EUDR và những vấn đề đặt ra cho cà phê Lâm Đồng (Bài cuối)

NGỌC NGÀ 06:19, 09/08/2023

Bài cuối: Doanh nghiệp đón đầu, nông dân hưởng ứng 

EUDR thực sự là cơ hội lớn cho những doanh nghiệp chủ động từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hiện, các doanh nghiệp và nông dân trồng cà phê ở Lâm Đồng đã sẵn sàng với EUDR.

Công ty Xuất nhập khẩu Tám Trình đã chủ động đón đầu để thích ứng khi EUDR chính thức có hiệu lực
Công ty Xuất nhập khẩu Tám Trình đã chủ động đón đầu để thích ứng khi EUDR chính thức có hiệu lực

THUẬN LỢI CHO DOANH NGHIỆP CHỦ ĐỘNG NGUỒN NGUYÊN LIỆU

Là người theo đuổi việc sản xuất cà phê hữu cơ 7 năm qua, ông Nguyễn Thái Nam, người đồng sáng lập Công ty Nông sản thực phẩm hữu cơ Việt Nam (đóng tại huyện Di Linh) chia sẻ: “Tôi may mắn khi vùng nguyên liệu cà phê với 35 ha hiện tại phần lớn được bao bọc bởi rừng. Vì nếu không có điều kiện như vậy, việc sản xuất hữu cơ sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.

 35 ha cà phê của ông Nguyễn Thái Nam ở khu vực núi Brah Yàng (huyện Di Linh). Nhiều chuyên gia nông nghiệp, khách hàng từ Nhật Bản, châu Âu khi đến đây đều đánh giá sự gần gũi với thiên nhiên ở khu vực sản xuất này. Nhờ được bao bọc bởi rừng nên việc cải tạo môi trường đất, nước và dần lấy lại hệ sinh thái cho vườn thuận lợi hơn. Với quy trình sản xuất hữu cơ, toàn bộ cà phê trên vườn phát triển tốt. Cây cứng cáp, rất ít bị sâu bệnh hại. Mùa vụ năm 2022 - 2023, vườn cà phê 35 ha của Công ty Nông sản thực phẩm hữu cơ Việt Nam cho thu gần 100 tấn nhân xanh. Và vào ngày 1/3 vừa qua, sau hàng loạt cuộc đánh giá, kiểm tra về vùng đệm, vùng cách ly, nguồn nước, nguồn đất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kim loại nặng…, mô hình cà phê của Công ty Nông sản thực phẩm hữu cơ Việt Nam đã được tổ chức USDA Hoa Kỳ chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc tế. 

Cà phê đặc sản sản xuất theo hướng hữu cơ của Việt Nam đã chứng minh được chất lượng trên nhiều thị trường. Song chúng ta không đáp ứng được về số lượng. Khó khăn nhất trong sản xuất cà phê hữu cơ hiện nay chính là việc có môi trường đủ “sạch” để sản xuất. Song nếu thực hiện theo quy định của EUDR thì thực sự là cơ hội lớn để mở rộng vùng nguyên liệu cà phê hữu cơ. Đó là bước đệm quan trọng để nâng cao chất lượng ngành hàng cà phê và mở rộng cơ hội xuất khẩu, ông Nguyễn Thái Nam bộc bạch. 

Với diện tích 111 ha và công suất lên đến hơn 500 tấn cà phê nhân xuất ra mỗi năm, Bình Đông Farm (Thôn 7, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) cũng sẽ có nhiều cơ hội khi quy định EUDR chính thức có hiệu lực.

Ông Nguyễn Thanh Lộc - Giám đốc điều hành Bình Đông Farm cho hay: Mục tiêu của chúng tôi là hướng đến xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững. Để làm được điều này, sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường là yếu tố đóng vai trò quyết định. Bởi vậy ngoài việc tôn trọng tối đa các cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là diện tích rừng quanh diện tích của Farm, chúng tôi còn chủ động trồng thêm cây xanh, bảo vệ nguồn nước…; mọi quy trình sản xuất đều hướng đến mục tiêu bảo vệ tốt nhất mạch đất đai cho các vụ mùa sau này. Với lịch sử sản xuất cà phê trên vùng đất này trong 40 năm qua, chúng tôi hoàn toàn tự tin khi EUDR chính thức được áp dụng”. 

Việc kiểm soát được vùng nguyên liệu ngoài giúp đơn vị chủ động được sản xuất, thì đây cũng chính là cơ hội để các đơn vị sản xuất, kinh doanh cà phê tự tin mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là vào châu Âu sau khi EUDR chính thức có hiệu lực.

Ngăn chặn phá rừng và lấn chiếm đất rừng là hai nội dung đặc biệt quan trọng mà tỉnh Lâm Đồng đang quyết liệt thực hiện bằng nhiều giải pháp. Bởi vậy nhiều doanh nghiệp cho rằng, EUDR được áp dụng sẽ tạo lợi ích kép: Vừa đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu cà phê vào EU và vừa tham gia thực hiện tốt những quyết sách của địa phương trong ngăn chặn phá rừng và lấn chiếm đất rừng.

KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP LIÊN KẾT, NÔNG DÂN CẦN CHỦ ĐỘNG 

Công ty Xuất nhập khẩu Tám Trình (xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà) là một trong những doanh nghiệp kinh doanh cà phê lớn ở Lâm Đồng. Hiện nay, doanh nghiệp này đang liên kết chuỗi với 3.000 hộ nông dân sản xuất cà phê chất lượng cao ở khắp các huyện như: Lâm Hà, Lạc Dương, Di Linh, TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc... với sản lượng cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước lên đến 40 nghìn tấn/năm.

Ông Mai Ngọc Định cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao, bền vững từ năm 2015 và đã đáp ứng hầu hết các tiêu chí về chất lượng sản phẩm. Hiện nay, các vườn sản xuất cà phê trong chuỗi liên kết của chúng tôi đều đã đạt các chứng nhận như 4C, chứng nhận của Rainforest Alliance. Đối với các chứng nhận này, việc thực hành sản xuất phải đảm bảo về canh tác đa dạng sinh học, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ rừng… để đảm bảo nguồn nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn, hàng năm, đơn vị tổ chức đo, vẽ, cập nhật bản đồ, định vị GPS đối với các diện tích sản xuất”. Đối với quy định EUDR, người phụ trách sản xuất chuỗi cà phê bền vững của Công ty Xuất nhập khẩu Tám Trình cho rằng, doanh nghiệp hoàn toàn đảm bảo, đáp ứng các điều kiện. 

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp liên kết nào cũng có những thuận lợi như đơn vị trên. Bà Nguyễn Thị Thọ - Giám đốc Công ty Nguyên Phúc Nông, một trong những đơn vị sản xuất cà phê đặc sản để xuất khẩu uy tín đóng chân tại huyện Bảo Lâm cho hay: Công ty trồng 4 ha cà phê robusta theo hướng tự nhiên. Đối với diện tích này, công ty đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các quy trình. Bởi vậy chất lượng cà phê luôn đạt yêu cầu. Tuy nhiên, yêu cầu của việc mở rộng quy mô kinh doanh đòi hỏi đơn vị phải liên kết với các farm và nông hộ khác, điều này cũng đặt ra cho doanh nghiệp những khó khăn nhất định trong công tác quản lý các khâu. 

Với việc giá thu mua cao hơn giá thị trường 10 ngàn đồng/kg, hiện, Công ty Nguyên Phúc Nông đang liên kết ổn định với khoảng 15 nông hộ. Tổng diện tích liên kết khoảng 10 ha, sản lượng chế biến khoảng 10 tấn nhân/năm. Với giá thu mua cao, công ty và nông hộ đã có những cam kết nhất định trong quy trình sản xuất. Tuy nhiên, việc kiểm soát nguồn gốc đất sản xuất của các nông hộ là điều khó đối với doanh nghiệp này.

Đó cũng là vấn đề khó khăn đặt ra đối với kế hoạch mở rộng sản xuất của Công ty Nông sản thực phẩm hữu cơ Việt Nam. Bởi hiện nay, sản phẩm cà phê hữu cơ của doanh nghiệp này không đủ cung ứng cho thị trường. Do vậy, cần phát triển cà phê hữu cơ quy mô lớn ở huyện Di Linh và cần thiết phải liên kết với các nông hộ mới đảm bảo đủ diện tích. Song nếu không có môi trường thuận lợi thì việc sản xuất hữu cơ thực sự khó. Và khi quy định EUDR chính thức áp dụng, nếu không nắm rõ nguồn gốc đất sản xuất thì việc đưa sản phẩm vào thị trường EU sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Sự vào cuộc của chính quyền địa phương và sự thích ứng nhanh của doanh nghiệp là yếu tố cần, song cần có sự nắm bắt và tuân thủ của chính người nông dân mới là yếu tố đủ.

Nông dân Hoàng Văn Đạt (xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà), đang canh tác ổn định 9 ha cà phê trên khu vực quy hoạch đất trồng cây lâu năm từ năm 2010 đến nay. Ông Đạt chia sẻ: “Gia đình bước đầu nắm bắt thông tin về EUDR qua các phương tiện truyền thông. Nhân cà phê của gia đình được các đơn vị mua để chế biến cung cấp thị trường trong và ngoài nước nên chúng tôi cũng phải đảm bảo quy định để tránh rủi ro về sau”. 

Còn ông Trịnh Tấn Vinh (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) cho rằng, xu hướng của các doanh nghiệp hiện nay là tiêu thụ cà phê vào thị trường châu Âu. Bởi vậy, nếu thị trường này quy định không sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ phá rừng thì người nông dân tuyệt đối không nên mở rộng diện tích sản xuất trên đất có nguồn gốc lấn chiếm, phá rừng. Điều này sẽ đảm bảo mối quan hệ bền vững với doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định cho cà phê của chính người dân.

Hơn ai hết, chính người nông dân sẽ hiểu rõ nhất về mảnh đất của mình. Vì vậy việc người nông dân cần tiếp cận các nội dung của EUDR là điều vô cùng cần thiết. 

Hiện tại, sự chủ động thích ứng của cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cả người nông dân đang cùng hợp lực để đảm bảo những yếu tố cần thiết, sẵn sàng cho ngành hàng cà phê Lâm Đồng đáp ứng đủ các điều kiện của EUDR và tiến mạnh hơn nữa vào thị trường châu Âu.