Dọc con đường độc đạo từ trung tâm xã Bảo Thuận vào khu vực hồ thủy lợi Kala (huyện Di Linh) và con đường đất phía Tây bờ hồ có hàng trăm hộ dân sinh sống với diện tích đất canh tác trên 600 ha nhưng nhiều năm qua đã dần xuống cấp nặng nề.
Nhiều đoạn đường quanh khu vực hồ Kala đã xuống cấp, người dân đi lại khó khăn nhiều năm nay |
Ông Nguyễn Hữu Sang, người dân xã Bảo Thuận bức xúc cho biết, con đường huyết mạch chạy từ trung tâm xã qua 5 thôn (K’Nệt, Hàng Piơr, Hàng Ùng, B’Sụt và Ta Ly) có tới gần 600 hộ dân sinh sống. Tuy nhiên, từ năm 2014 tới nay, do xe tải, người dân vận chuyển lâm sản… thường xuyên nên nhiều đoạn đường đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Có nhiều ổ voi, hố nước sâu nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông, đặc biệt là các em học sinh phải hằng ngày tới trường trên con đường này.
“Thời gian qua, người dân ý kiến nhiều tới chính quyền địa phương nhưng con đường chưa được tu sửa, tiếp tục xuống cấp nặng hơn. Để đảm bảo an toàn, đối với các vị trí xuống cấp nặng, một số doanh nghiệp, người dân hảo tâm tự bỏ tiền ra sửa chữa nhưng đây chỉ là biện pháp tình thế” - ông Sang phản ánh.
Người dân sống dọc tuyến đường ở các thôn B’Sụt, Hàng Piơr cho biết, hằng năm UBND xã đã có chỉ đạo khắc phục tạm, đổ đá một số vị trí trũng sâu, giải quyết tạm thời để việc đi lại của người dân thuận tiện hơn nhưng chỉ được thời gian ngắn mặt đường lại lầy lội trở lại, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của bà con. Theo người dân địa phương, xuống cấp, đi lại khó khăn nhất là con đường đất dài 9 km phía Tây hồ thủy lợi Kala với số hộ sinh sống và diện tích đất canh tác nông nghiệp hai bên đường lớn. Do vậy, việc vận chuyển nông sản hàng ngày của bà con ra trung tâm xã qua con đường trên lâu nay rất vất vả, đặc biệt là mùa mưa về. Gần như toàn tuyến mặt đường đất đều bị xuống cấp, sụt lún. Tình trạng ổ voi, ổ gà dày đặc ở một số đoạn.
Tại buổi tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV của Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng chiều 29/6, giải trình ý kiến cử tri quan tâm, phản ánh, lãnh đạo UBND xã Bảo Thuận xác nhận tuyến đường trung tâm xã vào hồ Kala dài khoảng 2,9 km xuống cấp đã nhiều năm nay. Đặc biệt là tuyến đường đất phía Tây hồ Kala dài hơn 9 km mùa mưa tạo sình lầy, các phương tiện đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Tuy nhiên, do nguồn vốn tu sửa quá lớn, UBND xã chỉ có thể phối hợp vận động người dân, doanh nghiệp sửa chữa dặm vá tạm thời một số đoạn xuống cấp nặng nhất.
Còn theo ông Nguyễn Thái Học - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, liên quan tới 2 tuyến đường xuống cấp thời gian dài nêu trên, trong tháng 10/2022, UBND huyện đã có tờ trình đề xuất chủ trương đầu tư lên UBND tỉnh với tổng nguồn vốn khoảng 125 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí đầu tư lớn, ngân sách của huyện Di Linh chưa có khả năng cấn đối nên buộc phải đợi ngân sách tỉnh bố trí, phê duyệt trong thời gian tới.
Phản hồi ý kiến cử tri quan tâm, đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Lâm Đồng nhận định các ý kiến góp ý của người dân về nâng cấp các con đường xuống cấp hoàn toàn chính đáng, đúng với tình hình thực tế cần chính quyền cơ sở phải quan tâm giải quyết. “Theo quy định việc nâng cấp, đầu tư hạ tầng đường sá phải là đầu tư công. Hiện nay, nguồn vốn, nguồn lực của tỉnh đang tập trung tối đa cho hai Dự án thành phần Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương nên tỉnh sẽ xem xét, phân bổ nguồn vốn đầu tư nâng cấp tuyến đường trong thời gian tới để bà con thuận lợi trong đi lại, phục vụ nhu cầu sản xuất” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thông tin, đồng thời yêu cầu trong thời gian chờ kinh phí của tỉnh để làm đường, huyện Di Linh có trách nhiệm rà soát, sửa chữa, dặm vá những đoạn xuống cấp nặng, làm sao đảm bảo an toàn cho người dân đi lại, đặc biệt là vào mùa mưa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin