Qua rà soát, cơ quan chức năng tiếp tục có đề xuất với UBND tỉnh thu hồi 2 dự án để mất rừng dưới chân đèo Prenn của Công ty Cổ phần du lịch sinh thái Phương Nam và Công ty Cổ phần đầu tư Vĩnh Tuyên Lâm (trên địa bàn xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) để giao cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý. Tuy nhiên, việc thống kê diện tích, thống nhất số liệu tài nguyên rừng bị mất tại 2 dự án nêu trên vẫn chưa thống nhất.
Cơ quan chức năng chưa thống nhất số liệu kiểm kê tài nguyên rừng bị thiệt hại của 2 doanh nghiệp thuê đất rừng thực hiện dự án |
Theo số liệu kiểm tra, rà soát hiện trạng tài nguyên rừng mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thì trên diện tích đất thu hồi của Công ty Cổ phần du lịch sinh thái Phương Nam (thuộc một phần Tiểu khu 268, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) tổng diện tích có rừng hiện nay là 130,13 ha. Trong đó, diện tích có rừng tự nhiên 107,4 ha và diện tích có rừng trồng thông 3 lá từ nguồn vốn ngân sách là 22,73 ha.
Trong diện tích 130,13 ha rừng nêu trên, hiện nay có 56 vị trí đang bị lấn chiếm để trồng cà phê dưới tán rừng, gồm 30 vị trí là cà phê lớn, người dân đã sản xuất từ lâu và 26 vị trí là cà phê nhỏ và 3 vị trí làm nhà bằng gỗ dưới tán rừng. Về thực trạng để mất rừng, theo Văn bản thẩm định số 154/TĐ-SNN ngày 2/2/2021, tổng diện tích rừng bị giảm là 38,56 ha. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản báo cáo, đề xuất phương pháp tính toán tiền đền bù thiệt hại tài nguyên rừng thuộc dự án này, nhưng đến nay, đơn vị chưa nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh nên chưa có cơ sở để thực hiện.
Bên cạnh đó, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại Văn bản thẩm định số 154, Công ty Phương Nam được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó 135,12 ha thuộc Quyết định số 513 và 20,88 ha nằm ngoài Quyết định số 513. Thế nhưng, qua rà soát nếu căn cứ Quyết định số 04/QĐ-UBND thì diện tích 20,88 ha nêu trên không nằm trong ranh giới thu hồi đất của Công ty Phương Nam. Toàn bộ diện tích 20,88 ha nằm ngoài ranh giới UBND tỉnh giao Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý. Như vậy, toàn bộ diện tích 20,88 ha nêu trên hiện nay không có chủ quản lý.
Còn Dự án Trồng rừng kinh tế và quản lý, bảo vệ rừng tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng do Công ty Cổ phần đầu tư Vĩnh Tuyên Lâm (Công ty Vĩnh Tuyên Lâm) làm chủ đầu tư (bị chấm dứt hoạt động từ ngày 15/4/2022).
Qua kiểm tra, rà soát thì hiện trạng tài nguyên rừng hiện nay có biến động so với hiện trạng rừng theo hồ sơ kiểm kê tài nguyên rừng đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định ngày 1/7/2020. Về lấn chiếm trong diện tích 198,32 ha rừng được giao, hiện nay có 3,45 ha đang bị lấn chiếm để trồng cà phê lớn (đã cho thu hoạch) dưới tán rừng. Về mất rừng, theo Kết luận thanh tra số 2094/KL-UBND ngày 13/4/2020 của UBND tỉnh thì diện tích rừng bị thiệt hại tại dự án do Công ty Vĩnh Tuyên Lâm làm chủ đầu tư là 105,74 ha. Trong đó, đã xác định giá trị bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng là 48,5 ha, chưa xác định là 57,24 ha.
Trong khi đó, Văn bản số 892 ngày 27/4/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc kiểm tra, xác minh tài nguyên rừng bị thiệt hại tại dự án đầu tư do Công ty Vĩnh Tuyên Lâm làm chủ đầu tư thì tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 99,94 ha. Do đó, Sở đề nghị UBND tỉnh xem xét, thống nhất số liệu trên làm cơ sở để tính toán tài nguyên rừng bị thiệt hại. Tới ngày 28/7/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1336/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn của Công ty Vĩnh Tuyên Lâm, trong đó vẫn xác định tổng diện tích phá rừng là 105,74 ha.
Trước việc số liệu kiểm kê chưa thống nhất, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đại Ninh cho biết đã có văn bản tiếp tục kiến nghị các đơn vị chức năng tiến hành kiểm kê lại hiện trạng tài nguyên rừng hiện nay trên diện tích thu hồi của Công ty Phương Nam và Công ty Vĩnh Tuyên Lâm để bàn giao cho đơn vị quản lý theo quy định trong thời gian tới.
Đồng thời, từ kết quả rà soát nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh thu hồi diện tích rừng đã giao cho Công ty Phương Nam và Công ty Vĩnh Tuyên Lâm để giao cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng diện tích rừng được giao đúng mục đích theo các quy định của pháp luật về đất đai và lâm nghiệp.
Ngoài ra, Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu 2 doanh nghiệp khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các quyết định thu hồi đất, bồi thường giá trị tài nguyên rừng bị thiệt hại sau khi được cơ quan có thẩm quyền xác định, thông báo giá trị thiệt hại tài nguyên rừng bị mất do không thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ đối với diện tích rừng được giao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin