Gần 130 hộ dân “vật lộn” trên con đường xuống cấp nghiêm trọng

KHÁNH PHÚC 16:07, 09/08/2023

(LĐ online) - Con đường độc đạo qua Thôn 4 (xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) có chiều dài 6,8 km, thì hơn 3 km đường đá cấp phối do người dân đóng góp xây dựng đã chi chít “ổ trâu”, “ổ voi” trở thành nỗi ám ảnh của bà con. Gần 20 năm qua, người dân nơi đây đang mòn mỏi đợi chờ một tuyến đường mới đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản.

Đoạn qua dốc Suối Đá bị xói mòn lởm chởm đá luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông
Đoạn qua dốc Suối Đá bị xói mòn lởm chởm đá luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông

VẬT LỘN TRÊN CON ĐƯỜNG NÁT NHƯ TƯƠNG

Sau khi tiếp nhận ý kiến của người dân, chúng tôi đã có mặt tại Thôn 4 (xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) để ghi nhận tình trạng hư hỏng, xuống cấp của một tuyến đường dân sinh. Ghi nhận thực tế cho thấy, đây là tuyến đường độc đạo qua địa bàn Thôn 4 (xã Lộc Thành) với 128 hộ dân và hơn 500 nhân khẩu thường xuyên lưu thông qua lại.

Tuyến đường này có tổng chiều dài hơn 6,8 km nối Thôn 4 với thôn Tà Ngào (xã Lộc Thành) và xã Đại Lào (TP Bảo Lộc). Tuy nhiêm, mới có khoảng 3,4 km được Nhà nước đầu tư thảm nhựa từ thôn Tà Ngào vào Thôn 4. Hơn 3,4 km còn lại đi qua Thôn 4 vẫn là đường đá cấp phối lầy lồi, trơn trượt chi chít “ổ trâu”, “ổ voi”.

Người dân Thôn 4 (xã Lộc Thành) “vật lôn” trên con đường xuống cấp
Người dân Thôn 4 (xã Lộc Thành) “vật lôn” trên con đường xuống cấp

Đặc biệt, đoạn qua dốc Suối Đá có chiều dài khoảng 500 mét bị nước mưa chảy làm xói mòn tạo thành những hang hốc, lởm chởm đá rất nguy hiểm. Khi mưa xuống mặt đường tạo thành ao, mương vô tình trở thành những cái “bẫy” nguy hiểm đối với người dân.

Ông Nguyễn Thành Đông, một người dân Thôn 4 (xã Lộc Thành), phản ánh: “Suốt gần 20 năm qua, để có đường đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa thì bà con trong thôn chúng tôi năm nào cũng phải đóng góp hàng chục triệu đồng để sửa chữa, san lấp, gia cố “ổ voi”, “ổ trâu”. Thế nhưng, ngoài người dân trong thôn thì xe máy cày, xe tải của người dân từ các địa phương khác tới làm vườn qua lại khiến đường ngày càng bị xuống cấp trầm trọng. Từ đầu mùa mưa năm 2023 đến nay, đường càng hư hỏng nghiêm trọng dày đặc “ổ voi”, “ổ trâu”. Tại dốc Suối Đá đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn người đi xe máy bị té ngã do trơn trượt khiến 3 người bị gãy tay và 1 người bị gãy chân”.

Còn ông Lê Anh Thọ, một người dân Thôn 4, cho hay: “Được tiếng là xã nông thôn mới, nhưng suốt bao năm qua, hàng trăm người dân chúng tôi vẫn khổ sở đi lại trên con đường hư hỏng đến nỗi không thể hư hỏng thêm được nữa. Trời nắng thì bụi bặm bay mùi mịt, mưa xuống thì lậy lội, trơn trượt khiến việc đi lại, vận chuyển nông sản của bà con gặp vô vàn khó khăn. Hàng ngày phải lưu thông qua lại trên tuyến đường này, nhưng tất cả người dân chúng tôi đều nơm nớp lo sợ vì chỉ bất cẩn trong giây lát là té ngã”.

Xe tải vận chuyển hàng hóa lưu thông qua lại khiến tuyến đường ngày càng bị xuống cấp nghiêm trọng
Xe tải vận chuyển hàng hóa lưu thông qua lại khiến tuyến đường ngày càng bị xuống cấp nghiêm trọng

CẢ THÔN MỎI MÒN CHỜ ĐỢI

Qua tìm hiểu của chúng tôi, trước nhu cầu đi lại cấp bách của người dân, năm 2006, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ Quốc lộ 55 vào Thôn 4 (xã Lộc Thành) với tổng chiều dài hơn 6,8 km theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi.

Trong thời gian này, Trường Đại học Hồng Bàng (TP Hồ Chí Minh) được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Dự án đầu tư, khai thác du lịch thác Bảy tầng thuộc địa bàn Thôn 4 (xã Lộc Thành). Hiện nay, đổi tên thành Khu du lịch Thiên Đường Trên Mây. Đến tháng 4/2008, UBND huyện Bảo Lâm và Trường Đại học Hồng Bàng đã làm việc và có văn bản thống nhất phân chia đoạn tuyến để xây dựng tuyến đường này. Trong đó, đoạn 1 từ Km 0+00 đến Km 3+315 do UBND huyện Bảo Lâm làm chủ đầu tư với kinh phí từ ngân sách Nhà nước; đoạn 2 từ Km 3+315 đến Km 6+8348 do Trường Đại học Hồng Bàng cam kết làm chủ đầu tư và sẽ thực hiện hoàn thành trong năm 2009.

Năm 2008, đoạn 1 từ Quốc lộ 55 vào chân Dốc Đá Thôn 4 (xã Lộc Thành) đã được huyện Bảo Lâm đầu tư xây dựng thảm nhựa và đến năm 2009 hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng. Riêng đoạn 2 do Trường Đại học Hồng Bàng cam kết làm chủ đầu tư đến nay vẫn chưa xây dựng khiến gần 130 hộ dân nơi đây mòn mỏi đợi chờ.

Ông Nguyễn Văn Chín – Trưởng Thôn 4 (xã Lộc Thành), cho biết: “Sau khi được Nhà nước đầu tư xây dựng đường, người dân chúng tôi rất vui mừng phấn khởi. Ban đầu cứ tưởng huyện Bảo Lâm đầu tư nguyên tuyến, nhưng thấy đường làm đến chân Dốc Đá thì hỏi ra mới biết đoạn còn lại do Trường Đại học Hồng Bàng cam kết nhận làm chủ đầu tư. Thế nhưng, chờ mãi đến năm 2017, ông Bùi Mai Lâm, chủ Khu du lịch Thiên Đường Trên Mây mời Chi bộ, Ban thôn để bàn chuyện làm đường. Từ đó, đến nay, người dân chúng tôi tìm cách liên hệ với Khu du lịch này nhưng tất cả đều là hứa hẹn đợi chờ trong vô vọng. Hơn 500 người dân Thôn 4 chúng tôi đang từng ngày mong ngóng sự qua tâm của chính quyền, cơ quan chức năng các cấp đầu tư xây dựng đường cho bà con đi lại được an toàn”.

Còn theo ông Vũ Chu Phan – Bí thư Chi bộ Thôn 4, đường hư hỏng, xuống cấp nhưng không được đầu tư xây dựng đang khiến quá trình đi lại sinh hoạt, làm ăn của người dân trong thôn gặp rất nhiều khó khăn. Tới đây, đường sá xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông với người lớn đã đành nhưng khổ nhất vẫn là các em học sinh đi học. Con em nông thôn phần lớn tự đi học bằng xe đạp, nên luôn tiềm ẩn nguy cơ bị té ngã khiến bà con rất lo lắng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Ngọc Cần – Chủ tịch UBND xã Lộc Thành, khẳng định: “Tuyến đường này không chỉ là đường liên thôn, mà đây còn là đường liên xã nối với xã Đại Lào (TP Bảo Lộc). Vì thế, việc đầu tư xây dựng tuyến đường này là hết sức cấp bách. Tất cả ý kiến, kiến nghị của người dân Thôn 4 liên quan đến tuyến đường này đều rất chính đáng. Hiện tại, đường đã xuống cấp hư hỏng quá nghiêm trọng, nhưng để làm mới thì kinh phí quá lớn nên thẩm quyền của địa phương cũng chỉ kiến nghị tới huyện. Từ nhu cầu chính đáng của người dân, thời gian qua, chúng tôi đã làm nhiều tờ trình xin ý kiến của huyện để đầu tư xây dựng đường nhưng chưa được chấp thuận. Tới đây, xã sẽ cân đối nguồn kinh phí để sửa chữa đoạn qua dốc Suối Đá đảm bảo cho bà con đi lại an toàn; đồng thời, tiếp tục làm tờ trình gửi UBND huyện Bảo Lâm xem xét có phương án đầu tư xây dựng đường đảm bảo cho bà con đi lại, vận chuyển nông sản, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.