Hiệu quả từ mô hình sinh kế giảm nghèo ở Lộc Bắc

PHẠM QUỐC BẢO 03:29, 21/08/2023

Với 600 triệu đồng từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của tỉnh, hỗ trợ mô hình sinh kế cho 40 hộ dân thoát nghèo ở Lộc Bắc (Bảo Lâm); đến nay qua gần 4 tháng triển khai thực hiện, bước đầu đã có tín hiệu khả quan.

Mô hình nuôi dê nhốt chuồng giúp người dân Lộc Bắc từng bước thoát nghèo
Mô hình nuôi dê nhốt chuồng giúp người dân Lộc Bắc từng bước thoát nghèo

Nằm trong chương trình sinh kế giảm nghèo năm 2022 của MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, xã Lộc Bắc được phân bổ hỗ trợ 600 triệu đồng cho 40 hộ thực hiện (15 triệu đồng một hộ) với các mô hình chăn nuôi dê, heo bản địa và trồng mới, cải tạo cây cà phê, cây ăn trái.

Sau khi có kế hoạch phân bổ, UBND xã đã chỉ đạo kịp thời tới từng khu dân cư, thôn, xóm, tiến hành họp dân cho đăng ký các mô hình. Tuyên truyền cho người dân hiểu rõ được ý nghĩa của mô hình này. Đồng thời kết hợp với Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Trung tâm Nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật cho bà con. Theo đó có 28 hộ đăng ký thực hiện mô hình chăn nuôi và 12 hộ chăm sóc cải tạo cà phê, cây ăn trái. 

Tính riêng mô hình chăn nuôi, trong 28 hộ có 23 hộ nuôi dê nhốt chuồng và 5 hộ nuôi heo đen bản địa. Số hộ chăn nuôi này đã được MTTQ huyện giải ngân sau khi làm xong chuồng trại và nghiệm thu khi đủ số lượng con giống (từ 80 kg giống trở lên) trong chuồng. Một ngày đầu tháng 8 chúng tôi gặp anh K’Bôl là một trong những hộ thực hiện mô hình nuôi dê nhốt chuồng tại Thôn 1, xã Lộc Bắc, anh cho biết: Bản thân anh là bộ đội phục viên, do con đông và vợ yếu nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn vất vả. Đợt này biết gia đình mình được Nhà nước hỗ trợ tiền để thoát nghèo, anh đã chọn mô hình nuôi dê vì con dê dễ nuôi mà không phải tốn chi phí cho thức ăn. Vì vậy, anh đã tự bỏ công sức làm chuồng trại, dành toàn bộ số tiền 15 triệu đồng để mua dê giống về nuôi và quyết tâm thoát nghèo bằng được.

Theo chân một cán bộ xã chúng tôi tiếp tục tới hộ nhà bà Ka Riếp trú tại Thôn 3 có dê vừa đẻ, bà vui mừng kể: Nhà bà được Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng, lúc đầu bà mua được 4 con dê lớn nhưng nghĩ tiếc công một lần chăm sóc nên bà đã vay mượn tiền mua thêm 2 con nữa tổng cộng tới 140 kg dê giống. Đến nay, con dê lớn đã đẻ được một dê con. Không chỉ hộ bà Ka Riếp, ở đây còn có nhiều hộ, ngoài số tiền Nhà nước hỗ trợ, họ đã tranh thủ vay mượn mua thêm con giống vượt số tiền 15 triệu đồng của Nhà nước hỗ trợ, như hộ bà Ka Her, bà Lạc Thúy Hồng. Các hộ này đã dành toàn bộ số tiền Nhà nước hỗ trợ để mua dê giống. Họ cũng nghĩ, một lần nuôi mất công nên mua nhiều về nuôi để sau này chúng đẻ được nhiều con mình bán được nhiều tiền. Đến nay, qua gần 4 tháng triển khai thực hiện, đàn dê ở nhiều hộ gia đình đã phát triển tốt báo hiệu một kết quả tốt đẹp không xa. 

Anh Phạm Ngọc - cán bộ thú y xã là người đã gắn bó với bà con ở đây gần 30 năm, anh thuộc lòng từng nhà, hiểu từng con dê, con bò trong xã. Anh tâm sự: “Trước đây, cũng đã có nhiều mô hình sinh kế về chăn nuôi nhưng hiệu quả chưa cao, nguyên nhân là do con giống được các đơn vị mua về cấp phát cho bà con nên nguồn gốc ở xa không hợp với điều kiện tự nhiên ở đây. Lần này, MTTQ huyện đã có cách làm là để bà con tự chọn mua con giống ngay trong địa phương mình nên giá cả rẻ hơn và đảm bảo chất lượng. Tôi chỉ hướng dẫn cho bà con cách chọn giống và tiêm phòng một số bệnh khi đàn dê được đưa về chuồng. Đồng thời cũng thường xuyên qua lại thăm khám theo dõi tình hình”.

Để tìm hiểu thêm về mô hình này và trao đổi những kinh nghiệm, cách làm đã đạt được, ông Bùi Xuân Quý - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bảo Lâm, đồng chủ trì mô hình sinh kế của huyện - chủ đầu tư cho biết: Để làm tốt công tác này trước hết là tuyên truyền cho bà con hiểu được ý nghĩa của chương trình sinh kế, từ đó giúp bà con thay đổi được nhận thức, ý thức, cần cù, chịu khó, biết cách làm ăn và có ý chí vươn lên. Cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp cơ sở, thôn, xóm phải tận tình giúp đỡ, hướng dẫn tỉ mỉ cho bà con. Đồng thời phải có kế hoạch kiểm tra, giám sát chu đáo, cẩn thận từng khâu. Rút kinh nghiệm từ các đơn vị trước, chương trình lần này để bà con tự đăng ký theo khả năng và tự làm chuồng trại theo sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ thú y. Về con giống cũng để bà con tự chủ động tìm mua trong vùng nên vì đã thích nghi với môi trường ở địa phương và phát triển tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hộ chưa thật sự quan tâm tới mô hình, còn chủ quan, lơ là khâu làm chuồng trại, vệ sinh và tiêm phòng cho vật nuôi.

Hy vọng rằng, từ khởi đầu tốt đẹp này, mô hình sinh kế thoát nghèo ở xã Lộc Bắc sẽ có những kết quả tích cực trong thời gian không xa. Qua đó, từng bước góp phần ổn định kinh tế cho các gia đình, vươn lên thoát nghèo và có cơ hội làm giàu chính đáng trên mảnh đất vùng sâu Lộc Bắc.