Tìm giải pháp phòng, chống đuối nước trẻ em

NHẬT MINH 05:52, 04/08/2023

Mới đây, UBND tỉnh tổ chức hội thảo trực tuyến nhằm đánh giá thực trạng và giải pháp phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với sự tham gia của đại diện các sở, ngành, địa phương. Tại hội thảo, nhiều giải pháp phòng, chống đuối nước trẻ em đã được đưa ra.

Trẻ em trên địa bàn huyện Đơn Dương tham gia Hội thi bơi do Huyện Đoàn vừa phối hợp tổ chức
Trẻ em trên địa bàn huyện Đơn Dương tham gia Hội thi bơi do Huyện Đoàn vừa phối hợp tổ chức

TỶ LỆ TRẺ BỊ ĐUỐI NƯỚC TĂNG DẦN THEO NĂM

Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành chức năng đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, chương trình, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước ở trẻ em.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương đều cụ thể hóa một số nội dung hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trong kế hoạch hàng năm và giai đoạn; hướng dẫn địa phương cơ sở triển khai nhiều giải pháp phòng, chống đuối nước ở trẻ em; tăng cường giám sát, kiểm tra ao, hồ, sông suối, khu vực có nguy cơ cao để cắm biển cảnh báo; vận động hộ gia đình cam kết làm rào chắn ao, hồ tưới tiêu nhằm giảm thiểu tình trạng trẻ em bị tai nạn và tử vong do đuối nước.

Giai đoạn 2021 - 2023, đã tổ chức triển khai xây dựng các mô hình như: Môi trường gia đình an toàn; Cộng đồng an toàn; Trường học an toàn, Khu du lịch an toàn phòng, tránh tai nạn đuối nước trẻ em… Vận động tổ chức, cá nhân hỗ trợ dạy bơi miễn phí cho trẻ em; lồng ghép nội dung phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em vào các chương trình kiểm tra, giám sát tại địa phương…
Tổ chức các lớp tập huấn bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em cho cán bộ ngành Thể dục - Thể thao (TDTT); cán bộ Đoàn - Hội - Đội ở cơ sở; giáo viên; cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em; nhân viên cứu hộ của một số cơ sở kinh doanh hoạt động TDTT... thu hút gần 2.000 học viên tham gia; tổ chức 50 giải dành riêng cho học sinh; phát động toàn dân tập luyện môn bơi năm 2023 (cấp quốc gia) thu hút hơn 5.000 học sinh tham gia.

Bên cạnh đó, triển khai Mô hình “Phao an toàn cho em”, trao 1.300 phao tay cho trẻ em; tổ chức Tháng Hành động vì trẻ em, Lễ khai mạc hè, Ngày Olympic trẻ em và phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước thu hút hơn 5.000 lượt thanh, thiếu nhi, học sinh tham gia; triển khai Mô hình Hộp thư thân thiện với tên gọi “Điều em muốn nói”, lắng nghe ý kiến của trẻ em tại 388 Liên đội; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng an toàn trong môi trường nước theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. 

Cũng trong giai đoạn 2021 - 2023, đã tổ chức được 1.475 lớp dạy bơi với 40.956 trẻ em được học bơi; 1.921 lớp dạy kỹ năng bơi, an toàn trong môi trường nước với tổng số trẻ em biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước là 155.031 trẻ. Theo thống kê, hiện, toàn tỉnh có tổng số 194 bể bơi (113 bể bơi cố định; 81 bể bơi di động); 4.033 biển cảnh báo đã thực hiện.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, công tác phòng, chống đuối nước trẻ em còn nhiều tồn tại, hạn chế. Toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 341 ngàn học sinh, song, tỷ lệ trẻ em biết bơi chỉ chiếm tỷ lệ 11,08%; tình trạng đuối nước trẻ em vẫn tăng cao, năm sau cao hơn năm trước. Trong giai đoạn 2021 đến tháng 7/2023, toàn tỉnh có 89 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước.

• DẠY BƠI AN TOÀN ĐỂ PHÒNG, CHỐNG ĐUỐI NƯỚC CHO TRẺ EM

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn và tử vong do đuối nước ở trẻ em, theo ngành chức năng, nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ, người chăm sóc trẻ, để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ..., sự bất cẩn, chủ quan, thiếu ý thức, kiến thức về mối nguy hiểm và kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em của những người chăm sóc, trông nom trẻ nhỏ.

Thêm một nguyên nhân nữa, đó là trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi. Và trên thực tế, đã ghi nhận có trường hợp trẻ đã biết bơi nhưng khi gặp tai nạn vẫn không thể tự cứu mình...

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, giới thiệu những kinh nghiệm hay, đề xuất những giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn. Trong đó, đa số đại biểu đều cho rằng, cần tăng cường công tác phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương đổi mới hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng, chống đuối nước ở trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng có lũ. Tiến hành rà soát những khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời bảo đảm an toàn cho trẻ em; quan tâm phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - đoàn thể ở địa phương trong quản lý trẻ em.

Mặt khác, cần có cơ chế xã hội hóa nhằm xây dựng các mô hình phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em tại địa phương đạt hiệu quả. Đồng thời, tổ chức các hoạt động hè vui tươi, lành mạnh, tạo nhiều sân chơi cho trẻ em; hướng dẫn học bơi, kỹ năng sống, vận động gia đình cam kết thực hiện rào chắn ao, hồ tưới tiêu; cho con em tham gia lớp học bơi, học kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước...