Nâng cao vai trò giám sát của Nhân dân trong Chương trình Phát triển KT - XH vùng Tây Nguyên

NGUYỆT THU 06:03, 07/07/2023

Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đến năm 2025 theo Nghị quyết 88, Nghị quyết 120 của Quốc hội; Mặt trận các cấp có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên phát huy quyền làm chủ của mình thông qua công tác giám sát thực hiện chương trình, dự án. Nội dung này được thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Việc Nhà nước đầu tư gần 138 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đã thể hiện tính ưu việt và chính sách nhân văn cao cả của Đảng, Nhà nước ta đối với đồng bào Tây Nguyên. 
Quốc hội đã ban hành nghị quyết, Chính phủ đã ban hành quyết định thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”, “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới”, “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2021 - 2025 trên cơ sở lồng ghép 3 chương trình trên phạm vi cả nước nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng.

Cụ thể, Nhà nước đã có chính sách đầu tư cho 521 xã trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, tập trung đầu tư tại 417 thôn, làng đặc biệt khó khăn của 5 tỉnh Tây Nguyên. 

Tại Lâm Đồng đầu tư phát triển cho 77 xã, trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư cho 49 thôn đặc biệt khó khăn của 26 xã, phường thuộc các huyện: Đức Trọng, Bảo Lâm, Di Linh, Lạc Dương, Đơn Dương, Đam Rông và Lâm Hà. 

Tỉnh Kon Tum đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho 41 thôn đặc biệt khó khăn của 20 xã, phường thuộc 7 huyện, thành phố. Tỉnh Gia Lai đầu tư phát triển KT - XH cho 203 thôn, làng đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh. Tỉnh Đắk Lắk đầu tư cho 84 thôn đặc biệt khó khăn của 39 xã, phường thuộc 12 huyện. Tỉnh Đắk Nông đầu tư phát triển cho 40 thôn đặc biệt khó khăn tại 25 xã, phường của 6 huyện .

Thạc sỹ Nguyễn Mạnh Quang - Phó Trưởng Ban Dân tộc cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: Đây là chính sách ưu việt của Nhà nước ta, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Vì thế để Nhân dân thụ hưởng các chính sách tốt nhất, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào các DTTS vùng Tây Nguyên, chúng ta cần phát huy cao nhất vai trò của Mặt trận, đoàn thể, cán bộ mặt trận, đoàn thể trong tuyên truyền, nêu cao giám sát của Nhân dân. Trong đó, cần chú trọng vai trò của thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Điều này đã được luật hóa trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Thanh tra, Luật Đầu tư công nhằm thể chế hóa Pháp lệnh 2013 và các quy định về hoạt động giám sát của Mặt trận các cấp. Mặt trận cơ sở, cán bộ mặt trận cơ sở cần tập trung nghiên cứu, xem xét các văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tổ chức đoàn giám sát…

Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp cần phối hợp hiệu quả công tác giám sát với HĐND các cấp trên cơ sở giám sát quyền lực Nhà nước và giám sát của Nhân dân đối với các nghị quyết HĐND, giám sát thực hiện kế hoạch của UBND các cấp đối với việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương. Cần lựa chọn nội dung giám sát trúng, đúng những vấn đề mà xã hội và Nhân dân quan tâm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi Nhân dân. Cần động viên Nhân dân, cử tri dám nói thẳng, nói thật, nói lên chính kiến của mình hướng đến giải quyết kịp thời các bức xúc của Nhân dân.

Tổ chức đối thoại để làm rõ những kiến nghị sau giám sát khi cần thiết theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát. Từ đó kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết các vấn đề nhằm bảo vệ quyền và lợi chính đáng của Nhân dân. Đề nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát. Thực hiện nghiêm quy chế tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu; quy chế tiếp thu và trả lời sau giám sát đối với ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội…

Căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, việc triển khai các chương trình, dự án đầu tư cho vùng đồng bào DTTS; Mặt trận phát huy vai trò giám sát, phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong giám sát và thụ hưởng chính sách. Ví dụ, mức đầu tư công trình có tổng kinh phí bao nhiêu và các quy định về mời thầu đã đúng quy định chưa? Trách nhiệm của người có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, dự án, các chế độ công khai dự án, thông tin, tài liệu cho Nhân dân biết, lấy ý kiến Nhân dân theo quy định… Đơn vị thi công có thực hiện các bước đúng quy trình và chất lượng công trình ra sao…, Nhân dân đều có quyền giám sát nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân.