Thị trấn Nam Ban (Lâm Hà) có một số cơ sở chế biến nhộng tằm, ươm tơ nhưng thời gian qua, việc xả nước thải của các cơ sở có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống người dân nhưng rất khó để xử lý triệt để.
Khu vực mương thoát nước người dân phản ánh 2 cơ sở chế biến nhộng tằm, ươm tơ có dấu hiệu xả thải nước thường xuyên có mùi hôi khó chịu |
Theo phản ánh từ người dân sinh sống tại tổ dân phố Thăng Long (thị trấn Nam Ban) tại khu vực này thời gian qua, có cơ sở sản xuất ươm tơ của hộ kinh doanh Phạm Thị Dân và cơ sở sản xuất nhộng tằm và rũ nhộng đã phế bỏ của hộ kinh doanh Đào Thế Hưng. Và trong quá trình hoạt động, 2 cơ sở này có dấu hiệu xả nước thải ra môi trường, ảnh hưởng tới đời sống người dân xung quanh.
Tại hiện trường sáng ngày 17/9, chúng tôi ghi nhận tại con mương thoát nước chung của người dân có bề ngang chưa đầy 1 m, dài khoảng hơn 250 m nằm phía dưới 2 cơ sở nêu trên không có hiện tượng xả thải nguồn nước từ hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, nước tại con mương vẫn có màu đục, bốc mùi hôi đặc trưng của loại nước thải sản xuất liên quan đến hoạt động ươm tơ, rũ nhộng tằm. Các hộ dân sinh sống gần đó cho hay đã nhiều lần chứng kiến nguồn nước đen, bốc mùi hôi thối chảy từ phía 2 cơ sở ươm tơ và rũ nhộng tằm của hộ kinh doanh Phạm Thị Dân và ông Đào Thế Hưng. Con mương thoát nước này còn chạy dọc bên hông Trường Tiểu học Nam Ban 1, sau đó đổ ra hệ thống thoát nước con đường chính ĐT.725.
Qua trao đổi, lãnh đạo UBND thị trấn Nam Ban thông tin, cuối tháng 7/2023, UBND huyện Lâm Hà đã lập đoàn liên ngành xác minh, xử lý thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường đối với cơ sở ươm tơ của Công ty TNHH Sợi tơ tằm Phạm Dân AS và cơ sở sản xuất nhộng tằm Đào Thế Hưng, đều nằm tại khu vực tổ dân phố Thăng Long.
Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định thông tin phản ánh của công dân là có cơ sở. Do đó, UBND huyện đã ban hành quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hai cơ sở nêu trên. Thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra của UBND huyện không phát hiện 2 cơ sở này xả nước thải ra môi trường nên chưa có cơ sở để đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, cơ sở ươm tơ của Công ty TNHH Sợi tơ tằm Phạm Dân AS và cơ sở sản xuất nhộng tằm Đào Thế Hưng đang hoạt động nhưng chưa có Giấy phép môi trường được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Cụ thể, cơ sở ươm tơ của Công ty TNHH Sợi tơ tằm Phạm Dân AS lượng nước thải phát sinh từ hoạt động ươm tơ khoảng 6,4 m3/ngày/đêm. Cơ sở xây dựng 3 bể chứa nước thải, nước thải từ bể chứa số 1 chảy qua bể chứa số 2, hiện bể chứa số 2 chưa đầy nên chưa xả qua bể chứa số 3. Qua kiểm tra thực tế, bể chứa số 2 hiện là bể đất, không lót đáy nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, cơ sở không có công trình xử lý nước thải sản xuất nào khác và không sử dụng hóa chất xử lý.
Đối với cơ sở sản xuất nhộng tằm Đào Thế Hưng, lượng nước thải phát sinh từ hoạt động giũ nhộng lẫn tơ lấy con nhộng khoảng 2 m3/ngày. Chủ cơ sở sử dụng nước thải trong bể chứa (có xử lý bằng men vi sinh) để tưới cây là chưa đảm bảo quy định, việc sử dụng nước thải sau xử lý để tưới cây trồng phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và đạt quy chuẩn kỹ thuật làm nước tưới cây. Bên cạnh đó, khí thải từ lò hơi của các cơ sở không qua hệ thống xử lý khí thải, thoát ra môi trường xung quanh bằng ống khói. Hoạt động sản xuất của các cơ sở còn phát sinh mùi hôi đặc trưng của quá trình sản xuất liên quan đến kén tằm tại khu vực các nhà xưởng.
Lãnh đạo UBND thị trấn Nam Ban cũng cho biết, cuối năm 2022, một cơ sở ươm tơ khác tại địa phương cũng xảy ra tình trạng xả thải, gây ô nhiễm môi trường. UBND huyện đã có quyết định xử phạt cơ sở này 88 triệu đồng do xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên.
Hiện nay, chính quyền cơ sở còn khó khăn, lúng túng trong việc kiểm tra, xác định việc các cơ sở xả thải có gây ô nhiễm hay không. Nguyên nhân là khi địa phương hoặc người dân phát hiện hoạt động xả thải khi tới làm việc thì cơ sở ngừng xả thải, bên cạnh đó, quy trình lấy mẫu nước rất chặt chẽ, không chỉ dựa vào cảm nhận cảm quan. Do đó, việc xác định các cơ sở có vi phạm để xử phạt hành chính gần như phải trông chờ vào cơ quan chức năng ngành Tài nguyên - Môi trường và sự vào cuộc của lực lượng Cảnh sát Môi trường.
Lãnh đạo UBND huyện Lâm Hà thời gian qua đã ký ban hành nhiều văn bản, yêu cầu các phòng, ban, địa phương giám sát, yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm những thông báo kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của UBND huyện. Trường hợp các cơ sở không hợp tác thực hiện, tiếp tục có dấu hiệu xả thải nguồn nước gây ô nhiễm môi trường (nếu có), địa phương sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin