Ngăn chặn hiểm họa đuối nước ở trẻ em

QUỲNH UYỂN 03:34, 17/07/2023

Tai nạn đuối nước ở trẻ em đã trở thành nỗi ám ảnh khi hè đến, nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra vừa qua trên địa bàn tỉnh.

Dạy bơi an toàn cho trẻ em là trách nhiệm của gia đình và xã hội. (Ảnh chụp tại hồ bơi My Garden - thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà)
Dạy bơi an toàn cho trẻ em là trách nhiệm của gia đình và xã hội. (Ảnh chụp tại hồ bơi My Garden - thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà)

HIỂM HỌA TỪ AO, HỒ, SÔNG, SUỐI

Vụ đuối nước ám ảnh nhất gần đây khiến 3 người trong 1 gia đình chết đuối tại hồ chứa nước Bê Đê, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên xảy ra vào chiều 22/6. Thấy con trai 10 tuổi rớt xuống hồ, người mẹ và người anh họ nhảy xuống cứu và đều bị nước hồ sâu từ 5 - 15 m nhấn chìm. 

Trước đó vào trưa 11/6, nhóm học sinh lớp 2 xã Lộc Lâm, Bảo Lâm rủ nhau vào suối dưới chân thác 3 tầng thuộc Thôn 3 chơi và xuống suối tắm; không may 2 em (cùng 7 tuổi) bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi, nhấn chìm. Sau hơn 1 giờ đồng hồ tìm kiếm, người dân địa phương đã tìm thấy thi thể 2 cháu bé ở phía hạ nguồn. 

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ đuối nước, làm chết 10 người. Đa số các nạn nhân là trẻ em, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, trước tai nạn thương tâm đã đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, cấp bách đối với công tác phòng, chống đuối nước. 

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, từ năm 2021 đến nay, công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ được đẩy mạnh. Chương trình Bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được triển khai thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở với nhiều đợt phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức loa phát thanh, xe cổ động, tuyên truyền trực quan sinh động với 3 cụm pano lớn tại huyện Đam Rông, Đạ Tẻh, Cát Tiên; thay mới 8 pano, trên 1.000 băng rôn, 120.000 tờ rơi về phòng, chống tai nạn đuối nước tại các trường học trên địa bàn tỉnh. 

Hàng năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức các lớp tập huấn, bơi an toàn cho 450 học viên là đoàn viên, thanh niên, cán bộ, viên chức, giáo viên giáo dục thể chất, hướng dẫn viên, lực lượng cứu hộ, người lao động. Trong năm 2022 - 2023, ngành đã tổ chức và phối hợp tổ chức 3 giải bơi thiếu niên, học sinh trên địa bàn tỉnh, thu hút trên 300 vận động viên tham gia; các ngành, huyện, thành phố tổ chức trên 10 giải bơi, cứu đuối.

Bên cạnh đó, ngành đã đặc biệt chú trọng dạy bơi cho trẻ em. Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn, phối hợp cùng các huyện, thành tổ chức trên 200 lớp bơi cho trẻ em vào dịp hè cho hơn 4.000 học sinh. Tổ chức lớp tập huấn kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trên 1.000 học viên. 

Hiện nay, Lâm Đồng mới có khoảng 30% trẻ em/tổng số trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh biết bơi, đây là con số rất khiêm tốn so với mặt bằng chung của cả nước; nhất là đối với một tỉnh canh tác nông nghiệp, có mật độ sông, suối, ao, hồ dày đặc.

NHIỀU BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN HIỂM HỌA ĐUỐI NƯỚC 

Để hạn chế tình trạng đuối nước cho trẻ em, theo ông Nguyễn Tiến Hải - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, trong thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho trẻ em, gia đình, trường học, cộng đồng; phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em cho học sinh, giáo viên và các bậc phụ huynh học sinh. Tuyên truyền, vận động các gia đình quan tâm, giám sát con, em mình phòng, chống tai nạn đuối nước, đặc biệt, trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa bão và các đợt thiên tai.

Ngành tiếp tục cung cấp tài liệu chuyên môn về các kỹ thuật bơi cơ bản, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em cho các địa phương, trường học. Thường xuyên cảnh báo về phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích trẻ em.

Xây dựng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, huấn luyện viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên về phòng, chống tại nạn thương tích và đuối nước trẻ em. Tổ chức nhiều giải thi bơi thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh và hướng dẫn các huyện, thành phố tổ chức các giải bơi cho thiếu niên, học sinh; thành lập và cử đội tuyển tỉnh các giải bơi quốc gia, khu vực. Tổ chức hội thi cứu đuối cho đội ngũ công chức, viên chức, huấn luyện viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên, lực lượng cứu hộ, cứu nạn.

Phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện thí điểm phổ cập bơi cho trẻ em; xây dựng mô hình trẻ em toàn xã biết bơi, học sinh toàn trường biết bơi. Tổ chức các giải bơi, thi tuyên truyền viên, tìm hiểu về những kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh, nhằm khuyến khích, động viên phong trào tập luyện bơi trong toàn tỉnh.

Vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn, trường học để tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học bơi và tập luyện bơi. Có chế độ miễn giảm tiền thuê bể bơi, tiền học phí cho trẻ em, và tạo điều kiện cho các trường học thực hiện chương trình dạy bơi cho học sinh.

Tỉnh cần có chính sách hỗ trợ các ngành, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn bơi trong việc đầu tư xây dựng hồ bơi. Tiến tới nên đưa bộ môn bơi vào các trường tiểu học, THCS là môn học bắt buộc trong giáo dục thể chất để học sinh được tiếp cận với bộ môn bơi, từ đó giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ, vì tai nạn đuối nước chủ yếu là trẻ em.