Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

QUỲNH UYỂN 05:08, 27/09/2023

Hơn 300 hình ảnh tư liệu, hiện vật đang trưng bày tại cuộc triển lãm “Da cam - lương tri và công lý” ở Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt là bức tranh toàn cảnh về thảm họa da cam, nỗi đau da cam do chiến tranh gây ra còn đeo bám tới hôm nay.

Tặng quà cho các NNCĐDC tại Lâm Đồng
Tặng quà cho các NNCĐDC tại Lâm Đồng

Trong cuộc chiến tranh xâm lược cùng với vũ khí sát thương hiện đại nhất, quân đội Mỹ còn sử dụng cả vũ khí hóa học nhằm ngăn chặn bước tiến của lực lượng vũ trang cách mạng và triệt hạ nguồn sinh sống của Nhân dân Việt Nam. Đây là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất và gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Từ năm 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng trên 80 triệu lít chất độc diệt cây cùng trên 9.000 tấn chất độc CF rải xuống miền Trung và miền Nam Việt Nam. Việc sử dụng chất độc da cam Dioxin đã gây ra hậu quả nặng nề đối với môi trường sinh thái và sức khỏe con người. 3,6 triệu ha rừng bị hủy diệt, 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân với nỗi đau dai dẳng.

Hơn 60 năm qua, Nhân dân ta đã và đang phải gánh chịu một thảm họa da cam chưa từng có. Chất độc da cam và di chứng của nó đã cướp đi quyền được sống của biết bao người Việt Nam, cướp đi quyền được làm vợ, làm mẹ của biết bao người phụ nữ, cướp đi niềm vui, hạnh phúc của biết bao gia đình trên mọi miền đất nước. Nhiều đứa trẻ đã mất ngay sau khi mới lọt lòng, hàng trăm ngàn đứa trẻ bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, vừa sinh ra đã mắc các căn bệnh hiểm nghèo, sống thực vật. Nhiều gia đình có đến 8 nạn nhân, cá biệt có gia đình có đến 15 nạn nhân trong đó 12 người đã mất. Nhiều gia đình cả 3 - 4 thế hệ là nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC), có gia đình có nguy cơ không duy trì được giống nòi. NNCĐDC là những người nghèo nhất trong những người nghèo, là người đau khổ nhất trong những người đau khổ. 

Hơn 300 hình ảnh tư liệu, hiện vật đang trưng bày tại cuộc triển lãm “Da cam - lương tri và công lý” ở Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt là bức tranh toàn cảnh về thảm họa da cam, nỗi đau da cam do chiến tranh gây ra còn đeo bám tới hôm nay. Đó còn là những hình ảnh về Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học, khắc phục ô nhiễm môi trường; hoạt động của Hội NNCĐDC/Dioxin Việt Nam và hành trình đòi công lý cho NNCĐDC; những tấm gương vượt khó vươn lên; những “Tấm lòng vàng” vì NNCĐDC cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Đặc biệt, Quân khu 7 và tỉnh Lâm Đồng khắc phục thảm họa da cam, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và hoạt động của Hội NNCĐDC tỉnh Lâm Đồng. Ở đó là những mảng màu tối - sáng về nỗi đau, về tình người, về trách nhiệm, về đạo lý…

Qua hình ảnh cho thấy, chiến tranh là một câu chuyện buồn, chúng ta nhắc lại không phải để khơi lại hận thù, khơi lại nỗi đau trong quá khứ mà đó là một lời nhắc nhở mỗi chúng ta về sự khắc nghiệt của chiến tranh và hãy trân trọng giá trị của hòa bình. Gần 50 năm sau ngày nước nhà thống nhất, bên cạnh những nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước, ta cũng đã nỗ lực để hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục hậu quả của chiến tranh để lại. Sau 12 năm Phong trào hành động vì NNCĐDC do Trung ương MTTQ Việt Nam phát động đã được các tầng lớp Nhân dân đồng tình hưởng ứng, thu hút sự quan tâm của đồng bào trong và ngoài nước cùng bạn bè quốc tế giúp nạn nhân giảm bớt khó khăn, xoa dịu nỗi đau, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Hàng năm, Hội NNCĐDC các cấp với cách làm sáng tạo đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội trị giá hàng trăm tỷ đồng để giúp NNCĐDC. 

Riêng Lâm Đồng, hiện nay, toàn tỉnh đã hình thành 11 Hội cấp huyện (trừ Lạc Dương), 66 hội cấp xã và 31 hội cấp cơ sở, với hơn 3.900 người bị phơi nhiễm, trong đó có hơn 2.000 nạn nhân được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Ngoài ra có 1.500 người hoạt động trong kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trực tiếp và 495 người là con đẻ của các nạn nhân bị ảnh hưởng. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 43 của Bộ Chính trị, đẩy mạnh phong trào hành động vì NNCĐDC, thực hiện tốt chính sách đối với người có công, người hoạt động trong kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam và con đẻ của họ. Hội NNCĐDC Dioxin các cấp trong tỉnh không ngừng hoạt động có hiệu quả, thiết thực. Từ năm 2015 đến nay, các cấp Hội đã vận động được hơn 21 tỷ đồng góp phần chăm lo cho NNCĐDC, huy động toàn xã hội chung tay thực hiện nghĩa cử cao đẹp đối với NNCĐDC theo Chỉ thị 43 của Bộ Chính trị. 

Ngoài ra, hàng năm, từ nguồn Quỹ Vì người nghèo, MTTQVN các cấp và các tổ chức đoàn thể thành viên trong tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân các dịp lễ, Tết cổ truyền dân tộc. Để xây dựng sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn là NNCĐDC với tổng giá trị trên 10 tỷ đồng. Sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội không chỉ giúp đỡ chăm sóc các nạn nhân mà còn tạo niềm tin, nghị lực để nhiều NNCĐDC nỗ lực vươn lên vượt qua số phận, từng bước cải thiện cuộc sống. 

Ông Phạm Triều - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng khẳng định: Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện nhân đạo, mà hơn thế là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc Việt Nam đối với những người có công với đất nước. Trong thời gian tới, Phong trào Hành động vì nạn nhân chất độc da cam cần sự chung tay của toàn xã hội bằng những việc làm cụ thể. Đó là, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng nhằm chia sẻ những mất mát hy sinh, những nỗi đau mà nạn nhân và gia đình NNCĐDC phải gánh chịu. Mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị đẩy mạnh hưởng ứng các hoạt động do các cấp, các ngành, MTTQ Việt Nam phát động vận động tiếp tục thực hiện tốt chính sách cho người có công, đóng góp nhiều hơn nữa để giúp đỡ, tặng quà, xây dựng sửa chữa nhà ở, hỗ trợ đời sống và sản xuất cho con nạn nhân và gia đình con cháu nạn nhân nhằm xoa dịu nỗi đau giúp họ vơi bớt khó khăn và vững tin hơn trong cuộc sống. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội đẩy mạnh các hoạt động, huy động các nguồn lực và thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công, với NNCĐDC. Với lòng tri ân, tình cảm, trách nhiệm, sự sẻ chia của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, Phong trào Hành động vì NNCĐDC trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được nhiều kết quả.