Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 (Bài 1)

VIẾT TRỌNG 06:07, 24/10/2023

Ngày 25/9/2023, UBND tỉnh  đã ban hành Kế hoạch số 8358 “Thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” do Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp ký. Đặc biệt, trong đó yêu cầu các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương có liên quan đẩy nhanh tiến độ với những mốc thời gian cụ thể. 

 

Bài 1: Hoàn tất việc sắp xếp trong năm 2024 

 
Không gian đô thị sẽ được mở rộng với việc nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt. Trong ảnh: Thị trấn Lạc Dương nhìn từ trên cao. Ảnh: Thụy Trang
Không gian đô thị sẽ được mở rộng với việc nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt. Trong ảnh: Thị trấn Lạc Dương nhìn từ trên cao. Ảnh: Thụy Trang

PHÙ HỢP VỚI TÌNH HÌNH THỰC TIỄN CỦA ĐỊA PHƯƠNG 

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2023-2025, với cấp huyện Lâm Đồng sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 3 huyện gồm Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên thành 1 huyện, lấy tên là huyện Đạ Huoai. Đồng thời, sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số huyện Lạc Dương là đơn vị hành chính (ĐVHC) nông thôn vào TP Đà Lạt (ĐVHC đô thị) để mở rộng không gian đô thị Đà Lạt. Cùng đó, sẽ điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã gồm Lộc An, Lộc Tân, Lộc Nam, Lộc Thành và Tân Lạc của huyện Bảo Lâm vào TP Bảo Lộc để mở rộng không gian đô thị Bảo Lộc. 

Với cấp xã, sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Triệu Hải vào xã Quảng Trị thuộc huyện Đạ Tẻh (do không đảm bảo 70% cả 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số), đồng thời nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Quảng Lập vào xã Pró thuộc huyện Đơn Dương (do có tiêu chuẩn diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định).

Mục tiêu Lâm Đồng đưa ra là việc sắp xếp phải hợp lý, phù hợp với thực tiễn và tình hình của địa phương; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân trong tỉnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. 

Tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương có liên quan cần xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành; chủ động, gắn với chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của mình; kịp thời, đồng bộ, thống nhất, chất lượng và hiệu quả. Trong sắp xếp cần chú ý tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong quá trình triển khai thực hiện.

 

UBND tỉnh đã đưa ra mục đích, yêu cầu, những nguyên tắc của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với lộ trình cụ thể, trong đó nêu rõ cần hoàn tất trong năm 2024 sắp đến.

 

UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ Nghị quyết số 37, Kết luận số 48 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 595, Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết số 117 của Chính phủ và Nghị quyết số 26 của Tỉnh ủy và trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công tại Kế hoạch này, tiến hành rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật; kịp thời hướng dẫn, tổ chức thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh.

Trong sắp xếp các ĐVHC, cần đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; tuân thủ hiến pháp, thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị và các quy hoạch khác có liên quan; chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.

Các đơn vị, địa phương cũng cần chú trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động nhằm tạo sự đồng thuận; tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn bảo đảm công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật; gắn việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, người lao động; giải quyết chế độ, chính sách hợp lý; thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các ĐVHC cấp huyện, cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp.

Khu dân cư Ngô Quyền, Phường 6, TP Đà Lạt
Khu dân cư Ngô Quyền, Phường 6, TP Đà Lạt

LỘ TRÌNH CỤ THỂ 

Trong năm 2023 này, tỉnh cho rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo thuận lợi cho việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. 

Với cấp huyện, UBND huyện cần xây dựng phương án tổng thể, đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới các tiêu chuẩn quy định; các đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp, sáp nhập cho giai đoạn 2026-2030 thực hiện trong giai đoạn 2023-2025; xây dựng đề án nhập, điều chỉnh ĐVHC cấp huyện, cấp xã để mở rộng không gian đô thị gắn với nội dung nâng cấp xã, thị trấn thành phường phù hợp với quy định pháp luật, thực tiễn địa phương để giảm số lượng và tăng quy mô ĐVHC, giải quyết các vấn đề còn bất hợp lý về phân định địa giới ĐVHC; tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Với cấp tỉnh, UBND tỉnh xây dựng Phương án tổng thể, Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2025; Đề án nhập ĐVHC huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt, Đề án điều chỉnh địa giới hành chính cấp xã của huyện Bảo Lâm vào TP Bảo Lộc để mở rộng không gian đô thị Bảo Lộc gắn với nội dung nâng cấp, thành lập xã, thị trấn thành phường.

Trong năm 2024, tỉnh sẽ hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong kế hoạch; tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ CBCCVC, người lao động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025. 

Tỉnh cũng sẽ tập trung giải quyết dứt điểm chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp; sắp xếp lại, trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi của ĐVHC cấp huyện, cấp xã; triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù tại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp.

Trong năm 2025, đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 sẽ được tiến hành, trong đó có những ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023-2025 của tỉnh. Tỉnh sẽ tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và những người dôi dư sau đại hội Đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2025-2030 ở những ĐVHC cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp; đồng thời, tiếp tục sắp xếp lại trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp; hoàn thành việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới hành chính và tên gọi của ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp; thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù tại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp; lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới ĐVHC các cấp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

(CÒN NỮA)