Quán cà phê có cái tên khá đặc biệt: Lặng Art. “Lặng có nghĩa là không nói (vì nhân viên của quán là những người bị câm điếc). Lặng còn có nghĩa làm trong âm thầm lặng lẽ”, anh Võ Anh Tuấn - người mở quán cà phê Lặng Art, tạo cơ hội việc làm cho những người câm điếc có thể sống được bằng chính sức lao động của mình - giải thích.
Nhân viên của Lặng Art Nguyễn Lương Quang (giữa) đang trao đổi cùng khách |
Quả đúng như tên gọi của quán, nhân viên ở Lặng Art (số 3 Pasteur, TP Đà Lạt) chỉ chăm chú làm và không nói, khách đến đây cũng... im lặng và chỉ việc chỉ tay vào thực đơn để gọi đồ uống, hoặc dùng ngôn ngữ ký hiệu, cũng có thể gọi món bằng cách viết ra giấy tên đồ uống. “Mặc dù nhân viên của Lặng Art không thể nghe, cũng không thể nói, nhưng thái độ và cung cách phục vụ khách hàng nhiều khi còn tốt hơn cả những người nghe nói bình thường ở các quán cà phê khác”, chị Lê Thị Yến Nhi - một khách hàng thường xuyên của Lặng Art - cảm nhận. Một khách quen khác, chị Bùi Nguyên Thư - giáo viên dạy tiếng Nhật ở Đà Lạt - chia sẻ: “Tôi thường đưa con nhỏ đến đây, ngoài việc giáo dục con về tính bình đẳng giữa người bị khiếm khuyết khả năng nghe nói và những người nghe nói bình thường, còn mong góp một tiếng nói nhỏ trong việc thay đổi nhận thức của cộng đồng về những người kém may mắn: rằng người câm điếc vẫn luôn có khát vọng lao động, vẫn muốn được cống hiến cho xã hội bằng những sản phẩm và dịch vụ của mình”.
Chia sẻ của chị Thư, cũng là tâm niệm của anh Tuấn trong quá trình xây dựng quán cà phê Lặng Art. Bởi hơn ai hết, anh hiểu rất rõ người khuyết tật luôn cảm thấy tự ti, mặc cảm mình là người thiếu may mắn. Tất cả những rào cản đó sẽ được phá bỏ, nếu mọi người chọn sản phẩm và dịch vụ ở quán vì chúng xứng đáng, chứ không phải vì lòng thương hại, vì tính từ thiện. Thái độ làm việc tận tụy của nhân viên Lặng Art, cùng những sản phẩm chỉnh chu ở đây đã thuyết phục những khách hàng như chị Thư. Chị Thư cho hay, chị rất hài lòng với các loại đồ uống ở Lặng Art: đồ uống ngon, giá cả phải chăng, không gian yên tĩnh... Một điểm nhấn nữa của Lặng Art chính là không gian quán và cách bài trí các sản phẩm handmade do những học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng tự tay làm. Nó ngộ nghĩnh và rất duyên y như trẻ con đang chơi trò sắp đặt, từ bức tranh tự vẽ, bình hoa tự tô đến các chao đèn đan bằng sợi thừng, những đồ trang trí làm bằng quả thông khô, cùng nhiều vật dụng khác. “Sản phẩm handmade ở đây khá tinh xảo về tiểu tiết. Nó rất nhỏ, rất dễ thương, nhìn là muốn nâng niu. Tuy vậy, nó cũng khá đa dạng trong việc hướng đến người sử dụng: trẻ 2 tuổi, nhóm teen, người trưởng thành, người nội trợ... đều dễ dàng tìm thấy những món đồ phù hợp”, chị Thư cho biết. Cũng như chị Thư, anh Tuấn trong một lần đến thăm Trường Khiếm thính Lâm Đồng thật sự kinh ngạc trước đôi tay khéo léo của các học sinh đang theo học tại trường, khi làm ra những món đồ chơi từ cây, cỏ, hoa, lá. Năm 2020, anh quyết định đem số tiền 200 triệu đồng đầu tư, cải tạo phần mái hiên của Trường Khiếm thính Lâm Đồng thành nơi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm handmade của học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng, kết hợp với bán cà phê để tạo điều kiện cho các em có thể sống được bằng nghề. Nhưng, quán mới đi vào hoạt động được vài tháng thì gặp phải đại dịch COVID-19, anh Tuấn phải xoay đủ đường để đủ kinh phí lo các nhân viên. “Đến thời điểm này, Lặng Art đã có thể tự nuôi sống nhân viên của mình, với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng”, anh Tuấn phấn khởi. Qua phiên dịch của cô giáo Nguyễn Thị Mai Linh - giáo viên Trường Khiếm thính Lâm Đồng - nhân viên của Lặng Art Nguyễn Lương Quang bày tỏ: “Hiện, tôi đang là người điều hành Lặng Art. Trước đó, học xong lớp 9 và ra trường, tôi cảm thấy rất hoang mang vì không biết làm gì để sống. Thế rồi, tôi được anh Tuấn nhận vào quán làm việc cùng 3 nhân viên khác. Tôi mơ ước sau này tự mình có thể mở được một quán cà phê như Lặng Art để tạo thêm công việc cho những người cùng cảnh ngộ”. Tương tự, chị Trần Nguyễn Thảo Hiền tâm sự: “Tôi vốn đã quen sống với những bạn học tại Trường Khiếm thính Lâm Đồng nên khi trở về nhà không thể hòa nhập cùng những thành viên trong gia đình. Tôi rất vui vì được anh Tuấn nhận vào Lặng Art làm việc với những người bạn là cựu học sinh của Trường Khiếm thính Lâm Đồng”.
Mỗi tháng chị được trả lương 3,5 triệu đồng, cộng thêm tiền thưởng. Gắn bó với những học sinh đặc biệt trong nhiều năm qua, Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Lâm Đồng Nguyễn Thị Ngọc Minh cho rằng: “Nghề sẽ giúp các em học sinh của trường có cuộc sống ổn định. Do vậy, nhà trường vẫn thường xuyên mời các nghệ nhân tới dạy nghề cho các em: pha chế, làm bánh, vẽ chậu sen đá, làm hoa đất sét, thêu tranh len, làm trà từ các loại thảo mộc, làm đồ lưu niệm...”. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Minh nói thêm: “Tôi mong sẽ có thêm nhiều quán cà phê như Lặng Art, cũng như có nhiều Võ Anh Tuấn hơn nữa để nhiều cựu học sinh của Trường Khiếm thính Lâm Đồng thêm cơ hội hòa nhập cuộc sống bằng chính sức lao động và sản phẩm của mình”.
Theo kế hoạch của tỉnh Lâm Đồng, tới đây, Trường Khiếm thính Lâm Đồng sẽ sáp nhập với Trường Trẻ em thiểu năng Hoa Phong Lan. Trường sẽ chuyển về địa điểm mới trên đường Nguyễn Khuyến. Qua khảo sát, điểm trường mới này khá rộng, rất phù hợp để xây dựng một điểm du lịch làng nghề, kết hợp giữa tham quan, trải nghiệm và tiêu thụ sản phẩm của người khuyết tật, qua đó tạo công ăn việc làm cho các học sinh đã ra trường. Đấy cũng là dự định mà anh Tuấn đang ấp ủ, nếu nhận được sự phối hợp của Ban Giám hiệu mới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin