Cần bàn giao các công trình nước sinh hoạt nông thôn về cấp huyện quản lý

VIẾT TRỌNG 00:26, 16/08/2023

Thống kê cho biết, số hộ dân sử dụng nước từ 277 công trình nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên khoảng 18.190 hộ trong tổng số 28.727 hộ dân theo thiết kế, đạt tỷ lệ 63,32%. Có thể thấy, số hộ dân sử dụng nước từ các công trình này là chưa cao, hiệu quả sử dụng và mức độ bền vững của các công trình chưa đạt.

Cấp nước về vùng nông thôn của Công ty Cổ phần Cấp nước và Xây dựng Di Linh
Cấp nước về vùng nông thôn của Công ty Cổ phần Cấp nước và Xây dựng Di Linh

Theo ngành chức năng, toàn tỉnh hiện nay có 277 công trình nước sinh hoạt nông thôn. Điểm đáng chú ý, trong số này, các công trình còn phát huy hiệu quả chỉ có 98 trong tổng số 277, đạt tỷ lệ 35,38%, trong đó có 66 giếng khoan và 32 công trình cấp nước tự chảy. 98 công trình đang hoạt động này được đánh giá ở cấp độ bền vững hoặc tương đối bền vững. 

Còn 179 công trình (chiếm tỷ lệ 64,62%) hư hỏng, không vận hành được, hoặc hiệu quả sử dụng thấp; trong đó có 104 công trình đã bị hư hỏng hoàn toàn, không hoạt động (gồm 87 giếng khoan,17 công trình nước tự chảy) và 75 công trình hiệu quả sử dụng thấp (63 giếng khoan, 12 công trình nước tự chảy). Hiện trong 179 công trình này đã có 69 công trình được sửa chữa, nâng cấp; còn lại 86 công trình chưa được sửa chữa.

Nguyên nhân của những tồn tại trong công tác đầu tư, quản lý và vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh lâu nay không ít lần đã được chỉ ra. Hầu hết các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trong tỉnh được xây dựng đã lâu, việc đầu tư thiếu đồng bộ, nhiều công trình không có thiết bị xử lý nước hoặc thiết bị xử lý theo dạng cổ điển, qua thời gian sử dụng đến nay nhiều công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp, ngưng hoạt động nhưng do nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng còn hạn chế nên các công trình chưa được sửa chữa nâng cấp kịp thời, dẫn đến phải ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, kém bền vững.

Cùng đó, đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý vận hành hệ thống này phần lớn chỉ qua các lớp tập huấn ngắn hạn, chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn kỹ thuật; chế độ làm việc là kiêm nhiệm nên hiệu quả quản lý vận hành không cao. Việc thu tiền sử dụng nước của các hộ dân gặp không ít khó khăn dẫn đến thu không đủ bù chi nên nguồn kinh phí để chi trả cho lực lượng trực tiếp làm công tác quản lý vận hành công trình cũng như kinh phí duy tu, sửa chữa các hư hỏng nhỏ còn rất hạn chế.

Và cũng do là một tỉnh miền núi, các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn Lâm Đồng hầu hết ở các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; việc bảo vệ các công trình cấp nước còn nhiều hạn chế. Để cấp nước tự chảy đến các hộ dân thường phải chọn đầu nguồn nước tại các vị trí cao, hiểm trở, đường ống dẫn nước dài, đi qua các vị trí có địa hình phức tạp. Nguồn nước do ô nhiễm nên cần phải có thiết bị xử lý nước đắt tiền, tất cả các nguyên nhân trên dẫn đến giá thành sửa chữa, xây dựng công trình cao trong khi nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước khá hạn chế.

Tuy nhiên, như ngành chức năng tỉnh nhấn mạnh, công tác quản lý tại một số địa phương vẫn chưa được quan tâm một cách đầy đủ, chưa chủ động bố trí nguồn kinh phí địa phương (từ nguồn ngân sách địa phương, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới được phân bổ hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác) để thực hiện công tác bảo trì, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung nông thôn.

Trong Thông báo số 86 ngày 22/4/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đã yêu cầu chuyển giao các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung tại các huyện về cho Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng - Công trình công cộng huyện thành thực hiện nhiệm vụ quản lý, vận hành, tuy nhiên, việc chuyển giao này còn rất chậm. Mặc dù, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng đã có nhiều văn bản đề nghị các địa phương thực hiện Thông báo số 86 của UBND tỉnh, tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn 144 công trình tại các huyện do cấp xã và phòng dân tộc quản lý, vận hành, chưa được tiến hành rà soát và bàn giao theo chỉ đạo của UBND tỉnh.