, UBND huyện đã quan tâm, động viên, tạo điều kiện, hỗ trợ một phần kinh phí để Công ty TNHH MTV Dâu tằm tơ Duy Phương được thành lập, đầu tư xây dựng nhà máy ươm tơ, hình thành chuỗi liên kết sản xuất với các hợp tác xã, tổ hợp tác, các nông hộ trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn huyện để mở rộng vùng nguyên liệu, vùng trồng. Đây là hướng đi đúng đắn, phù hợp với định hướng của huyện, xu hướng phát triển của thị trường. Sau thời gian thành lập, đến nay, nhà máy ươm tơ đã đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy ngành dâu tằm tơ phát triển mạnh, nhất là trong việc tiêu thụ sản phẩm kén tằm cho nông hộ được thuận lợi, với giá cả ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trước sức hút từ giá cả thị trường ổn định, lợi nhuận khá cao mà kén tằm đem lại, hiện, ở huyện Đam Rông không chỉ bà con nông dân chú trọng nghề trồng dâu, nuôi tằm, mà nhiều cán bộ ở các xã và một số giáo viên ở các trường học cũng tận dụng đất đai sẵn có, tranh thủ thời gian nhàn rỗi tạo thêm việc làm để nâng cao thu nhập cho gia đình từ việc trồng dâu, nuôi tằm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin