Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh, tổng số tiền các chủ dự án nộp để trồng rừng thay thế là trên 258,2 tỷ đồng để thực hiện trồng 2.974,04 ha. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt các kế hoạch và phân bổ kinh phí cho các dự án trồng rừng thay thế cho các chủ đầu tư là các công ty TNHH MTV lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH), vườn quốc gia,… thực hiện với tổng kinh phí hơn 182,2 tỷ đồng/2.652,33 ha.
Cán bộ và hộ nhận khoán chăm sóc thông non |
Vừa qua, các đơn vị chức năng của tỉnh đã tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá kết quả trồng rừng thay thế từ năm 2014-2022 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và dựa trên kết quả kiểm tra thực tế thì hiện nay, diện tích thực hiện trồng rừng thay thế của các đơn vị chủ đầu tư trong giai đoạn 2014-2022 trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 85,68% so với diện tích thẩm định phê duyệt tại các hồ sơ thiết kế. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, một số đơn vị chưa chú trọng công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thi công của các dự án trồng rừng thay thế trong giai đoạn kiến thiết cơ bản nên vẫn còn nhiều lô rừng không đảm bảo diện tích và mật độ, bị lấn chiếm trồng cà phê, bị nhổ. Cụ thể, Ban QLRPH Tà Nung bị dân nhổ và lấn chiếm nhiều diện tích của dự án trồng rừng thay thế năm 2021; Ban QLRPH Phi Liêng không kiểm tra, giám sát nên để các lô rừng bị mất tại dự án trồng rừng thay thế năm 2019, 2020, 2021 mà không biết lý do; Ban QLRPH Sêrêpốk thiếu kiểm tra, giám sát nên để các lô rừng thi công không đảm bảo mật độ và diện tích đối với dự án trồng rừng thay thế năm 2022.
Bên cạnh đó, một số diện tích trồng rừng thay thế sau giai đoạn kiến thiết cơ bản nhưng vì điều kiện lập địa, bị sâu bệnh hại và các đơn vị chưa quan tâm công tác quản lý, bảo vệ rừng nên bị lấn chiếm, mất rừng, diện tích và mật độ không đảm bảo. Cụ thể như ở các đơn vị: Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm; Hạt Kiểm lâm Bảo Lộc, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương, Ban QLRPH Tà Năng có một số diện tích trồng rừng thay thế bị tuyến trùng, chết cây, đã được các cơ quan chức năng kiểm tra. Một số đơn vị khác cũng bị sâu bệnh hại dẫn đến mật độ bị suy giảm như Ban QLRPH Tà Nung, Đại Ninh, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà…
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, qua kiểm tra thực tế hiện trường đối chiếu với hồ sơ nghiệm thu của các đơn vị, diện tích rừng đạt tiêu chí về mật độ theo quy định chỉ chiếm tỷ lệ 59,58% tổng diện tích rút mẫu kiểm tra; diện tích rừng chưa đạt tiêu chí về mật độ chiếm tỷ lệ 30,26%; diện tích không có cây trồng rừng và bị lấn chiếm là 35,44 ha/348,98 ha, chiếm tỷ lệ 10,16%. Kết quả trên cho thấy, trong tổng diện tích 348,98 ha các đơn vị chức năng rút mẫu kiểm tra có 32,36 ha không có rừng, chiếm tỷ lệ 9,28% và 3,08 ha bị lấn chiếm, chiếm tỷ lệ 0,88%; 105,62 ha không đạt tiêu chí về mật độ theo quy định, chiếm tỷ lệ 30,27% tổng diện tích kiểm tra. Điều này cho thấy, các chủ đầu tư chưa thực hiện tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nên các lô trồng rừng thay thế thực hiện không đạt diện tích theo thiết kế; một số lô trồng rừng thay thế còn thực hiện sai vị trí, diện tích phải lập hồ sơ xin điều chỉnh.
Để xử lý những tồn tại về trồng rừng thay thế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban quản lý rừng, công ty TNHH MTV lâm nghiệp, vườn quốc gia phải khẩn trương tự kiểm tra, rà soát, đánh giá theo các tiêu chí và nội dung đã kiểm tra trên toàn bộ diện tích trồng rừng thay thế còn lại chưa kiểm tra từ năm 2014 đến nay. Xác định và báo cáo nguyên nhân các diện tích trồng rừng chưa đạt yêu cầu, không thành rừng và bị lấn chiếm. Đối với diện tích trồng rừng thay thế đã được kiểm tra không có rừng, mật độ không đảm bảo, chưa quyết toán hoàn thành thì phải tổ chức trồng lại, trồng bổ sung và tiến hành chăm sóc cho đến khi kết thúc giai đoạn kiến thiết cơ bản và được nghiệm thu đạt tiêu chí thành rừng theo quy định. Trường hợp không thực hiện thì phải hoàn trả lại kinh phí đối với những diện tích này. Đối với những diện tích trồng rừng thay thế đã được quyết toán, quá trình kiểm tra, rà soát bị mất rừng không rõ nguyên nhân, chưa làm thủ tục thanh lý thì đơn vị chủ rừng phải tự bỏ vốn trồng bù theo quy định.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị chủ rừng trên địa bàn thực hiện công tác rà soát, báo cáo hiện trạng trồng rừng thay thế trên địa bàn; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cá nhân, tập thể đối với diện tích không đảm bảo mật độ, không thành rừng và để lấn chiếm đất rừng. Chỉ đạo các đơn vị chủ rừng tổ chức trồng lại rừng trên diện tích không đảm bảo về mật độ, không có rừng. Tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể để xảy ra các vấn đề tồn tại nêu trên.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, Hạt Kiểm lâm huyện và thành phố lập kế hoạch phúc tra kết quả kiểm tra, rà soát các dự án trồng rừng thay thế của các đơn vị chủ dự án trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện của đơn vị, tổ chức được giao kinh phí trồng rừng thay thế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin