Hiệu quả từ những chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số

NDONG BRỪM 05:45, 11/08/2023

Từ việc thực hiện có hiệu quả và vận dụng linh hoạt những nội dung đầu tư phát triển nên đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Đam Rông đã từng bước vượt qua khó khăn, nhiều hộ đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, có hộ đã có cuộc sống ổn định và khá giả, góp phần đưa diện mạo nông thôn ngày càng thêm khởi sắc.

 Các mô hình sinh kế đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào DTTS thoát nghèo
Các mô hình sinh kế đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào DTTS thoát nghèo

Là huyện vùng sâu còn nhiều khó khăn của tỉnh, những năm qua, Đam Rông được Trung ương, tỉnh Lâm Đồng quan tâm tập trung các nguồn lực đầu tư, tích cực đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, như: Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới… Cụ thể, chỉ tính riêng trong năm 2022, từ Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện đã được phân bổ kinh phí gần 54,2 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương trên 47,1 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 7 tỷ đồng, đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, nhựa và bê - tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, mở rộng và cứng hóa các tuyến đường vào khu sản xuất; đầu tư kinh phí nạo vét kênh, mương nội đồng; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ tạo các mô hình sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ổn định, nâng cao đời sống. Về kết quả của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, trong năm 2022, huyện Đam Rông được phân bổ kinh phí trên 1,7 tỷ đồng để thực hiện 5 dự án thành phần của Chương trình: đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững…

Song song các chương trình, đề án của Trung ương, trong năm qua, huyện Đam Rông còn thực hiện Quyết định số 1927/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ phát triển sản xuất cho 247 hộ nghèo trên địa bàn các xã trong huyện, với tổng kinh phí 5 tỷ đồng và các chính sách giảm nghèo bền vững của tỉnh.. Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đam Rông: Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của Ban vận động MTTQ Việt Nam tỉnh đã hỗ trợ kinh phí 4 tỷ đồng để triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ sinh kế cho 268 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn 4 xã đặc biệt khó khăn (Đạ M’rông, Đạ Tông, Đạ Long và Liêng S’rônh) về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón và các dụng cụ nuôi tằm. Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình công tác Dân vận của Ban Chỉ đạo 502 và các chương trình vận động khác, huyện Đam Rông đã hỗ trợ xây dựng 119 căn nhà Đại đoàn kết, nhà Tình thương, nhà Tình nghĩa,… cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí trên 6,5 tỷ đồng.

Ngoài các chương trình, đề án, chính sách đầu tư nói trên, huyện Đam Rông đã thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ khác như: Toàn huyện đã cấp 41.286 thẻ BHYT cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS, người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn và có 370.122 lượt người nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS được khám, chữa bệnh; tổ chức các lớp đào tạo nghề cho 180 học viên và giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động. Đặc biệt, trong năm 2022, đã có 2.914 lượt hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền gần 149 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ lên trên 410 tỷ đồng với 7.309 lượt hộ vay để đầu tư thâm canh phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ chi phí học tập cho 15 sinh viên, 6.411 học sinh các cấp với tổng kinh phí trên 4,7 tỷ đồng và thực hiện hỗ trợ kinh phí trợ cấp xã hội cho 104 học sinh, sinh viên người DTTS đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trong và ngoài tỉnh với số tiền trên 260 triệu đồng...

 Có thể khẳng định, từ các chương trình, đề án, chính sách thực hiện đối với đồng bào DTTS, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, nên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các chương trình, đề án, chính sách đầu tư đã tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, góp phần thiết thực từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của đồng bào DTTS, làm cho bộ mặt nông thôn ở vùng còn nhiều khó khăn ngày càng khởi sắc. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 6,9% (giảm 7,9% so với cuối năm 2021), trong đó, hộ nghèo là đồng bào DTTS giảm còn 11,73% (giảm 12,26% so với cuối năm 2021).