Còn nhiều khó khăn trong thực hiện bố trí ổn định dân di cư tự do và dự án di dân vùng thiên tai cấp bách trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là nguồn vốn bố trí triển khai dự án còn chậm so với kế hoạch.
Hầu hết dân di cư tự do làm những công việc thời vụ, trồng những cây ngắn ngày, tỉ lệ hộ nghèo còn cao |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện 3 Dự án Bố trí ổn định dân di cư tự do và Dự án Di dân vùng thiên tai cấp bách. Trong đó, gặp nhiều khó khăn, trở ngại là quá trình triển khai Dự án Sắp xếp dân di cư tự do khu vực Tiểu khu 179, khu vực Tây Sơn (xã Liêng S’rônh, huyện Đam Rông). Dự án trên được phê duyệt đầu tư tháng 12/2021 với tổng mức đầu tư trên 159 tỷ đồng (ngân sách Trung ương trên 142 tỷ đồng, ngân sách địa phương và vốn khác gần 18 tỷ đồng). Mục tiêu của dự án bố trí ổn định tại chỗ cho 192 hộ dân là người dân tộc di cư từ các tỉnh phía Tây Bắc, trong đó 84 hộ dân tại khu vực Tây Sơn và 108 hộ dân tại Tiểu khu 179, xã Liêng S’rônh.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ năm 2021 tới 2023, vốn cấp cho dự án là trên 16 tỷ đồng là quá thấp nên địa phương mới chỉ thực hiện được các bước chuẩn bị đầu tư, lập dự án đầu tư, thiết kế và triển khai được 1 hạng mục xây dựng các công trình dân dụng (trường mầm non, hội trường thôn, trạm y tế) để phục vụ cho bà con Nhân dân trong khu vực.
Bên cạnh đó, Dự án Sắp xếp dân di cư tự do khu vực Tiểu khu 179 và khu vực Tây Sơn nằm ở 2 khu vực khác nhau. Cụ thể, tuyến đường từ trung tâm huyện đến Tiểu khu 179 dài khoảng 60 km và phần lớn phải đi qua địa bàn huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, đường sá đi lại gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, khu vực Tây Sơn nằm ở phía Nam của huyện, có đường từ UBND xã Phi Liêng đi vào khoảng 20 km. Hai khu vực này tách biệt với nhau, không có giao thông liên kết đi lại. Để vào được 2 khu vực trên chủ yếu đi theo đường mòn, vào mùa mưa không thể di chuyển do đường đã xuống cấp, hư hỏng nặng, nhiều ổ voi rất lớn, địa hình hiểm trở, trơn trượt.
Liên quan tới dự án trên, ngày 7/7, thừa ủy quyền của UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo và có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét, bố trí nguồn kinh phí là gần 30 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư một số hạng mục công trình giao thông thiết yếu tại khu vực Tiểu khu 179, khu vực Tây Sơn, xã Liêng S’rônh, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa của Nhân dân đang sinh sống trong khu vực.
Riêng với Dự án Ổn định dân di cư tự do thôn Đan Hà, Thống Nhất, Phương Lâm và Tân Lập, xã Đan Phượng (huyện Lâm Hà) theo báo cáo hoàn thành tiến độ dự án đúng quy định tại Quyết định số 105/QĐ-TTg ngày 31/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án trên 78 tỷ đồng (ngân sách Trung ương trên 52 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 10 tỷ đồng, vốn huy động đóng góp và lồng ghép từ các chương trình khác là trên 15 tỷ đồng). Năm 2023 kinh phí bố trí theo kế hoạch là 40 tỷ đồng, đã thực hiện giải ngân là trên 14 tỷ đồng. Hiện, nhà thầu đang thực hiện đầu tư xây dựng hạng mục với 6 tuyến đường giao thông, hệ thống cấp điện, nâng cấp hồ chứa nước Thống Nhất và lắp đặt thiết bị các hạng mục. Chủ đầu tư cam kết số vốn giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2023 (50 tỷ đồng).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, năm 2023, địa phương có kế hoạch bố trí ổn định dân cư cho 446 hộ/2.009 khẩu, trong đó ổn định tại chỗ 429 hộ/1.944 khẩu dân di cư tự do, xen ghép 17 hộ/65 khẩu dân cư vùng thiên tai. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Lâm Đồng đã bố trí được 429 hộ/1.944 khẩu dân di cư tự do (ổn định tại chỗ). Các chủ đầu tư dự án đang xây dựng 13,455 km đường giao thông; 1 công trình thủy lợi; 13,948 km đường dây trung hạ thế; 8 trạm biến áp; 2 trường học; 1 trạm y tế; 2 nhà văn hóa. Ước thực hiện cả năm 2023 đạt 100% khối lượng theo kế hoạch.
Theo UBND tỉnh, về mặt khó khăn, nhìn chung các dự án di dân, ổn định dân di cư tự do có nguồn vốn phân bổ còn chậm và hạn chế so với nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của dự án nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các tiểu dự án. Cơ sở hạ tầng của các dự án chưa được đầu tư đồng bộ nên ảnh hưởng đến việc bố trí, sắp xếp ổn định đời sống cho các hộ dân hưởng lợi trong vùng dự án. Việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác còn khó khăn; nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của dự án lớn, nhưng nguồn kinh phí phân bổ ít nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các tiểu dự án...
Để thực hiện tốt công tác bố trí ổn định dân cư góp phần phát triển kinh tế xã hội và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tăng cường đoàn kết dân tộc, bảo vệ quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ vốn đầu tư năm 2024 và các năm tiếp theo cho tỉnh Lâm Đồng để thực hiện dứt điểm các dự án ổn định dân cư đang thực hiện dở dang và triển khai thực hiện các dự án đầu tư mới trong giai đoạn 2022 - 2025.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin