Đó là một trong những sai phạm được Thanh tra tỉnh chỉ ra trong Kết luận thanh tra Dự án Khu du lịch Nam Hồ của Công ty Cổ phần Xây dựng du lịch Nam Hồ…
Một số công trình của dự án có dấu hiệu người cư trú lâu dài, không hoạt động kinh doanh du lịch |
Theo đó, từ năm 2005 đến nay, Công ty Cổ phần Xây dựng Du lịch Nam Hồ (gọi tắt là Công ty Nam Hồ), chủ đầu tư Dự án Khu du lịch Nam Hồ dù có cố gắng trong việc lập thủ tục thuê đất, thuê rừng; chuyển mục đích sử dụng đất; lập hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường; cấp phép xây dựng các công trình. Công ty đã nộp tiền thuê đất, tiền gia hạn dự án, gia hạn sử dụng đất theo quy định. Và hoàn thành, đưa vào sử dụng 92/95 công trình được cấp phép xây dựng…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt làm được, dự án trên có dấu hiệu hoạt động không đúng mục tiêu đầu tư là khu nghỉ dưỡng hiện đại, thu hút khách du lịch, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Cụ thể, khu thương mại dịch vụ của dự án đã không sử dụng đúng công năng mà xây dựng chia thành 15 căn hộ; trong khi khu ẩm thực, khu trà hoa viên lại “hô biến” thành 15 căn biệt thự và không có hoạt động giới thiệu đặc sản trà Lâm Đồng và quán trà phổ thông như mục tiêu đầu tư của dự án.
Đáng chú ý, một số công trình của dự án có dấu hiệu người 3cư trú lâu dài, không hoạt động kinh doanh du lịch, như khu nhà nghỉ sinh viên khoảng 18 căn; khu nhà nghỉ ký hiệu 2.1 đến 2.6; số 3.1; số 3.23; 3.24, 3.25; 3.28; số 4.2; 4.3; khách sạn trung tâm ký hiệu số 1.2; khu thương mại dịch vụ… Chưa kể có 2 công trình của dự án đang rao bán trên mạng internet, gồm: công trình nhà nghỉ học sinh, sinh viên ký hiệu số 8.18 (rao bán 17 tỷ đồng); khách sạn trung tâm (rao bán 39 tỷ đồng).
Công ty Cổ phần Xây dựng du lịch Nam Hồ (gọi tắt là Công ty Nam Hồ) được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 18/3/2005. Ngày 25/4/2005, Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Chi nhánh Công ty Nam Hồ tại Lâm Đồng. Năm 2005, Dự án Khu du lịch Nam Hồ do Công ty Nam Hồ làm chủ đầu tư được thực hiện trên diện tích 10,31 ha đất lâm nghiệp tại khu vực Tiểu khu 155, Phường11, TP Đà Lạt. Đến năm 2008, tăng quy mô lên 15,04 ha, và năm 2016 lại giảm quy mô xuống còn 10,31 ha. |
Không chỉ vậy, qua thanh tra cho thấy, tiến độ thực hiện dự án theo Giấy chứng nhận đầu tư năm 2008 (Giấy CNĐT) thì đến tháng 6/2010 hoàn thành đưa các công trình vào hoạt động. Dù vậy, đến tháng 6/2022, dự án vẫn chưa hoàn thành tiến độ (khu văn hóa lễ hội sinh viên mới chỉ thi công được phần móng và 2 công trình khác chưa xây dựng), chậm 12 năm so với Giấy CNĐT. Cũng theo cơ quan Thanh tra, trong số 93/95 công trình dự án mà chủ đầu tư đã và đang thi công, có một công trình chưa được cấp phép xây dựng. Ngoài ra, công ty còn cho xây dựng 4 căn nhà tạm trên đất lâm nghiệp.
Kết quả thanh tra cho thấy có 32 công trình phù hợp với giấy phép xây dựng đã được cấp, 58 công trình xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng, trong đó có 4 công trình sai phạm lớn. Trong khi đó, về vị trí xây dựng công trình, có 44 công trình sai lệch một phần so với quy hoạch tổng thể mặt bằng; 16 công trình sai vị trí (nằm ngoài) quy hoạch tổng thể mặt bằng và 1 công trình không nằm trong quy hoạch tổng thể mặt bằng được duyệt.
Trong khi đó, đối với công trình không có mái che, theo Giấy CNĐT năm 2016, diện tích xây dựng là 6.933 m2, nhưng chủ đầu tư đã cho xây dựng tới 8.807 m2; phần sân, bãi đậu xe theo Giấy CNĐT là 2.420 m2 nhưng thực tế đã xây dựng tới 4.609 m2.
Liên quan vụ việc, lãnh đạo UBND Phường 11, TP Đà Lạt cho biết, trong các năm 2020, 2022, phường và Phòng Quản lý đô thị đã lập biên bản vi phạm trật tự xây dựng đối với chủ đầu tư. Trên cơ sở đó, UBND TP Đà Lạt đã ban hành tới 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 57 công trình xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng và bản vẽ thiết kế được duyệt với số tiền 190 triệu đồng. Ngoài phạt hành chính, cơ quan chức năng yêu cầu Công ty Nam Hồ ngừng thi công công trình, trong thời gian 90 ngày, chủ đầu tư phải liên hệ với cơ quan chức năng lập hồ sơ, thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng và bản vẽ thiết kế theo quy định. Quá hạn, nếu công ty không xuất trình được giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì áp dụng các biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm.
Cũng theo lãnh đạo UBND Phường 11, chủ đầu tư đã thực hiện việc đóng tiền phạt vi phạm hành chính, phần còn lại mới thực hiện được một phần nhưng chưa triệt để. Không những vậy, trong quá trình xây dựng, công ty không phối hợp với UBND phường, Phòng Quản lý đô thị TP Đà Lạt để kiểm tra, định vị công trình dẫn đến việc nhiều công trình sai lệch vị trí so với quy hoạch tổng mặt bằng.
Không chỉ sai phạm trong xây dựng, Công ty Nam Hồ còn để mất trên 800 cây thông 3 lá so với hồ sơ giao nhận năm 2006. Đồng thời, chưa xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 2913/UBND-LN ngày 11/5/2020.
Cùng với đó, công ty cũng chưa thực hiện khai thuế giá trị gia tăng của dự án đầu tư tại nơi có dự án đầu tư mà kê khai tại TP Hồ Chí Minh là chưa đúng với quy định. Chi nhánh Công ty Nam Hồ còn sai sót trong việc kê khai các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập thuế; không đủ điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng và kê khai nhầm, kê khai thiếu thuế môn bài; tính thuế thu nhập cá nhân đối với tiền công, tiền lương của người lao động chưa đúng quy định theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân dẫn đến tổng số tiền phải truy thu từ năm 2006 đến 31/7/2022 là hơn 191 triệu đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin