Bài cuối: Cần có phương án cụ thể và chi tiết cho việc sắp xếp, sáp nhập
Cần xây dựng phương án chi tiết đối với việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh; trong đó, chú ý đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, giải quyết chế độ, chính sách đối với những trường hợp dôi dư do sắp xếp cũng như sử dụng cơ sở vật chất một cách hiệu quả.
Người dân đến liên hệ giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa UBND Phường 3, TP Đà Lạt |
• KIỆN TOÀN TỔ CHỨC BỘ MÁY
Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, việc sắp xếp tổ chức, bộ máy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, cũng như đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo hướng sáp nhập nguyên trạng về tổ chức bộ máy, con người theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của các ban, bộ, ngành Trung ương.
Cụ thể, đối với khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội: thực hiện theo quy định Điều lệ Đảng, Điều lệ của các đoàn thể chính trị - xã hội và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương theo Điều 24 dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với HĐND, các Ban của HĐND, UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện được thực hiện theo các Điều 134, 136, 138 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 cùng các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, nhập nguyên trạng về tổ chức, bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập như Trung tâm Nông nghiệp; Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên...
Đối với sự nghiệp giáo dục, trước mắt tạm thời giữ nguyên mô hình tổ chức của các đơn vị sự nghiệp trường học, phù hợp quy mô, số lượng học sinh và địa bàn hoạt động ở các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc phạm vi sắp xếp. Đồng thời, tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng chủ động, phối hợp UBND cấp huyện rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng địa bàn, đảm bảo thực hiện mục tiêu đến năm 2025 giảm tối thiểu 10% đơn vị và 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
Với sự nghiệp y tế, nhập nguyên trạng về tổ chức, bộ máy các đơn vị sự nghiệp y tế (gồm Trung tâm Y tế của 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên; đặt trụ sở tại Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh hiện nay). Các trụ sở Trung tâm Y tế của huyện Đạ Huoai và Cát Tiên hiện nay sẽ phát triển thành bệnh viện hạng 3 thuộc Trung tâm Y tế tuyến huyện. Sáp nhập Trạm Y tế đối với các xã thuộc diện phải sắp xếp đơn vị hành chính.
Khi sắp xếp, sáp nhập, tỉnh yêu cầu tiếp tục duy trì các hoạt động dạy học, khám, chữa bệnh cho người dân tại các vị trí cũ để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khám, chữa bệnh, cũng như việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các đơn vị sự nghiệp công lập, trường học, trung tâm y tế và trạm y tế.
Đối với việc bố trí trụ sở làm việc, thực hiện công tác tiếp nhận, bàn giao cơ sở vật chất… thực hiện theo hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài sản, trụ sở các cơ quan, đơn vị hình thành sau sắp xếp, sáp nhập, tránh lãng phí.
Đối với việc sắp xếp các cơ quan ngành dọc như Tòa án Nhân dân huyện, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện, Chi cục Thi hành án dân sự huyện, Kho bạc Nhà nước huyện, Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện cần xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị theo hướng dẫn của ngành chủ quản.
Về việc bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã, Sở Nội vụ sẽ tham mưu tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương xây dựng phương án, đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong từng giai đoạn trình cấp có thẩm quyền quyết định.
• SẮP XẾP, SÁP NHẬP THEO LỘ TRÌNH
Đối với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, sau khi có Nghị quyết của Tỉnh ủy về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, căn cứ vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 và nghị quyết của Chính phủ, Lâm Đồng sẽ xây dựng phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 gửi Bộ Nội vụ, dự kiến thời gian hoàn thành từ nay đến cuối năm 2023. Trong đầu năm 2024 sẽ xây dựng phương án chi tiết, đề án chi tiết của tỉnh đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn, dự kiến trong tháng 5/2024 sau đó thông qua HĐND các cấp theo quy định để trình lên Trung ương xem xét thẩm định, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Sau khi nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, tỉnh sẽ tiến hành thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập.
Đối với việc nhập huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt; điều chỉnh một số xã của huyện Bảo Lâm vào TP Bảo Lộc nhằm mở rộng không gian đô thị, theo Sở Nội vụ, ngành chức năng tỉnh cần xây dựng hoàn thiện, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án Quy hoạch chung TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc; tổ chức lập báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đô thị để bổ sung vào hồ sơ đề án phân loại đô thị hoặc gửi cơ quan thẩm định theo quy định. Cần rà soát, đánh giá trình độ phát triển hạ tầng đô thị đối với các khu vực dự kiến sắp xếp, sáp nhập; các tiêu chí còn thiếu để lập và triển khai kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng trên cơ sở định hướng phát triển không gian của đô thị Đà Lạt, đô thị Bảo Lộc đảm bảo đạt các tiêu chí theo quy định.
Đối với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2026 - 2030, cần tiếp tục rà soát, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% theo quy định cũng như các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc cấp huyện trong diện khuyến khích nhằm giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã theo đề xuất của UBND cấp huyện.
Nhằm đảm bảo thực hiện các nội dung của Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 và Kết luận số 654-KL/TU ngày 27/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phương án thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030”, trong lúc chờ nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị quyết của Chính phủ ban hành, Sở Nội vụ Lâm Đồng đã đề nghị tỉnh xem xét, thống nhất chủ trương, ban hành nghị quyết của Tỉnh ủy; thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc cấp tỉnh về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để làm cơ sở cho các sở, ban, ngành, các địa phương lập kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện đúng theo lộ trình quy định.
Sở Nội vụ Lâm Đồng cũng lưu ý rằng, trong thời gian đến, trong trường hợp dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nếu có điều chỉnh nào về sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã này thì Lâm Đồng sẽ phải căn cứ vào nghị quyết ban hành mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin