Đất đai sụt lún, sạt trượt, nhà cửa của người dân bị nứt toác

THỤY TRANG 00:24, 10/08/2023

Sự cố trên xảy ra tại khu vực công trình Dự án Hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà), làm một số nhà dân bị nứt toác và có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào…

Tình trạng sụn lún, sạt trượt đất làm nhà dân nứt toác
Tình trạng sụn lún, sạt trượt đất làm nhà dân nứt toác

Đã hơn một tháng qua, gia đình ông Nguyễn Văn Thắng (ngụ thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà) luôn trong tình trạng mất ăn, mất ngủ, thấp thỏm lo âu vì tính mạng bị đe dọa. Căn nhà bạc tỷ của gia đình vừa mới xây xong nhưng không thể vào ở vì tường, móng bị nứt toác; sân nhà bị sụt lún, nhà có thể sập đổ bất kể lúc nào. Ông Thắng cho rằng, nguyên nhân gây ra sự cố này là do quá trình thi công xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh, đơn vị thi công đã nổ mìn và múc đất quá sâu, gặp mưa đất sụp xuống. Lúc đầu mọi người phát hiện căn nhà ở đầu dốc bị ảnh hưởng, gia đình ông Thắng cứ tưởng nhà mình bị nhẹ nhưng cuối cùng lại ảnh hưởng nặng, đêm không thể ngủ được trong nhà, đã vậy mấy ngày qua trên địa bàn có mưa lớn kéo dài, nguy cơ sụt lún, sạt lở cao nên gia đình buộc phải di chuyển đến nơi khác ở tạm.

Tương tự, căn nhà của gia đình ông Đỗ Văn Tái trong khu vực cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng sụt lún, sạt trượt đất. Ông Tái cho hay, các vết nứt bắt đầu xuất hiện cùng thời điểm Dự án Hồ chứa nước Đông Thanh được khởi công, xây dựng vào năm 2022. Kể từ đó, tình trạng sạt trượt, sụt lún ngày càng lớn hơn. Hiện, gia đình ông không dám sinh hoạt trong căn nhà mà đến ở tạm tại nhà điều hành của Dự án Hồ chứa nước Đông Thanh cùng với một hộ dân khác. Một số hộ dân có nhà, vườn trong khu vực này cũng bị ảnh hưởng. Tường nhà, nền móng, sân, vườn đều bị nứt toác, sụt lún, sạt trượt nghiêm trọng. Tất cả đều nơm nớp lo sợ nhà ở bị sập, đe dọa tính mạng nên đã tìm nơi ở tạm để tránh trú. 

Chuyên gia phân tích bản đồ ghi nhận tình trạng sụt lún, sạt trượt đất cùng Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc
Chuyên gia phân tích bản đồ ghi nhận tình trạng sụt lún, sạt trượt đất cùng Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc

Theo báo cáo của UBND huyện Lâm Hà, tình trạng sụt lún, sạt trượt đất nghiêm trọng ở khu vực trên xảy ra từ đầu tháng 7/2023, tại khu vực sườn đồi vai phải của công trình đập, hồ Đông Thanh, nằm ngoài và sát với khu vực thi công gói thầu số 13, hồ chứa nước Đông Thanh. Vết nứt ban đầu rộng từ 20-30 cm ngang qua khu vực sản xuất và sinh sống của 3 hộ dân, sau đó phát triển rộng theo từng ngày và xảy ra tình trạng sụt lún, sạt trượt đất. Kết quả quan trắc đến ngày 28/7, xuất hiện thêm nhiều vết nứt mới rộng đến 50 cm trong khu vực gần kề với công trình hồ chứa nước. Vị trí sụt lún đất lớn nhất là 1,5 m. Tình trạng sụt lún gây nứt và xô nghiêng nhà của hộ gia đình ông Đỗ Văn Tái, gây nứt tường và hè nhà ông Đỗ Văn Đam; gây sạt lở mái taluy, sụt lún toàn bộ phần sân bê tông của gia đình nhà ông Nguyễn Văn Thắng.

Đến nay, đã có 9 hộ dân với trên 5,3 ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó 4 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp do các vết nứt lan rộng; 500 m đường giao thông tránh ngập có nguy cơ sụt lún, sạt trượt. Tình trạng sụt lún đất cũng tác động đến cụm công trình đầu mối của dự án. Theo quan trắc, phát hiện đáy dốc nước số 2 và 3 bị nứt 2 đường chân chim; đáy giao giữa dốc nước số 1 và số 2 và tường giao giữa dốc nước số 3 và số 4 bị nứt khe 1 cm. Tường trái đoạn dốc nước số 3 bị đẩy nổi hơn 7 cm, tường phải bể tiêu năng giáp đoạn nước rơi bị đẩy trồi tới 53 cm; đáy bể tiêu năng bên phải bị đẩy trồi 60 cm… 

Theo ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, hiện tình trạng sụt lún, sạt trượt đất trong khu vực đang được các đơn vị chức năng khẩn trương tìm kiếm giải pháp để khắc phục. Cũng theo ông Chí, khi phát hiện vết nứt lớn, có nguy cơ ảnh hưởng 4 hộ gia đình thì lãnh đạo huyện đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án vận động các hộ gia đình di chuyển đến nơi ở khác, an toàn. Tiến hành cắm biển báo, khắc phục tình trạng sạt trượt xuống đường đi. Đồng thời, phân công người trực 24/24 để cảnh báo và theo dõi diễn biến sạt trượt. Huyện đã báo cáo kịp thời UBND tỉnh và làm việc với đơn vị tư vấn để khảo sát, tiến hành khoan thăm dò - đến ngày 8/8, đã khoan 11/15 mũi khoan, để tìm nguyên nhân từ đó có phương án để khắc phục một cách triệt để.

UBND tỉnh Lâm Đồng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã có các văn bản đề nghị các sở, ngành và UBND huyện Lâm Hà khẩn trương xử lý sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực thi công hồ chứa nước Đông Thanh. Trường hợp cần thiết thì thực hiện ngay các giải pháp khẩn cấp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân và tài sản công trình lân cận. 

Công trình Dự án Hồ chứa nước Đông Thanh là dự án trọng điểm của huyện Lâm Hà, với tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng. Theo thiết kế, diện tích lòng hồ rộng hơn 25,3 ha, diện tích thu hồi đất là 37 ha. Sau khi hoàn thành, hồ chứa cung cấp nước tưới cho hơn 700 ha đất nông nghiệp và phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 7.500 hộ dân…

Tiếp đó, ngày 3/8, đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra hiện trường sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực công trình thi công hồ chứa nước Đông Thanh. Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tiếp tục sát sao theo dõi để xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đặc biệt là cần di tản người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản của Nhân dân. Đồng thời, đề nghị tiếp tục mời các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá, đưa ra kết luận cụ thể về nguyên nhân đất đai sụt lún, sạt trượt tại khu vực để xử lý căn cơ. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không hoang mang, lo sợ nhưng cũng không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Liên quan vụ việc, ngày 8/8, tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng về công tác ứng phó phòng, chống thiên trên địa bàn tỉnh, đoàn công tác liên ngành của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn cùng với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan của tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra thực tế tình trạng sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực công trình hồ chứa nước Đông Thanh. Sau khi kiểm tra và nghe cơ quan chức năng cùng các chuyên gia báo cáo, phân tích mức độ sạt trượt đất, cũng như những khó khăn trong việc xử lý sự cố sụt lún, sạt trượt, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cần tiếp tục nghiên cứu đánh giá nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, đồng thời triển khai một số giải pháp xử lý phù hợp.

Đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Lâm Đồng trong công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt là công tác ứng phó khẩn cấp đối với các vụ việc sạt lở nghiêm trọng và bất thường. Riêng với công trình hồ chứa nước Đông Thanh, đồng chí Thứ trưởng đề nghị cần tiếp tục khoan thăm dò và quan trắc theo dõi đánh giá cụ thể, phối hợp với các chuyên gia tìm giải pháp xử lý vấn đề sạt trượt, trước hết là phải hạ tải; sau đó xử lý thoát nước ngầm và thoát nước mặt; sau đó rà soát lại phương pháp thi công, có thể quá trình thi công tốt, đảm bảo nhưng một khi đã xảy ra sự cố như hiện nay thì cần phải có biện pháp thi công để ứng phó sao cho phù hợp với tình huống.