Ghi nhận trong quản lý, bảo vệ rừng ở Công ty Lâm nghiệp Bảo Thuận

NGUYÊN THI 05:45, 11/08/2023

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Thuận là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước được UBND tỉnh giao thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng rừng, nuôi dưỡng rừng trồng và chế biến lâm sản. Hiện nay, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp Công ty được giao quản lý là 19.082,8 ha; trong đó, đất rừng sản xuất là 18.253,7 ha, đất rừng phòng hộ là 829,10 ha, gồm 39 tiểu khu, nằm trong ranh giới hành chính 6 xã thuộc huyện Di Linh. 

Họp bàn phương án tuần tra rừng
Họp bàn phương án tuần tra rừng

Do diện tích rừng và đất rừng Công ty quản lý rộng, trải dài trên 6 xã, địa hình có độ dốc lớn, chia cắt mạnh, do đó rất khó khăn trong việc đi lại tuần tra, kiểm tra rừng. Bên cạnh đó, rừng do Công ty đang quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) có diện tích dễ cháy lớn, phân bố rộng, một số diện tích đất nông nghiệp đan xen và có ranh giới tiếp giáp với rừng dài nên nguy cơ cháy rừng trong mùa khô và việc khai thác gỗ trái pháp luật, lấn chiếm đất là rất cao. Thêm vào đó, dân cư trên địa bàn chủ yếu là người đồng bào gốc Tây Nguyên, chiếm 93,7% dân số, trình độ dân trí còn hạn chế, tập quán lâu đời có cuộc sống gắn liền với rừng, vì vậy áp lực về phá rừng để chiếm đất lâm nghiệp, khai thác lâm sản trái pháp luật tiềm ẩn và diễn biến khó lường. 

Để nâng cao hiệu quả công tác QLBVR, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, Công ty đã bố trí lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, hộ nhận khoán ở những vị trí trọng yếu (trạm, chốt) có tầm kiểm soát rộng, nên những năm gần đây khá thuận lợi cho việc tuần tra, kiểm tra địa bàn, quản lý người ra vào rừng. Ngoài ra, Công ty còn bố trí hộ nhận khoán thành từng tổ, nhóm luân phiên kiểm tra thường xuyên các khu vực rừng có nguy cơ bị xâm hại cao để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm. 

Ông Đoàn Văn Thanh - Giám đốc Công ty cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Công ty đã triển khai nhiều biện pháp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của rừng, tuân thủ pháp luật; đồng thời, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là đã vận động Nhân dân đầu tư trồng các loại cây lâm nghiệp, cây đa mục đích phù hợp với điều kiện từng khu vực theo Đề án 1836 của UBND tỉnh; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng… Thực hiện nhiệm vụ QLBVR, 6 tháng đầu năm 2023, Công ty tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp từ công tác tuyên truyền đến việc chủ động tổ chức tuần tra, kiểm soát người ra vào rừng, trinh sát nắm tình hình, mật phục, chốt chặn; chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng trong huyện và chính quyền địa phương thực hiện nhiều đợt tuần tra cũng như huy động lực lượng nhận khoán trực chốt tại các điểm ra vào rừng, khu vực có nguy cơ xảy ra vi phạm nên về cơ bản đã kiểm soát tình hình địa bàn, giữ được diện tích rừng được giao, không để xảy ra phá rừng, cháy rừng. Công ty cũng đã triển khai làm băng trắng được gần 6 km, thường xuyên kiểm tra, quản lý diện tích cây trồng tạo dãy phân cách 4,98 ha. Đối với diện tích rừng trồng hợp tác đầu tư, Công ty phối hợp quản lý tốt không để xảy ra xâm lấn, cơi nới. Kết quả là trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn Công ty quản lý không có xảy ra vụ việc vi phạm, không có thiệt hại tài nguyên rừng. 

Đạt được những chuyển biến tích cực trong thời gian qua, có thể nói rằng có vai trò rất lớn từ đường lối lãnh đạo quyết liệt của Chi bộ, Ban Giám đốc Công ty. Không chỉ triển khai và tổ chức thực hiện nhiệm vụ QLBVR, sản xuất, kinh doanh và các nhiệm vụ khác theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành; Chi bộ Công ty với vai trò lãnh, chỉ đạo đã đề ra các nghị quyết để triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo của cấp trên kịp thời, cụ thể và sâu sát. Công tác lãnh đạo kịp thời, có trọng tâm; công tác điều hành của Ban Giám đốc sát với tình hình thực tế và đặc biệt là coi trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của từng bộ phận. Đơn cử, trong lĩnh vực bảo vệ rừng, Công ty đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác QLBVR và phát triển rừng; duy trì chế độ giao ban và thông báo kết luận giao ban về triển khai nhiệm vụ hàng tháng, kiểm tra, làm việc tại các trạm lâm nghiệp của đơn vị; ký kết Quy chế phối hợp trong QLBVR giáp ranh với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh và một số quy chế, quy định trong nội bộ phù hợp với quy định mới của pháp luật.

Tuy nhiên, với diện tích rừng lớn, ở địa bàn giáp ranh, nhiều phức tạp; công tác QLBVR của Công ty hiện vẫn còn một số những khó khăn khiến cho cán bộ, đội ngũ nhân viên, những người làm công tác QLBVR trăn trở, đó là những tiềm ẩn khó lường ở khu vực giáp ranh với tỉnh Bình Thuận. Khu vực giáp ranh này có chiều dài trên 10 km, có nhiều đường mòn, lối mở, với hệ sinh thái rừng Khộp cùng nhiều loài cây gỗ có giá trị được thị trường, người dân ưa chuộng. Vì vậy mà công tác kiểm soát, bảo vệ ngăn chặn rất khó khăn do người dân từ phía Bình Thuận sống gần khu vực này và ý thức về việc QLBVR còn kém.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ và cải thiện những tồn tại hạn chế, Công ty cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục duy trì ổn định việc giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân và tập thể, hoàn thành việc xác lập và củng cố tuyến đường cố định, chốt tạm đảm bảo cho hoạt động tuần tra. Đồng thời, duy trì hoạt động của Ban chỉ huy, tổ đội, lực lượng chữa cháy tại chỗ; tăng cường công tác phối hợp với tỉnh bạn để tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên hơn ở khu vực rừng giáp ranh…