Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

AN NHIÊN 00:53, 18/08/2023

Theo Sở Y tế Lâm Đồng, từ đầu năm 2023 đến nay, tổng số đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm (ATTP) trong tỉnh là 205 đoàn và đã tiến hành kiểm tra 6.616 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. 

 Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tỉnh tiêu hủy tại chỗ sản phẩm không đảm bảo chất lượng
Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tỉnh tiêu hủy tại chỗ sản phẩm không đảm bảo chất lượng

Theo đó, Sở Y tế đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra liên ngành về ATTP; kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới và triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2023. Qua đó, tiếp nhận 334 bản tự công bố sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn và đăng tải lên website của Chi cục Vệ sinh ATTP Lâm Đồng cho các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn. Thẩm định và cấp 100 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Sản xuất, phân phối tài liệu truyền thông về ATTP, nhất là trong Tháng hành động vì ATTP năm 2023 gồm: 720 băng rôn tuyên truyền về ATTP; 160 đĩa CD và 15 đĩa DVD.

Các phòng y tế huyện, thành phố đã chủ động nắm bắt tình hình tham mưu cho UBND các huyện, thành phố triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP, phối hợp các UBND phường, xã, thị trấn xử lý vi phạm hành chính các trường hợp và các cơ sở phục vụ ăn uống vi phạm các quy định về ATTP; kiểm tra xử lý các trường hợp phản ánh của người dân, du khách liên quan đến ATTP. Thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đúng quy trình và thời gian quy định, không có hồ sơ trễ hạn, gắn công tác thẩm định với kiểm tra, nhắc nhở công tác đảm bảo ATTP.

 Kết quả qua kiểm tra có 5.801 cơ sở đảm bảo đầy đủ các điều kiện ATTP (chiếm 87,7%), còn 815 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP (tỷ lệ 12,3%). Qua kiểm tra đã nhắc nhở, chấn chỉnh 730 cơ sở; xử lý vi phạm đối với 85 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 479 triệu đồng.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 4 vụ ngộ độc thực phẩm với 212 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong. Đáng chú ý là lần đầu tiên tại địa phương ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm do hộ gia đình tự tổ chức nấu đãi tiệc lớn với 170 thực khách, trong đó có 134 người nhập viện điều trị (110 người ở huyện Lạc Dương và 24 người ở Đơn Dương). Công tác quản lý nhà nước về ATTP chỉ kiểm soát, giám sát chất lượng vệ sinh ATTP từ các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh, phân phối thực phẩm, bếp ăn tập thể tới các dịch vụ nấu ăn lưu động, chứ không quản lý đến việc nấu ăn tại hộ gia đình. Từ vụ ngộ độc này, cảnh báo nguy cơ ngộ độc thức ăn tập thể từ các bếp ăn gia đình tổ chức đãi tiệc với quy mô lớn có hàng trăm người tham dự.

Việc giám sát mối nguy và phòng, chống ngộ độc thực phẩm đa số thực hiện tại cơ quan cấp tỉnh nên chưa kiểm soát hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và sản phẩm lưu thông trên thị trường. Ngộ độc thực phẩm còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xuất phát từ nguồn dịch vụ nấu ăn lưu động - đây là những đối tượng rất khó kiểm soát, quản lý, nay phát sinh thêm việc tổ chức nấu bữa ăn đãi tiệc quy mô lớn tại hộ gia đình.

Bên cạnh đó, các sản phẩm thực phẩm mặc dù được công bố, tự công bố sản phẩm theo đúng quy định nhưng nguy cơ sản phẩm giả, sản phẩm không đảm bảo chất lượng luôn tiềm ẩn do không có quy định về xét nghiệm các chỉ tiêu chất lượng, định tính sản phẩm thực phẩm, các nguồn lực để quản lý còn hạn chế.

 Hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn lưu thông, bày bán trên thị trường. Việc sử dụng hóa chất, phụ gia, phẩm màu ngoài danh mục cho phép trong chế biến, bảo quản thực phẩm ngày càng tinh vi, khó kiểm tra, phát hiện. Việc quản lý ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, đặc thù của địa phương như: mứt, nước cốt, bún phở, rượu, giò chả... gặp nhiều khó khăn.

Theo Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh Lâm Đồng, các nhiệm vụ quan trọng là tăng cường công tác quản lý về điều kiện đảm bảo ATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; cương quyết không để các cơ sở không đảm bảo điều kiện về ATTP hoạt động. Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý ATTP đảm bảo hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm lớn, không để tử vong do ngộ độc trên địa bàn tỉnh. Tổ chức giám sát ATTP phục vụ tốt các sự kiện của tỉnh, trong nước và quốc tế, lễ hội, hội nghị, hội thảo… trên địa bàn tỉnh. Tăng cường lấy mẫu giám sát nhằm cảnh báo nguy cơ gây mất ATTP và ngăn chặn kịp thời các sản phẩm không đảm bảo ATTP đưa ra thị trường, đồng thời truy xuất nguồn gốc và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tăng cường phối hợp, hỗ trợ trong công tác quản lý ATTP giữa UBND các huyện, thành phố, đoàn thể và các cơ quan báo chí nhằm tạo thêm nguồn lực, sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo ATTP. Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm, chú trọng nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng. Hàng năm ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện công tác quản lý ATTP cho các ngành, các cấp. Trang bị các trang thiết bị kiểm nghiệm, test nhanh chất lượng sản phẩm đối với các nhóm sản phẩm có nguy cơ mất ATTP cao.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm và công khai những cơ sở vi phạm pháp luật về ATTP. Các sở, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra liên ngành hoặc chuyên ngành theo kế hoạch đã được phê duyệt; thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các cơ sở thực phẩm khi phát hiện các cơ sở có dấu hiệu vi phạm về ATTP. 

Thường xuyên giám sát và nắm bắt kịp thời thông tin vụ ngộ độc thực phẩm; tổ chức điều tra, xác minh; phối hợp các cơ quan liên quan truy xuất nguồn gốc; tổ chức lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm xác định nguyên nhân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất vụ ngộ độc xảy ra và phòng, chống lây lan ra cộng đồng.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng lưu hành trên thị trường, một số tổ chức, cá nhân chưa đảm bảo các điều kiện ATTP song vẫn hoạt động gây nguy cơ rất lớn mất ATTP, còn xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm… ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đặc biệt, trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm liên quan đến bữa tiệc tự nấu tại nhà ở huyện Lạc Dương làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị. 

Nhằm đảm bảo ATTP bảo vệ sức khỏe Nhân dân, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ATTP. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP theo phân công, phân cấp tại Quyết định số 26/2020/QĐ-UBND ngày 28/4/2020 của UBND tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về ATTP theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các vi phạm nghiêm trọng gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.