Thực hiện nghiêm Công điện số 5776 ngày 4/7/2023 của UBND tỉnh về việc chủ động phòng, chống sạt trượt và bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân trước và trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thành phố đang khẩn trương thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ được giao.
TP Đà Lạt đang triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống tình trạng sạt trượt trong mùa mưa bão. Trong ảnh: Khu vực sạt trượt taluy trên đường Hoàng Hoa Thám (Phường 10, TP Đà Lạt) |
Tại địa bàn huyện Lâm Hà, đồng chí Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, qua kiểm tra, hiện nay trên địa bàn huyện các khu vực dân cư ven sông, suối và khu vực có mái dốc lớn cơ bản ổn định, tiềm ẩn nguy cơ thấp xảy ra sạt trượt. Tại các vị trí có khả năng xảy ra sạt lở, các địa phương đã tổ chức cắm biển cảnh báo nguy hiểm và tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng tránh sạt lở, đuối nước trong mùa mưa bão.
Tuy nhiên, trong đợt mưa lớn kéo dài vừa qua, trên địa bàn huyện có xảy ra thiệt hại, sự cố đối với một số công trình giao thông và các công trình, dự án đang triển khai trên địa bàn. Đơn cử như ngày 28/6 do mưa lớn kéo dài, nước suối Cam Ly dâng cao đã cuốn trôi, gây hư hại hoàn toàn đối với 4 cây cầu treo trên địa bàn các xã Gia Lâm (3 cây cầu), xã Đông Thanh (1 cây cầu). Ngoài ra, tại xã Mê Linh, mưa lớn làm sạt lở một phần mương bê tông thoát nước dọc trên tuyến đường liên xã đi thôn Hang Hớt. Sạt lở đất mố cầu bắc qua suối Cam Ly Thượng tại Thôn 5, sạt lở khoảng 200 m bờ taluy đường bê tông Thôn 3 và làm sạt lở một phần mố cầu thôn Đông Hà, xã Đông Thanh.
Đồng chí Đinh Đức Chí thông tin, UBND huyện Lâm Hà trong ngày 5/7 đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, UBND các xã, thị trấn và một số nhà máy thủy điện thực hiện ngay các nội dung liên quan việc phòng, chống sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, Nhà nước trước, trong mùa mưa lũ trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng thành lập các đoàn công tác, tổ chức kiểm tra các công trình xây dựng gần khu vực có mái dốc ta luy lớn, khu vực dân cư ven sông, suối, sườn dốc để kịp thời phát hiện, chỉ đạo thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tải sản của Nhà nước và Nhân dân tại các vị trí có nguy cơ xảy ra sạt trượt.
Trong khi đó, tại địa bàn huyện Lạc Dương, địa phương có nhiều diện tích thuộc địa hình đồi núi, độ dốc lớn, nhiều khu vực kết cấu địa chất không ổn định gây nguy cơ sạt lở đất và ảnh hưởng lớn đến an toàn công trình, tài sản và tính mạng người dân, đồng chí Lê Chí Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin, địa phương đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp nhằm ứng phó, phòng ngừa với thực trạng nêu trên. Trong đó, đáng chú ý địa phương đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công các công trình khu vực có nguy cơ sạt trượt đất phải khẩn trương tạm dừng thi công để đánh giá mức độ an toàn kết cấu công trình để đưa ra biện pháp thi công đảm bảo trước khi tiếp tục. Đồng thời, tuyệt đối không bố trí lán trại, công trình tạm phục vụ thi công tại các điểm, khu vực có độ dốc lớn, nguy cơ sạt trượt đất để đảm bảo an toàn cho người, tài sản thi công công trình và khu vực xung quanh.
Ngoài ra, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đã tham mưu cho UBND huyện ngừng cấp phép đối với các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, dự án đầu tư tại các khu vực có mái taluy âm/dương cao, độ dốc lớn có nguy cơ mất an toàn để đánh giá, đưa ra các giải pháp thiết kế, thi công đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình tại khu vực này.
Theo ghi nhận, tình trạng sạt trượt đất, ta luy nghiêm trọng nhất trước mùa mưa bão xảy ra trên địa bàn TP Đà Lạt. Từ tháng 5/2023 đến nay, nhiều địa điểm xảy ra sạt lở đất, bờ ta luy ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của hàng chục hộ dân. Đặc biệt là vụ sạt trượt ta luy ngày 29/6 tại hẻm 15/2 đường Yên Thế (Phường 10) kéo theo lượng lớn đất đá đổ xuống hẻm 36, đường Hoàng Hoa Thám làm 2 người dân tử vong, 5 người khác bị thương, nhiều căn nhà đổ sụp hoặc hư hỏng nặng.
UBND TP Đà Lạt đã ban hành văn bản, lãnh đạo thành phố thường xuyên trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, giám sát việc đình chỉ xây dựng toàn bộ các công trình tại khu vực sạt trượt thuộc hẻm Hoàng Hoa Thám và các công trình đã cấp phép xây dựng trên địa bàn có độ dốc lớn, độ chênh ta-luy âm và dương lớn, có nguy cơ sạt trượt trong mùa mưa để chỉ đạo các đơn vị rà soát, đánh giá, quan trắc mức độ an toàn, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại, rủi ro có thể xảy ra.
Hiện nay, thành phố đang tiếp tục rà soát tất cả các công trình, dự án đang trong quá trình thi công và các khu dân cư đang sinh sống tại những khu vực có nguy cơ cao như: đồi dốc, taluy cao, khu vực trũng thấp, các khu vực ven sông, suối,... Đặc biệt là việc thi công các công trình, nhà ở đang thi công phần móng, bạt mái taluy, san gạt, cải tạo đất có nguy cơ sạt trượt; đang thi công tại các vị trí sườn dốc, mái taluy đào lớn, đắp cao, kè chắn, móng cọc,... để có phương án đảm bảo an toàn ổn định công trình và những công trình lân cận, đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường thi công đảm bảo đúng giấy phép xây dựng, bản vẽ thiết kế được duyệt;…
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, những tháng đầu năm 2023, địa phương xảy ra ít nhất 8 đợt mưa lớn, 3 vụ sạt lở đất. Trong đó, riêng tại TP Đà Lạt đã có 3 trận mưa lớn và 2 vụ sạt lở đất lớn; TP Bảo Lộc có 2 trận mưa lớn và 1 vụ sạt lở đất lớn. Mưa lớn, sạt lở đất làm 5 người chết, 4 người bị thương, sập nhiều căn nhà và ngập cục bộ nhiều vị trí, ảnh hưởng đến tài sản, đời sống của người dân.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lớn và phần lớn các địa phương trong tỉnh có địa hình đồi núi, độ dốc lớn, nhiều khu vực kết cấu địa chất không ổn định gây nguy cơ sạt lở đất, và ảnh hưởng lớn đến an toàn công trình, tài sản và tính mạng người dân, và thực tế trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số trường hợp thương vong do sạt trượt mái taluy, sạt trượt đất, gây mất an toàn lao động, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình, dự án trong thời gian qua.
Trước tình hình đó, để kịp thời chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó hiệu quả tình hình thiên tai gây nguy cơ sạt lở đất, lũ quét và đảm bảo an toàn lao động, tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát tất cả các công trình, dự án đang trong quá trình thi công và các khu vực dân cư sinh sống tại các khu vực đồi dốc, taluy có nguy cơ sạt lở cao, vùng trũng thấp, đặc biệt là các công trình đang thi công phần móng, mái bạt taluy có nguy cơ sạt trượt, mất an toàn trong thi công trước và trong mùa mưa bão. Trên cơ sở đó, yêu cầu các cơ quan, chủ đầu tư, đơn vị thi công thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bản an toàn lao động, thực hiện biện pháp cảnh báo, có phương án di dời dân ra khỏi khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất khi cần thiết.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin