Thời gian qua, Thư viện cộng đồng của Tổ dân phố Đa Thiện 1 (Phường 8, TP Đà Lạt) đã trở thành điểm sinh hoạt bổ ích của học sinh và người dân trên địa bàn, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng và xây dựng xã hội học tập. Điều đặc biệt, từ sự nặng lòng của một cá nhân với văn hóa đọc, thư viện đã được hình thành và dần phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn và ý nghĩa, được đánh giá cao tại Đà Lạt...
Không chỉ học sinh mà nhiều người dân, cán bộ hưu trí đến đọc sách, báo tại Thư viện Đa Thiện |
Nằm ở hội trường khu dân cư Đa Thiện 1, 2, Thư viện cộng đồng là điểm đến của Ngọc Hà và các bạn vào sáng thứ 7, Chủ nhật hàng tuần. “Em cùng các bạn đến đây để tìm đọc những cuốn truyện thiếu nhi. Ở đây, chúng em được đọc miễn phí, nếu muốn mượn về nhà, các cô cũng cho. Trong dịp hè này, thư viện còn mở thêm vào chiều thứ 5 nên chúng em có nhiều thời gian để đến đọc sách hơn. Em rất thích đến đây vì không gian yên tĩnh, có chỗ ngồi đọc thoáng mát, chúng em được đọc nhiều sách hay”, Ngọc Hà chia sẻ.
Không chỉ là điểm đến của các em học sinh mà nhiều người dân hay cán bộ hưu trí trên địa bàn tổ dân phố Đa Thiện 1, 2 cũng thường xuyên đến để đọc sách, báo hay tham dự các buổi sinh hoạt chuyên đề do Thư viện cộng đồng phối hợp với các hội, đoàn thể của tổ dân phố tổ chức. Bà Nguyễn Thị Đào - Chủ nhiệm Thư viện Đa Thiện cũng là người tạo lập nên nơi sinh hoạt lành mạnh, bổ ích này. Là Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học tổ dân phố Đa Thiện 1, bà Đào đã mượn nhà kho của hội trường khu dân cư Đa Thiện 1, 2 để tu sửa, cải tạo lại thành thư viện cộng đồng. Với số tiền hơn 200 triệu đồng do chính gia đình bà Đào tự bỏ ra để xây dựng, thư viện hình thành với đầy đủ các trang thiết bị như kệ sách, trên 1.000 đầu sách ban đầu, bàn ghế phục vụ việc ngồi đọc sách, máy tính nhập dữ liệu sách... “Thấy các em học sinh trên địa bàn ít dành thời gian đọc sách, tôi mong muốn các con có thói quen đọc cũng như có nơi để trao đổi những cuốn sách hay nên đã xin tổ dân phố cho mượn nhà kho và làm nên thư viện cộng đồng. Đây cũng là nơi để bà con trong khu vực đến tìm đọc những cuốn sách về khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất hay đời sống”, bà Đào cho biết.
Từ hơn 1.000 đầu sách ban đầu do bà Đào tự trang bị, thấy được ý nghĩa cũng như hiệu quả của Thư viện Đa Thiện trong phát triển văn hóa đọc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân đã đóng góp, mua tặng thêm nhiều loại sách. Đến nay, Thư viện Đa Thiện đã có trên 2.000 đầu sách, tạp chí gồm nhiều thể loại như khoa học, kỹ thuật, văn học, kiến thức phổ thông về giáo dục, y tế, sức khỏe, dinh dưỡng, sách giáo khoa các bậc phổ thông, truyện thiếu nhi…
Thư viện cũng đã có Ban chủ nhiệm và hoạt động tương đối chuyên nghiệp. Không chỉ phục vụ bạn đọc tại chỗ, thư viện còn cho mượn sách, báo về nhà hoàn toàn miễn phí. Từ khi hoạt động đến nay, Thư viện Đa Thiện đã thu hút hàng ngàn lượt người đến đọc sách, báo, tạp chí. Bằng hình thức trực tiếp tại thư viện hay qua facebook Thư viện Đa Thiện đã thường xuyên giới thiệu những cuốn sách mới, sách hay cho học sinh và người dân tìm đọc, qua đó tạo thói quen đọc sách và góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Cùng với đó, Thư viện Đa Thiện còn phối hợp với các hội, đoàn thể như Phụ nữ, Khuyến học, người cao tuổi, Chữ thập đỏ, Nông dân... của tổ dân phố tổ chức nhiều sinh hoạt chuyên đề, trong đó tổng hợp các sách chuyên môn cùng với báo Đảng Trung ương và địa phương để vừa cung cấp thông tin khoa học vừa định hướng thông tin chính thống, phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định địa phương. Trong các buổi sinh hoạt đã giới thiệu những tấm gương vượt khó, học tập tốt là con em từ các gia đình ở địa phương; trao đổi với phụ huynh và con em về phương pháp tự học, phương pháp đọc sách hay... Với chuyên đề y tế, dinh dưỡng, sức khỏe..., Ban Chủ nhiệm Thư viện phối hợp mời bác sĩ về nói chuyện, trao đổi với bà con và giới thiệu sách cần đọc, tuyên truyền giữ gìn sức khỏe, phòng, chống bệnh tật, vận động bà con tập thể dục thường xuyên, luyện tập dưỡng sinh hàng ngày... Qua đó, tuyên truyền lối sống lành mạnh, đoàn kết thân thiện, tình làng nghĩa xóm, tạo nên tính gắn kết cộng đồng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa và chung tay xây dựng đô thị văn minh.
“Thông qua các hoạt động, Thư viện Đa Thiện đã góp phần tuyên truyền, vận động người dân ở mọi lứa tuổi tích cực đọc sách, nâng cao hiểu biết, vận dụng tốt vào học tập, làm việc, nâng cao tri thức, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào lao động sản xuất, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt cộng đồng... Đây là điểm sinh hoạt cộng đồng lành mạnh, bổ ích, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong thế hệ trẻ”, bà Lê Thị Hồng - Trưởng Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố Đa Thiện 1 cho hay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin