Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 (Bài 2)

VIẾT TRỌNG 04:38, 25/10/2023
 

Bài 2: Phân công nhiệm vụ cụ thể cùng thời gian thực hiện 

 

UBND tỉnh đã đưa ra các nhiệm vụ cụ thể và thời gian thực hiện cho các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Đà Lạt nhìn từ trên cao. Ảnh: Thụy Trang
Đà Lạt nhìn từ trên cao. Ảnh: Thụy Trang

HOÀN THIỆN CÁC ĐỀ ÁN

Trước mắt, tỉnh tổ chức một hội nghị với thành phần tham dự gồm các sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, cấp huyện đến cấp xã thuộc diện sắp xếp, sáp nhập nhằm triển khai, quán triệt các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị chức năng của tỉnh đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, của các ngành, các cấp, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động và Nhân dân trong việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. 

Về quy hoạch, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị có liên quan sớm phối hợp để lập hồ sơ đề án phân loại đô thị, hồ sơ công nhận đạt tiêu chuẩn của loại đô thị theo phương án nhập, thành lập, điều chỉnh đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị (trong đó 2 UBND TP Đà Lạt và Bảo Lộc cần lập hồ sơ đề án phân loại đô thị đối với việc mở rộng); hồ sơ đề án phân loại đô thị đối với thị trấn dự kiến hình thành sau sắp xếp; hồ sơ công nhận đạt tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với phường dự kiến hình thành sau sắp xếp theo quy định.

Tỉnh cũng giao Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng cùng UBND TP Đà Lạt tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận; đồng thời hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát, điều chỉnh hoặc lập mới quy hoạch đối với các khu vực sau sắp xếp nhằm bổ sung nội dung về sắp xếp ĐVHC trong các quy hoạch xây dựng, đô thị, đảm bảo các đồ án quy hoạch có phương án sắp xếp ĐVHC. 

Đồng thời, yêu cầu ngành chức năng tỉnh phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch đầu tư nhằm đảm bảo trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị của các đô thị sau sắp xếp, phù hợp định hướng phân loại đô thị theo quy hoạch tỉnh được phê duyệt và sớm hoàn tất trước 30/4/2024.

XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN TỔNG THỂ 

Trong tháng 9/2023, UBND tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố có liên quan xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện, ĐVHC đô thị dự kiến mở rộng địa giới hoặc thành lập mới trình Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy cho ý kiến tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. 

Cụ thể, TP Bảo Lộc xây dựng phương án tổng thể ĐVHC đô thị dự kiến mở rộng địa giới; phương án xây dựng các xã trực thuộc dự kiến lên phường; Bảo Lâm xây dựng phương án tổng thể sáp nhập ĐVHC trên địa bàn; trong đó có các xã điều chỉnh sáp nhập vào Bảo Lộc; Lạc Dương xây dựng phương án tổng thể ĐVHC đô thị dự kiến thành lập mới (xây dựng thị trấn và các xã trực thuộc dự kiến lên phường); các huyện Đơn Dương, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên xây dựng phương án tổng thể sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cấp xã trực thuộc trên địa bàn huyện. 

Sở Nội vụ sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan xây dựng và trình tỉnh Phương án tổng thể sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cấp huyện; đồng thời tổng hợp Phương án tổng thể sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã từ các địa phương gửi đến để xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã chung của tỉnh, báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Sau khi có ý kiến thống nhất của tỉnh, ngành chức năng tỉnh hoàn thiện để trình tỉnh gửi đến Bộ Nội vụ Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Theo quy trình, sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ và các bộ ở Trung ương, các địa phương trong tỉnh có liên quan căn cứ vào các quy định và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để xây dựng Đề án sắp xếp (thành lập, nhập, điều chỉnh) ĐVHC cấp xã của địa phương, trình Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy cho ý kiến trước khi báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh theo quy định trong cuối năm 2023. Sở Nội vụ sau đó sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan tổng hợp, hoàn thiện Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh; trình Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong cuối tháng 1/2024 trước khi lấy ý kiến cử tri theo quy định.

LẤY Ý KIẾN CỬ TRI

Theo Kế hoạch, các huyện, thành phố căn cứ Đề án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã được tỉnh gửi xuống để tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn ĐVHC liên quan theo trình tự, thủ tục quy định của của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC, sau đó tổng hợp, báo cáo kết quả về tỉnh trong hạ tuần tháng 3/2024. Sở Nội vụ tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn toàn tỉnh về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã báo cáo tỉnh kết quả lấy ý kiến cử tri Đề án gửi đến Cổng thông tin điện tử Chính phủ để đăng tải.

Trên cơ sở Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã do UBND tỉnh gửi đến, ý kiến của cử tri địa phương (đạt trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn tán thành), HĐND cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh tại các ĐVHC có liên quan thảo luận, biểu quyết về việc tán thành hoặc không tán thành chủ trương sắp xếp các ĐVHC theo trình tự từ cấp xã đến cấp huyện và cấp tỉnh tại kỳ họp HĐND gần nhất hoặc tổ chức kỳ họp HĐND chuyên đề. 

Theo yêu cầu, HĐND cấp xã phải hoàn thành trước ngày 20/4/2024; HĐND cấp huyện hoàn thành trước ngày 30/4/2024; HĐND tỉnh hoàn thành trước ngày 20/5/2024. Sở Nội vụ căn cứ nghị quyết của HĐND tỉnh, sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trình tỉnh và sau đó tỉnh trình Trung ương hồ sơ Đề án Sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

TRIỂN KHAI VIỆC SẮP XẾP

Căn cứ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết thông qua, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong tỉnh theo chức năng nhiệm vụ, kịp thời tổ chức thực hiện và tham mưu cấp có thẩm quyền thực hiện việc sắp xếp.

Cụ thể, chỉ đạo tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đúng thời hạn; chỉ đạo thực hiện số lượng lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; chỉ đạo thực hiện chế độ, chính sách đối với CBCCVC người lao động dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; chỉ đạo thực hiện sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; chỉ đạo thực hiện việc áp dụng chế độ, chính sách đặc thù và việc thực hiện chế độ, chính sách theo các chương trình mục tiêu quốc gia đối với ĐVHC cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp theo quy định tại các Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14 và Điều 15 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15. 

Các đơn vị chức năng tỉnh cũng chỉ đạo việc lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận ĐVHC cấp xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, thôn, tổ dân phố đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; việc công nhận ĐVHC cấp huyện, cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; việc công nhận ĐVHC cấp huyện, cấp xã là vùng an toàn khu, xã an toàn khu; việc công nhận ĐVHC cấp huyện, cấp xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng lao động; việc phân loại đô thị, phân loại ĐVHC hình thành sau sắp xếp và việc chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức theo quy định tại các điều từ Điều 16 đến Điều 19 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngành chức năng tỉnh sẽ thực hiện việc thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi của ĐVHC cấp huyện, cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp, hoàn thành chậm nhất là 60 ngày kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng ĐVHC cấp huyện, cấp xã có hiệu lực thi hành.

Ngành chức năng cũng tổ chức lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới ĐVHC các cấp liên quan đến ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp, hoàn thành trong thời gian 6 tháng kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng ĐVHC cấp huyện, cấp xã có hiệu lực thi hành hoặc kể từ ngày sản phẩm hồ sơ, bản đồ địa giới ĐVHC các cấp của địa phương thực hiện theo quy định tại Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 302/QĐ-TTg ngày 28/3/2023) đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu đủ điều kiện đưa vào quản lý và nộp lưu trữ quốc gia. Kinh phí thực hiện chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới ĐVHC các cấp do ngân sách địa phương bảo đảm.Việc phân loại ĐVHC hình thành sau sắp xếp được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Văn bản số 19/VBHN-VPQH ngày 29/12/2022 của Văn phòng Quốc hội xác thực văn bản hợp nhất Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC.

Một điều quan trọng là các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp theo ĐVHC cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng. Các UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp ĐVHC chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới ĐVHC.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Tài chính căn cứ Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và các văn bản pháp luật có liên quan để cân đối ngân sách tỉnh, trong đó được sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên trong khoản ngân sách nhà nước đã được giao trong thời kỳ ổn định ngân sách của các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của các cơ quan cấp tỉnh và các địa phương (đối với các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách tỉnh); hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. 

UBND tỉnh trong Kế hoạch cũng yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh, các địa phương có liên quan trong tỉnh cần triển khai các nhiệm vụ cụ thể của mình theo phạm vi nhiệm vụ, thẩm quyền được giao trong đó Sở Nội vụ cần hướng dẫn việc kiện toàn tổ chức bộ máy và giải quyết dôi dư đối với CBCCVC, người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp. 

Riêng UBND cấp xã có liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân về chủ trương, phương án, đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; lập danh sách và niêm yết danh sách cử tri, tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến cử tri; đề xuất với các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện quản lý quy hoạch, trụ sở, công trình giao thông, thủy lợi, điện, giáo dục, y tế, cơ sở vật chất văn hóa, đất đai, nhà ở dân cư, tổ chức sản xuất... các dự án đang đầu tư, xây dựng; sắp xếp, bố trí, cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC, người lao động và người hoạt động không chuyên trách cấp xã trên địa bàn; chế độ, chính sách tinh giản biên chế những người dôi dư do sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự tại các ĐVHC cấp xã liên quan theo phân cấp quản lý và quy định hiện hành của pháp luật.