Đà Lạt chấn chỉnh tình trạng sợ làm, sợ sai

THỤY TRANG 06:46, 28/09/2023

Dù chưa phát hiện có việc né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm; tuy nhiên, đâu đó trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên của TP Đà Lạt vẫn còn tình trạng có tâm lý e dè, sợ làm, sợ sai… cần phải chấn chỉnh, khắc phục. 

Nhân viên Trung tâm Điều hành thông minh TP Đà Lạt điều hành, giải quyết dịch vụ hành chính công cho người dân
Nhân viên Trung tâm Điều hành thông minh TP Đà Lạt điều hành, giải quyết dịch vụ hành chính công cho người dân

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Thành ủy Đà Lạt, thành phố đã và đang có nhiều bước phát triển mới trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Để có được những kết quả tích cực này không thể không nhắc đến đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC), viên chức (VC), đảng viên (ĐV) của thành phố. Đây là lực lượng luôn được UBND TP Đà Lạt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng. Thành phố đã cử 3.112 lượt CBCC, VC tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ do các cấp, các ngành tổ chức; hỗ trợ kinh phí tự đào tạo cho 23 CBCC trong diện quy hoạch tự tham gia đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn.

Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, thành phố cũng tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức trong thực thi công vụ của CBCC, VC. Kịp thời khen thưởng, động viên các cơ quan, đơn vị thực hiện xuất sắc nhiệm vụ trong công tác cũng như trong các phong trào thi đua, các hoạt động chuyên đề. Và chấn chỉnh, phê bình các cơ quan, đơn vị, CBCC, VC thực hiện không nghiêm túc, có hành vi vi phạm trong thi hành nhiệm vụ, công vụ. 

Theo lãnh đạo UBND TP Đà Lạt, thời gian qua, đội ngũ CBCC, VC, ĐV thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố đều an tâm công tác, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Và cho đến thời điểm này, chưa phát hiện có tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, không dám làm, sợ trách nhiệm. Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc và công tác tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, địa phương, đơn vị vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần phải chấn chỉnh, khắc phục. 

Cụ thể, tại Báo cáo gửi Thành ủy Đà Lạt số 6126/BC-UBND của UBND TP Đà Lạt đề ngày 13/9/2023, cho thấy vẫn còn một số ít CBCC, VC, ĐV có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị...

Trong khi đó, một số cơ quan, đơn vị chủ yếu chỉ giải quyết công việc mang tính sự vụ, thủ tục hành chính thông thường, “dễ làm, khó bỏ”; chưa quan tâm nhiều đến việc nghiên cứu đề xuất chủ trương, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập ở cơ quan, đơn vị. Tại một số cơ quan, đơn vị, vai trò người đứng đầu chưa nghiêm, thiếu quyết đoán; giám sát, kiểm soát đội ngũ CBCC, VC có lúc chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên. Một số CBCC, VC, ĐV có tâm lý ỷ lại, chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ được giao, thiếu tính sáng tạo; vẫn còn sai phạm trong thi hành công vụ dẫn đến bị kỷ luật. Từ năm 2020 đến 2023, UBND thành phố đã xem xét, xử lý kỷ luật đối với 13 CBCC, VC vi phạm; đồng thời, kiểm điểm, phê bình 132 lượt cơ quan, đơn vị, CBCC, VC chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tình trạng trên dẫn đến việc xử lý công việc bị kéo dài, chậm tiến độ, làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân đối với chính quyền.

Từ thực tế này, UBND TP Đà Lạt đã đề ra 4 nhiệm vụ, giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại như đã nêu. Nổi bật là việc tập trung nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội, rà soát những bất cập, nhanh chóng sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch hơn, đảm bảo được tính thống nhất, chặt chẽ; nhất là các văn bản quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị; cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân và phải được cụ thể hóa thành văn bản luật và dưới luật. 

Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Coi trọng tự kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng; kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với kiểm tra, giám sát theo chuyên đề. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào việc thực hiện Điều lệ Đảng, chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ, sinh hoạt Đảng, thực hiện nhiệm vụ công tác, trách nhiệm nêu gương, quy định về những điều đảng viên không được làm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra cấp trên đối với tổ chức cơ sở đảng. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra cấp trên đối với cấp ủy, tổ chức Đảng, Ủy ban Kiểm tra cấp dưới về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; kịp thời xử lý kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm.

Đánh giá đúng, công tâm, khách quan sẽ khơi dậy sự chủ động, sáng tạo trong công việc, kiên quyết thực hiện dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước công việc của mình, khắc phục được “bệnh sợ trách nhiệm”, vươn lên hoàn thành tốt trách nhiệm công vụ được giao, tránh tình trạng chọn việc nhẹ, việc dễ mà đùn đẩy việc khó cho người khác, cho tập thể.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ CBCC, VC đồng thời, phải linh hoạt thực hiện các phương pháp kiểm tra, giám sát trực tiếp và hình thức kiểm tra cán bộ, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; phải tăng cường kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất. Từ đó, kịp thời, cương quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với CBCC, VC có năng lực làm việc yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao. Kịp thời biểu dương, khen thưởng đúng người, đúng thành tích và đúng lúc; kỷ luật đúng người, đúng mức độ vi phạm, đúng quy định của Đảng và pháp luật…

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng CBCC, VC, ĐV; chú trọng nâng cao nhận thức chính trị về hiểu biết đường lối, quan điểm của Đảng, nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng; kiên định, tin tưởng mục tiêu, con đường mà Đảng ta đã lựa chọn. Đồng thời, thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm CBCC, VC có phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đào tạo, bồi dưỡng CBCC, VC đáp ứng yêu cầu của công việc, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thực hành.

Xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý bảo đảm khách quan, đúng quy định, đúng đối tượng với lộ trình, bước đi cụ thể, vừa bảo đảm tính ổn định và phát triển, vừa đảm bảo yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, VC. Gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện nghiêm túc, khách quan, công tâm trong việc đánh giá cán bộ để làm cơ sở cho công tác luân chuyển, điều động. Quan tâm luân chuyển trước cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số, cán bộ có quy hoạch chức vụ cao; bố trí luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho những năm tiếp theo. 

Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với CBCC, VC. Xử lý nghiêm các trường hợp CBCC, VC vi phạm quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính; quy tắc ứng xử, văn hóa công vụ; gắn việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ với đánh giá CBCC, VC và bình xét thi đua cuối năm.