Hiệu quả từ Đề án Phòng, chống sạt lở bờ sông ở huyện Đam Rông

NGỌC NGÀ 06:25, 22/06/2023

Việc triển khai thực hiện Đề án Phòng, chống sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Đam Rông những năm qua đã góp phần đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Người dân lo sợ tình trạng sạt lở còn tiếp diễn, nhất là trong mùa mưa tới đây. Ảnh: H.Thắm
Người dân lo sợ tình trạng sạt lở còn tiếp diễn, nhất là trong mùa mưa tới đây. Ảnh: H.Thắm

Huyện Đam Rông có địa hình đồi dốc lớn, vào mùa mưa, lưu lượng nước từ thượng lưu về sông, suối của huyện rất lớn nên nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, suối rất cao. Những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thiên tai trên địa bàn huyện diễn biến bất thường; mùa mưa thường xảy ra mưa lớn diện rộng, lũ dọc lưu vực các sông, suối trên địa bàn, nhất là dọc lưu vực sông Krông Nô đoạn qua huyện Đam Rông đã làm sạt lở nhiều khu vực đất sản xuất, ảnh hưởng khu dân cư (đoạn bờ sông Đa Tế, xã Đạ M’rông; đoạn qua các thôn Đạ Nhinh, Liêng Trang 1, xã Đạ Tông; đoạn sau chợ Đạ Rsal thuộc thôn Tân Tiến, xã Đạ Rsal…).

Ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết, từ năm 2021 đến nay, UBND huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều nội dung liên quan đến việc phòng, chống sạt lở ở khu vực các bờ sông trên địa bàn. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, các đơn vị liên quan tổ chức rà soát các khu vực bờ sông, suối có nguy cơ bị sạt lở trên địa bàn huyện, tổ chức cắm biển cảnh báo nguy hiểm để người dân biết, chủ động phòng tránh. Đồng thời, địa phương cũng đã lập danh mục các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện để đưa vào kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021 - 2025. 

Những năm qua, công tác triển khai thực hiện Đề án Phòng, chống sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Đam Rông nhận được sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, sự giúp đỡ kịp thời của tỉnh, các sở, ngành của tỉnh nên trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện, hoàn thành và đưa vào sử dụng 3 đoạn kè chống sạt lở bờ sông Krông Nô đoạn từ xã Đạ M’rông - Đạ Rsal với tổng chiều dài 420 m.

Các công trình trên đã góp phần phòng, chống, ngăn chặn kịp thời tình trạng sạt lở bờ sông, góp phần bảo vệ diện tích đất sản xuất của người dân, công trình hạ tầng của huyện khỏi bị thiệt hại do sạt lở gây ra. Tuy nhiên, vấn đề sạt lở vẫn đang xảy ra và ảnh hưởng tới người dân tại một số địa phương. Cụ thể, trên địa bàn xã Đạ M’rông, đang xảy ra sạt lở nghiêm trọng ở một số vị trí như: Đoạn từ thôn Liêng Krắc 1 đến đoạn thôn Tu La với chiều dài khoảng 1.000 m gây ảnh hưởng diện tích đất ở của khoảng 25 hộ dân và khoảng 30 ha diện tích sản xuất các loại hoa màu của người dân. Khu vực bến đò Đa Tế sạt lở khoảng 1.000 m làm mất 25 ha đất sản xuất dâu tằm và cà phê của bà con. Ngoài ra, còn có 2 vị trí sạt lở tại thôn Đa La và thôn Tu La ảnh hưởng đến khoảng 60 ha đất sản xuất của người dân.

UBND huyện Đam Rông cũng đã có những đề xuất với UBND tỉnh. Việc kiểm tra, rà soát cũng đã được các đơn vị thuộc tỉnh phối hợp với huyện Đam Rông tiến hành để xác định phương án khắc phục.

Ngoài ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã chủ động phối hợp với UBND huyện Đam Rông tiến hành kiểm tra và triển khai cắm 10 biển cảnh báo nguy hiểm, cảnh báo ngập lụt, sạt lở tại các xã Đạ K’nàng, Phi Liêng, Liêng S’rônh…; qua đó góp phần bảo vệ đất sản xuất, phòng, chống tai nạn có thể xảy ra tại các đoạn sông, suối bị sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở. Trên cơ sở đó, UBND huyện Đam Rông đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở để Nhân dân chủ động phòng tránh…

Để không xảy ra các thiệt hại đáng tiếc về người và ảnh hưởng hoạt động sản xuất của các gia đình do sạt lở gây ra, UBND huyện Đam Rông đã xây dựng kế hoạch để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả đề án trên. Trong đó, tập trung vào các nội dung chủ yếu như: Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, UBND các xã tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả đề án nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng, chống sạt lở bờ sông; chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt lở bờ sông như trồng tre dọc bờ sông; không xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc gần khu vực bờ sông, suối có nguy cơ sạt lở…

Các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông, suối ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát sỏi trái phép; quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, các công trình ven sông, suối tránh bị ảnh hưởng do sạt lở và làm tăng nguy cơ sạt lở.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh rà soát các điểm sạt lở bờ sông để lập kế hoạch gia cố, phòng, chống sạt lở nhằm hạn chế thiệt hại đất sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống người dân.