Là đơn vị sử dụng gỗ để làm nguyên liệu sản xuất, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai chi nhánh Lâm Đồng luôn ý thức và nâng cao trách nhiệm trong trồng, chăm sóc rừng, bảo vệ, phát triển rừng. Ngoài lực lượng quản lý rừng trực thuộc doanh nghiệp, công ty đã ký thỏa thuận hợp tác với 174 hộ dân tại các địa phương nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm nâng cao chất lượng bảo vệ rừng, đảm bảo nguồn cung bền vững cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Công nhân ươm giống tại khu vực Vườn ươm của công ty |
Những năm gần đây, công ty tập trung phát triển rừng theo hướng bền vững, cân bằng giữa các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội của các bên liên quan. Công ty hiện đang quản lý 10.958 ha rừng, phân bố trên địa bàn 6 huyện và thành phố với 52 xã nằm trên 125 tiểu khu. Trong đó, diện tích đất rừng được giao, thuê theo quyết định và cấp sổ đỏ là hơn 6.471 ha; diện tích đất đã trồng rừng đang lập thủ tục thuê đất và liên doanh liên kết là 4.496 ha. Với diện tích rừng khá rộng, trải dài ở nhiều địa bàn, công ty đặc biệt coi trọng công tác trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng dựa vào dân, các hộ nhận khoán.
Công tác QLBVR của đơn vị trong từng giai đoạn do tác động từ nhiều yếu tố nên diễn ra khá phức tạp, các đối tượng phá rừng thường rất liều lĩnh, chống đối lực lượng bảo vệ rừng khi bị phát hiện, đồng thời, dùng rất nhiều thủ đoạn tinh vi để phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Một số khu vực quản lý của đơn vị thuộc vùng xa, vùng khó khăn nên việc bố trí lực lượng tại chỗ để trực, phát hiện vi phạm rất khó khăn, nhất là các đối tượng thường thực hiện hành vi vi phạm vào ban đêm. Để đối phó với tình hình phức tạp trên và quản lý tốt diện tích rừng, đất lâm nghiệp mà UBND tỉnh giao, đơn vị đã khoanh vùng, xác định điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp; phân công lực lượng lập chốt, trạm, tăng cường tuần tra, kiểm tra; phối hợp với ngành chức năng tổ chức tuần tra, kiểm tra QLBVR, giải tỏa thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Đình Kỳ - Trưởng Ban QLBVR nguyên liệu giấy huyện Đức Trọng thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai chi nhánh Lâm Đồng cho biết: Công ty hiện có 54 cán bộ, công nhân viên làm việc tại 2 phòng chuyên môn và 5 Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy. Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đơn vị đã lập kế hoạch, phân công đến từng nhân viên, lực lượng chuyên trách thường xuyên tuần tra QLBVR; kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm chặt phá hay lấn chiếm, vận chuyển, khai thác rừng trái phép. Ngoài ra, công ty đã tiến hành giao khoán cho 174 hộ dân, trong đó có rất nhiều hộ dân là người đồng bào dân tộc địa phương sinh sống và canh tác nông nghiệp gần rừng để tham gia bảo vệ rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đây cũng là lực lượng tham gia khá hiệu quả vào công tác QLBVR cùng với công ty trong thời gian qua.
Không chỉ vậy, để nâng cao hiệu quả công tác QLBVR, lãnh đạo công ty cho biết thêm, doanh nghiệp còn phối hợp với một số đơn vị trên địa bàn, ký kết quy chế về bảo vệ rừng, triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, tổ chức tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng. Công ty tổ chức ký cam kết không phá rừng, lấn chiếm đất rừng với các hộ dân có vườn rẫy tiếp giáp với rừng của công ty, cùng đó phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tuần tra, QLBVR.
Sự nghiệp trồng rừng nguyên liệu giấy, chăm sóc, QLBVR của công ty trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng những năm qua tuy không ít gian nan, nhưng cũng phải ghi nhận rằng đã in đậm dấu ấn của những thành quả quản lý, trồng và chăm sóc rừng. Những kết quả đạt được đã phần nào minh chứng cho những nỗ lực của cán bộ, đảng viên, người lao động công ty suốt thời gian qua.
Tự hào giới thiệu về thành quả trồng rừng của công ty, ông Thủy Ngọc Phúc - Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai, Chi nhánh Lâm Đồng đã đưa chúng tôi lên thăm khu rừng thông ở khu vực Núi Voi, được trồng năm 2002. Địa hình dốc đứng, đất xen đá, nhưng với quyết tâm và tình yêu với rừng của những cán bộ, công nhân nhiều thế hệ của công ty, cánh rừng thông hiện đang phát triển đều đẹp với những dải rừng thông cao lớn xanh ngút mắt. Được biết, đây cũng chỉ là một trong những cánh rừng trải khắp 6 huyện, thành phố của công ty trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng. Ông Phúc cũng cho biết, đối với một số cánh rừng trồng, từ lâu, công ty không tổ chức khai thác trắng mà chỉ cắt tỉa và tiếp tục chăm sóc.
Đi giữa cánh rừng xanh ngút ngàn, đẹp mắt; ánh mắt của người đứng đầu công ty không dấu được niềm vui khi giới thiệu về thành quả của sự nghiệp trồng rừng ở ngay gần khu vực đã từng là căn cứ cách mạng Núi Voi. Cũng cần nói thêm rằng, khu vực này vốn là nơi sinh sống của bà con dân tộc thiểu số K’Ho nay đã sống định canh định cư ổn định cuộc sống, trong đó một số bà con còn tham gia vào việc quản lý, bảo vệ và trồng rừng. Niềm vui, tự hào của vị lãnh đạo công ty cũng đang được lan tỏa đến các cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn công ty, tạo cho môi trường làm việc ở một nơi heo hút, xa thành phố này một không khí đầm ấm, sẻ chia.
Ông Phúc cũng tự hào cho biết: Năm 2022, công ty cũng đã tổ chức trồng được trên 41 ha rừng. Bên cạnh đó triển khai thực hiện Đề án 1836 và Kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh của UBND tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025, công ty đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, các Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy trực thuộc chuẩn bị đầy đủ cây giống để thực hiện công tác trồng rừng ngay vào đầu mùa mưa. Và trong 6 tháng đầu năm 2023 này, công ty đã triển khai trồng hơn 27 ha.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin