Sạt lở taluy - hiểm họa khó lường

VÕ TRANG - NGUYỄN NGHĨA 05:17, 28/07/2023

Những vụ sạt lở taluy ở TP Đà Lạt, đặc biệt là ở khu vực có đông dân cư sinh sống trong những năm qua không còn là hiện tượng lạ hay khó lý giải. Thế nhưng, làm gì để phòng tránh vẫn đang là vấn đề còn bỏ ngỏ và chưa có giải pháp triệt để. UBND tỉnh và UBND TP Đà Lạt gần đây đã tập trung tìm kiếm giải pháp căn cơ, mang tính bền vững dựa trên nền tảng địa hình, địa chất, tập quán sinh sống của cư dân thành phố…

Sạt lở taluy vùi lấp nhà dân ở Phường 3, TP Đà Lạt
Sạt lở taluy vùi lấp nhà dân ở Phường 3, TP Đà Lạt

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn, năm 2023 là một năm có diễn biến thời tiết khá cực đoan. Và không cần những phân tích khoa học của các chuyên gia, trong những tháng mùa mưa này, cư dân thành phố đều có thể nhận thấy những diễn biến thời tiết rất khó lường, không theo quy luật các năm trước xảy ra trên địa bàn thành phố. Trước những diễn biến cực đoan của thời tiết, mặc dù UBND tỉnh đã có những lường trước và chỉ đạo quyết liệt cho các địa phương, các sở, ngành trong việc phòng, chống thiên tai, tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn, nhưng có thể thấy rằng những thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại do sạt lở đất, taluy trên địa bàn TP Đà Lạt khá phức tạp. 

ẨN HỌA ĐƯỢC BÁO TRƯỚC

Từ lâu, đặc trưng thời tiết, khí hậu của Đà Lạt đa phần người dân đã nắm rất rõ. Đà Lạt có hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa kéo dài 8 tháng, trùng với mùa gió mùa Tây Nam bắt đầu từ đầu tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 10. Trong mùa mưa, từ tháng 4 trở đi là khối không khí xích đạo từ phía Nam tràn lên phía Bắc, khống chế bán đảo Đông Dương. Gió mùa Tây Nam được thiết lập, phát huy ảnh hưởng tạo cho Đà Lạt nguồn ẩm chủ yếu, gây ra những trận mưa lớn và những đợt mưa dài ngày. Trong mùa này, thời tiết Đà Lạt rất xấu, trời nhiều mây và liên tục có mưa, độ ẩm không khí cao.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng từ đầu mùa mưa cũng liên tục phát đi những cảnh báo về những cơn mưa lớn, kèm theo lốc, mưa đá, gió giật mạnh, có thể làm gãy đổ cây, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông cơ sở hạ tầng, có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng thấp đô thị, ven sông, suối, sạt lở đất ở khu vực có địa hình dốc nền địa chất yếu. Trong đó, có đợt mưa có lưu lượng lên đến 70 mm/24h, thậm chí có đợt lên đến trên 100 mm/24h. Tuy nhiên, theo thống kê, lượng mưa lớn nhất vào thời điểm cao điểm mùa mưa (khoảng tháng 7 và tháng 8) có năm đo được lên đến mức trên 140 mm/24 giờ. Và số ngày mưa trung bình một năm ở Đà Lạt là rất lớn, khoảng gần 200 ngày có mưa. Ghi nhận có năm có tổng số ngày có mưa lên đến 206 ngày.

Thêm vào đó, theo địa chí Đà Lạt, thì địa chất công trình của thành phố được chia thành 3 nhóm: Nhóm vùng bóc mòn - xâm thực bình sơn và cao nguyên (đặc trưng là vùng bình sơn nguyên Đà Lạt); nhóm vùng xâm thực bào mòn núi thấp xen đồi; và nhóm vùng kiến tạo - xâm thực núi trung bình. Trong đó, nhóm địa chất thuộc vùng kiến tạo - xâm thực núi trung bình (phân bố ở khu vực núi cao trung bình phía Bắc, sườn phía Đông Đà Lạt và khu vực đèo Prenn), vùng địa chất này được phân tích là không thích hợp cho xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, đường dây tải điện, đường ống. Ở vùng địa chất này, trong địa chí Lâm Đồng khuyến cáo chỉ có thể xây dựng đường giao thông, các công trình thủy lợi loại nhỏ đến trung bình…

Và thực tế, nhiều năm qua, sau những trận mưa lớn hoặc sau thời gian mưa liên tục, ở những khu vực núi cao trung bình phía Bắc, sườn phía Đông Đà Lạt và khu vực đèo Prenn của thành phố luôn xảy ra những sự cố như cây đổ, sạt lở đất, sập nhà, sập taluy… Hiện tượng sạt lở đất thậm chí những năm gần đây cho thấy dấu hiệu thiệt hại về người và tài sản ngày càng nghiêm trọng hơn và nếu thống kê số vụ, có thể thấy những ghi chú về địa chất không phải là không có cơ sở. 

Cụ thể, chỉ trong vài tháng mùa mưa của năm 2023 này, do những diễn biến tiêu cực của thời tiết cực đoan, lưu lượng mưa quá lớn trên địa bàn, mặc dù UBND tỉnh và UBND TP Đà Lạt đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra, rà soát, phòng tránh sạt trượt đất, taluy thế nhưng, đã xảy ra nhiều vụ sạt lở gây những hậu quả nghiêm trọng. 

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong trong 6 tháng đầu năm 2023, đã xảy ra nhiều vụ sạt lở đất, taluy làm 5 người thiệt mạng và làm nhiều người bị thương, thiệt hại nhiều tài sản...

Cũng theo thống kê, tại Đà Lạt vẫn còn rất nhiều điểm có nguy cơ sạt lở, trong đó có nhiều nơi đang có rất đông dân cư sinh sống, cả trên và phía dưới các bờ taluy thẳng đứng. Trong số này, đáng lưu ý là các vụ sạt lở xảy ra tại khu vực có địa chất yếu, như: khu vực Hoàng Hoa Thám, Khe Sanh, Đặng Thái Thân, Đống Đa, khu vực hồ Tuyền Lâm khiến nhiều hộ dân đang phải di tản, đến nay vẫn chưa thể trở về nhà.

• CẦN GIẢI PHÁP CĂN CƠ, TOÀN DIỆN

Đà Lạt là thành phố có địa hình đồi núi, hầu hết người dân đều phải san gạt đất, bồi đắp đất ở khu vực đồi cao và vùng trũng, xây kè taluy để làm mặt bằng xây dựng nhà ở. Trong đó, phải nhắm đến tình trạng hạ tầng đất, bồi đắp đất rất tùy ý của các tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng mà thiếu sự quản lý chặt chẽ, hay thiếu cả những quy định chặt chẽ về địa hình theo từng vùng của chính quyền địa phương. Hầu hết các vùng dân cư của Đà Lạt đã có từ rất lâu nhưng mật độ xây dựng trước đây thưa thớt và hầu hết chỉ là những ngôi nhà nhỏ. Nay do giá trị sinh lợi của đất ngày càng tăng cao, dân cư cũng đông đúc hơn, nhiều gia đình có nhu cầu xây nhà ở lớn hơn nên đã xảy ra rất nhiều phát sinh. 

Thực tế, có rất nhiều căn nhà, mảnh đất do người dân mua đất lấp mặt bằng theo ý thích không đảm bảo kỹ thuật cho cả căn nhà của họ lẫn khu vực hàng xóm cạnh bên nên xuất hiện mái taluy tùy tiện, nhiều nơi mái taluy rất cao, dựng đứng trong khi đó đặc biệt là không mấy quan tâm đến hệ thống thoát nước nên rất dễ xảy ra sạt lở khi mưa lớn mặc dù những quy định về quản lý cũng đều đã có nhưng thực tế vẫn chưa thật sự hợp lý do cấu tạo địa chất mỗi vùng ở TP Đà Lạt hiện nay khác nhau.

Trao đổi với phóng viên về giải pháp nào để có thể khắc phục tình trạng này ở Đà Lạt, kiến trúc sư Trần Đức Lộc - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ: Trong giai đoạn hiện nay, cần những giải pháp trước mắt cấp thiết và lâu dài mà trong đó, trọng tâm của vấn đề phòng tránh sạt lở về lâu dài và mang tính bền vững là đi kèm với các quy hoạch phân khu đã được duyệt, cần sớm triển khai phủ kín các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế đô thị - tỷ lệ 1/500. Từ đó, tùy theo từng vùng, Nhà nước có giải pháp đầu tư san lấp địa hình, xây kè chắn, cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại khu vực hình thành khu dân cư mới đã được xác định trong đồ án quy hoạch phân khu - tỷ lệ 1/2.000 đã được duyệt. 

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch tỉnh, thì chỉ khi có quy hoạch chi tiết, mới có cơ sở thực tế để có thể quản lý tốt, từ đó mới giải quyết được bài toán cấp phép các hồ sơ về đất đai và xây dựng trong từng khu vực một cách thấu tình đạt lý, khoa học. 

Thực tế, trước những vấn đề hiện nay, chính quyền tỉnh và thành phố đã và đang có những biện pháp quyết liệt, đồng bộ từ các ngành chức năng. UBND TP Đà Lạt cũng thể hiện quyết tâm khá lớn trong việc tìm giải pháp căn cơ để phòng tránh các vụ việc đáng tiếc tương tự như thời gian qua đã xảy ra trên địa bàn. Và, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND TP Đà Lạt đã mời các chuyên gia, các nhà địa chất nhiều kinh nghiệm đến khảo sát, đo đạc, hỗ trợ và tham vấn giải pháp.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết: Thực hiện kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch; trong đó, có xây dựng bản đồ Atlat để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để cụ thể hơn đối với địa bàn Đà Lạt, phía Sở Xây dựng đồng tình rất cao với những ý kiến tham vấn của các chuyên gia địa chất Nhật Bản là lập bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất ở một số vùng, vì có bản đồ này, sẽ xác định được các khu vực có nguy cơ sạt lở và chúng ta sẽ tổ chức quan trắc thường xuyên, có kết quả quan trắc khu vực nào có nguy cơ thì sẽ chủ động đối phó, từ đó giảm được thiệt hại cho người dân.

Về giải pháp phòng tránh sạt lở, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc, cho biết: Sau những vụ việc xảy ra gần đây, tỉnh nhất định sẽ đưa ra những quy định riêng, khoa học, thực tế không chỉ về mặt kiến trúc xây dựng mà cả việc cấp phép xây dựng theo từng vùng địa hình, địa chất khác nhau. Và để đi đến quyết định mang tính chính xác, phù hợp thực tế địa phương và luật pháp, tỉnh sẽ tổ chức buổi hội thảo lớn, quy mô với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực liên quan để đi đến quyết định cuối.